Từ vụ việc Bệnh viện FV: Siêu âm và dùng que thử Quickstick đã đủ tin cậy?

Mặc dù Bệnh viện FV đã công bố kết quả của Hội đồng chuyên môn cấp cơ sở về trường hợp của bệnh nhân N.T.M.C, trong đó khẳng định các biện pháp mà bệnh viện áp dụng là phù hợp nhưng vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau từ phía các bác sĩ chuyên ngành.

Ngày 27/6, Bộ Y tế yêu cầu làm rõ trường hợp chị N.T.M.C khám tại Bệnh viện FV TP.HCM trong cùng một ngày cho hai kết quả khác nhau (sáng chẩn đoán không có thai, chiều chẩn đoán sảy thai).

Siêu âm là biện pháp nhanh và khá chính xác để xác định xem có thai hay không.

Siêu âm là biện pháp nhanh và khá chính xác để xác định xem có thai hay không.

Nếu chỉ siêu âm và dùng que thử Quickstick thì có đủ cơ sở khẳng định bệnh nhân có thai hay không, đó là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, giảng viên ĐH Y dược TP.HCM, siêu âm là biện pháp nhanh và khá chính xác để xác định xem có thai hay không. Nếu có thì thai nằm trong hay ngoài tử cung? Đặc biệt với những bệnh nhân đã từng mổ lấy thai thì cần phải kiểm tra xem thai có bám gần vết mổ hay không? Xét nghiệm máu cho kết quả chính xác hơn so với xét nghiệm nước tiểu (quickstick) nhưng cần thời gian lâu hơn. Tuy nhiên, không thể chỉ căn cứ vào 1 trong 3 biện pháp này. Triệu chứng lâm sàng và bệnh sử của bệnh nhân (trễ kinh hoặc một số triệu chứng khác) cũng là một trong những căn cứ để từ đó bác sĩ quyết định làm các xét nghiệm cần thiết cho bệnh nhân.

Còn theo TS. BS. Bùi Chí Thương - Bộ môn Phụ sản ĐH Y dược TP.HCM, khi một phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ bị rong huyết đến khám, đầu tiên bác sĩ phải nghĩ đến tình trạng rong huyết này có liên quan gì thai kỳ hay không. Trong một số trường hợp, mặc dù khách hàng có thai nhưng dùng que thử thai vẫn cho kết quả âm tính (vì có một số trường hợp âm tính giả). Xét nghiệm beta hCG lúc này là hết sức cần thiết để ra được kết quả chính xác.

Ngoài ra, BS Bùi Chí Thương chia sẻ thêm, trong trường hợp cụ thể tại Bệnh viện FV, vì thử que cho kết quả âm tính nên nhiều khả năng bác sĩ cho rằng bệnh nhân không có thai. Cùng với siêu âm cho thấy có ứ dịch lòng tử cung nên bác sĩ mới chẩn đoán ứ dịch và cho dùng Misoprostol để đẩy dịch ứ. Trên thực tế, vẫn có khả năng thai bám vào vết sẹo mổ cũ, nếu người siêu âm ít kinh nghiệm sẽ khó nhận ra.

Cho rằng test thai nhanh bằng nước tiểu vẫn chấp nhận được khi dùng trong bệnh viện, BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM lý giải: Bệnh viện Từ Dũ vẫn sử dụng Quickstick vì tỷ lệ cho kết quả chính xác khá cao (96 - 97%), chỉ có 3-4% là âm tính giả. Với các ca cấp cứu trong đêm, khi không thể chờ kết quả thử máu, bác sĩ vẫn sử dụng Quickstick. Tuy nhiên, BS Mỹ Nhi cũng cho biết, nếu trường hợp nước tiểu bị pha loãng hoặc que có lỗi thì việc sai sót vẫn xảy ra.

Còn về sự khác nhau trên hình ảnh siêu âm của bệnh nhân N.T.M.C, theo BS Mỹ Nhi, khi thai chết lưu thì mọi hình ảnh không còn điển hình nữa nên sẽ rất khó. Nếu kết quả quickstick dương tính thì BS sẽ tiếp tục kiểm tra tiếp, nhưng vì quickstick cho kết quả âm tính nên BS không nghĩ đến chuyện có thai mà nghĩ là xuất huyết do dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp.

Một bác sĩ sản khoa khác khẳng định, khi siêu âm sẽ thấy thai lưu và ổ dịch ứ là khác nhau. Nếu là thai lưu sẽ thấy túi ối méo mó, có dịch nhưng có khối hỗn hợp xung quanh; nếu là túi dịch hay ổ dịch ứ sẽ thấy đó là một khối trống. Vì thế, siêu âm là biện pháp cần thiết để khẳng định tình trạng có thai hay không và nếu có thì sức khỏe của thai nhi cũng như thai phụ thế nào. Và điều quan trọng nhất là cần môt bác sĩ siêu âm kinh nghiệm.

Theo thông tin mới nhất từ người nhà bệnh nhân, ngày hôm qua (28/6), chị M.C đã phải phẫu thuật ở một bệnh viện phụ sản khác. Các bác sĩ cho biết có khối tụ bám dính vào vết sẹo mổ cũ đến 7cm và tình trạng này được đánh giá là nguy hiểm cho thai phụ.

An Nhiên

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tu-vu-viec-benh-vien-fv-sieu-am-va-dung-que-thu-quickstick-da-du-tin-cay-post266940.info