Từ vụ tuýt còi nhầm Bamboo Airways: ngẫm chuyện đăng ký tên miền

Mặc dù vụ 'tuýt còi' nhầm Bamboo Airways của Cục Hàng không Việt Nam đã khép lại nhưng một vấn đề tồn tại dai dẳng lại tiếp tục được mở ra: chuyện đăng ký tên miền của doanh nghiệp.

Ở câu chuyện, Công ty Tre Việt chỉ có thể kiện và cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt cá nhân, đơn vị sở hữu tên miền bambooairway.vn vì đã đăng tải thông tin không chính xác và chưa được sự cho phép của Tre Việt. Còn với tên miền bambooairway.vn thì không thể “quy tội” đã nhái lại thương hiệu của hãng hàng không Bamboo Airways.

Tên miền bambooairway.vn có thể sẽ là “rào cản” trong tương lai của Hãng hàng không Tre Việt

Hiện theo quy định tại Nghị định 72 ngày 15/7/2013 của Chính Phủ quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng và Thông tư ngày 18/8/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet thì tên miền không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ.

Việc đăng ký, sử dụng tên miền “.VN” theo “nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, đăng ký trước được quyền sử dụng trước”, nghĩa là ai đăng ký trước thì dùng trước. Như vậy, cá nhân, tổ chức sở hữu tên miền bambooairway.vn là hợp pháp và hoàn toàn không vi phạm việc nhái thương hiệu Bamboo Airways.

Một giả định trong tương lai được đặt ra. Khi Bamboo Airways phát triển mạnh mẽ và muốn sử dụng tên miền quốc gia “.VN”, cụ thể ở đây là tên miền bambooairway.vn để quảng bá, phát triển thương hiệu, các hoạt động thương mại… thì khi đó Công ty Tre Việt chắc chắn sẽ phải đàm phán để mua lại từ cá nhân, tổ chức sở hữu tên miền bambooairway.vn (hoặc bambooairway(s).vn, nếu có).

Trên thực tế, chuyện các doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí là những doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu của cả nước từ chục năm về trước như Viettel.com, FPT.com, VNPT.com, Mobifone.com, Netnam.com, Bkav.com… đã bị các cá nhân, tổ chức nước ngoài sở hữu tên miền quốc tế “.com” với thương hiệu của mình.

Thậm chí đầu năm 2012, Công ty An ninh mạng Bkav đã phải bỏ ra số tiền 2,3 tỷ đồng để mua lại tên miền quốc tế “Bkav.com” từ một công ty của Mỹ khi công ty này đã nhanh chân đăng ký trước từ năm 2001. Khi đó, ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Bkav cho biết, khi phát triển thương hiệu Bkav không nghĩ tới việc có thể đưa thương hiệu ra toàn cầu, nên chỉ mua tên miền trong nước là “Bkav.com.vn” mà không mua tên miền quốc tế “.com”.

Hay như tên miền Viettel.com được đăng ký qua một trang web quốc tế, hết hạn vào 13/5/2020, người đăng ký là Nguyen Duy, địa chỉ tại California (Mỹ), cuối năm 2011 chủ sở hữu tên miền này đã rao bán với giá 1,5 triệu USD. Tuy nhiên, khi đó cũng như đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Viettel chưa cho biết kế hoạch mua lại tên miền này.

Các tên miền quốc tế của các doanh nghiệp lớn kể trên hiện cũng chưa được các doanh nghiệp mua lại và cũng chưa cho biết có kế hoạch mua lại các tên miền quốc tế này hay không.

Việc các doanh nghiệp bị sở hữu tên (theo thương hiệu của mình) cả tên miền trong nước hay quốc tế cũng dễ sẽ bị ảnh hưởng về uy tín thương hiệu, gây nhiễu loạn thông tin, và thậm chí còn ảnh hưởng lớn và lâu dài trên bình diện kinh tế hoặc sẽ trực tiếp cản trở việc mở rộng đầu tư, tiến ra thị trường quốc tế của mình.

Do vậy, để tránh xảy ra những tranh chấp quyền sử dụng tên miền hoặc tránh để những tên miền liên quan đến tên thương mại, sản phẩm, chỉ dẫn địa lý… của mình bị chủ thể khác đăng ký trước, gây ảnh hưởng đến hoạt động quảng bá hình ảnh, thương hiệu trên Internet, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động đăng ký, sử dụng tên miền liên quan đến hoạt động kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu, sản phẩm, dịch vụ, chỉ dẫn địa lý… của doanh nghiệp mình.

TRUNG ĐỨC

Điểm lại sự vụ, ngày 14/8, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) thực hiện đúng Luật Hàng không dân dụng về vận chuyển hàng không, khi cho rằng website được cho là của Tre Việt có tên bambooairway.vn đăng tải thông tin không chính xác về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, có các biểu hiện của việc xúc tiến thương mại và kinh doanh vận chuyển hàng không khi chưa có giấy phép và chưa được cấp quyền vận chuyển hàng không.

Sau đó Công ty Tre Việt đã có văn bản phản hồi và khẳng định trang web tên là giả mạo (trang chính thức của Bamboo Airways là bambooairways.com), thường xuyên đăng tải nhiều thông tin sai lệch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hoạt động của Bamboo Airways.

Và sau công văn của Công ty Tre Việt, Cục Hàng không lại có văn bản phản hồi và đề nghị Tre Việt làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lí việc tổ chức, cá nhân sử dụng tên miền đăng tải thông tin không chính xác, và các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của Hãng hàng không Tre Việt.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/tu-vu-tuyt-coi-nham-bamboo-airways-ngam-chuyen-dang-ky-ten-mien-10890.html