Từ vụ trốn thuế BOT: Cần thanh tra toàn diện các BOT giao thông

Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa bắt 5 cán bộ lãnh đạo BOT Cao tốc TPHCM – Trung Lương vì đã chỉnh sửa phần mềm nhằm ăn gian doanh số thu phí. Nhiều chuyên gia cho rằng cần thanh tra toàn diện các BOT giao thông hiện nay, để tránh tình trạng giấu doanh thu trốn thuế hoặc khai thấp doanh thu để kéo dài thời hạn thu phí.

BOT An Sương - An Lạc từng xảy ra xung đột với người dân vì bị nghi ngờ thu phí quá hạn.

Cân thanh tra để làm rõ sự minh bạch của các BOT giao thông hiện nay.

Chiều 4.1, trao đổi với PV Báo Lao Động GS-TS Nguyễn Trọng Hòa - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, nguyên Phó chủ tịch Hội Quy hoạch - Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc bắt một số lãnh đạo BOT TPHCM – Trung Lương chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Theo ông Hòa, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã từng phát hiện một số dự án BOT giao thông “ăn gian” thời hạn thu phí nhiều năm năm so với phương án tài chính ban đầu của nhà đầu tư.

Cụ thể, dự án mở rộng quốc lộ 1 qua Khánh Hòa KTNN kiến nghị giảm hơn 13 năm; dự án mở rộng quốc lộ 14 đoạn qua Đak Nông giảm hơn 12 năm - qua Bình Phước giảm 8 năm - qua Gia Lai giảm hơn 7 năm…

Thậm chí KTNN còn kiến nghị chấm dứt ngay việc thu phí trái phép đối với dự án tuyến tránh quốc lộ 1 qua thị xã Tam Kỳ và đường ĐT 618 huyện Núi Thành (Quảng Nam).

“Từ vụ BOT TPHCM – Trung Lương ăn cắp bớt doanh thu để trốn thuế, cho đến một số BOT khác bị phát hiện sai phạm, vì vậy cần phải Thanh tra toàn diện các BOT giao thông hiện nay.” - GS Hòa đề xuất.

Theo GS Hòa, Thanh tra để làm rõ vấn đề các BOT giao thông hiện nay có khai đúng doanh thu, có nộp thuế đúng, thời hạn thu phí của các BOT có đúng với chi phí ban đầu mà chủ đầu tư bỏ ra không.

Ông Hòa đặt nghi vấn có hay không các BOT giao thông cố tình kê khống chi phí đầu tư lớn hơn thực tế để kéo dài thời hạn thu phí?

Mặt khác, có hay không đưa ra số tiền thu phí/ngày thấp hơn thực tế để được thu phí nhiều ngày hơn.?

“Vấn đề của các BOT giao thông hiện nay là phải công khai, minh bạch rõ ràng thì mới tạo được sự đồng thuận trong dân. Ngày nào người dân còn nghi ngờ có bàn tay của lợi ích nhóm thò vào BOT, thì ngày đó xung đột giữa người dân và chủ đầu tư vẫn còn tiếp diễn.”- ông Hòa nói.

Đây là 1 trong 4 cây cầu vượt được đầu tư thêm, giúp cho BOT An Sương - An Lạc thu phí thêm cả chục năm.

Đồng tình với quan điểm của GS Hòa, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển TPHCM cho rằng, để giải quyết mâu thuẫn hiện nay cần Thanh tra và Kiểm toán các BOT giao thông để đem lại sự minh bạch, rõ ràng.

Theo bà Hòa, vấn đề phát triển giao thông cần phải xác định rõ người dân có quyền đi lại trên những tuyến đường được đầu tư bằng tiền thuế của dân. Các BOT giao thông muốn hình thành thì phải song song với các tuyến đường này để người dân có sự lựa chọn.

“Hiện chỉ có một số BOT giao thông như các tuyến cao tốc là có sự lựa chọn, còn lại nhiều BOT giao thông chỉ cải tạo tuyến đường cũ rồi đặt trạm thu phí. Làm BOT giao thông kiểu này, có nguy cơ dẫn đến xung đột vì người dân không có sự lựa chọn." - bà Hòa nói.

Theo PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, để tránh được sự xung đột đấy, cần tiến hành thanh tra, kiểm toán toàn diện các BOT giao thông hiện nay để làm rõ những vấn đề về doanh thu, chi phí đầu tư, địa điểm đầu tư, địa điểm đặt trạm thu phí, thời hạn thu phí, …

Làm rõ vấn đề này, sẽ tạo được sự ủng hộ của người dân, đồng thời đúc kết được kinh nghiệm trong việc đầu tư những BOT giao thông sau đi đúng hướng.

Huân Cao

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/tu-vu-tron-thue-bot-can-thanh-tra-toan-dien-cac-bot-giao-thong-650273.ldo