Từ vụ trộm giết chủ nhà ở Hưng Yên: Làm gì để bảo toàn tính mạng khi phát hiện trộm?

Các vụ án gần đây cho thấy, kẻ trộm đột nhập vào nhà riêng thường rất manh động, có thể ra tay giết người. Vậy chuyên gia về tội phạm học khuyên bạn như thế nào khi có kẻ trộm đột nhập vào nhà?

Vụ án mạng xảy ra lúc 0h30, ngày 17/8 tại nhà số 6, đường Linh Đài, khu phố Nam Tiến, phường Hồng Châu, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, gây chấn động dư luận. Nạn nhân là vợ chồng anh Đặng Văn T (SN 1977) và vợ là chị Nguyễn Thị H (SN 1978).

Sau hai tuần nỗ lực điều tra, Ban chuyên án phát hiện và bắt giữ nghi can Đinh Công Tráng (SN 1977, trú tại khu phố An Bình, phường An Tảo, TP Hưng Yên). Tráng là đối tượng nghiện ma túy, có 1 tiền án về tội "Hiếp dâm"; 1 tiền sự về hành vi "Gây rối trật tự công cộng".

Thời gian gần đây xảy ra khá nhiều vụ án kẻ gian đột nhập vào nhà để trộm cắp tài sản. Điều đáng nói là khi chủ nhà phát hiện và phản ứng thì hậu quả xảy ra lại rất nghiêm trọng, tạo tâm lý lo lắng, bất an cho người dân.

Trao đổi với PV Gia Đình Mới, Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học cho rằng, phần lớn những đối tượng đột nhập vào nhà dân để trộm cắp mục đích của chúng chỉ là chiếm đoạt tài sản chứ không phải để giết người. Nếu đối tượng có hành vi giết người để chiếm đoạt tài sản thì lại mang tính chất khác.

Tuy nhiên, khi đột nhập vào nhà dân đối tượng thường gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Điều này xảy ra bởi 3 mục đích: Thứ nhất, đối tượng muốn chiếm đoạt tài sản đến cùng, thứ hai đối tượng không muốn để bị phát hiện bắt giữ, thứ ba là không muốn bị người dân nhận dạng như khôn mặt, dáng đi hay chiều cao để bị truy nã sau này.

Để đạt được những mục đích trên, đối tượng đột nhập thường hành động một cách quyết liệt, liều lĩnh như đánh trọng thương, giết người hàng loạt.

Đặc biệt nếu gia đình bị đột nhập có quen biết với đối tượng thì trường hợp manh động càng xảy ra mạnh mẽ hơn, bởi tối tượng sợ bị nạn nhân tố cáo nên dẫn đến giết người như nhiều vụ trọng án từng xảy ra.

Tâm lý chung của kẻ trộm là chống trả, tìm đủ mọi cách để tẩu thoát, thậm chí sẵn sàng thực hiện hành vi nguy hiểm hơn để đạt được mục đích và đào thoát. Do đó, việc phát hiện kẻ trộm đột nhập vào nhà là một tình huống cực kỳ nguy hiểm.

Vì vậy, người dân cũng cần có những kỹ năng xử lý cơ bản và yếu tố tâm lý tốt để ứng phó với đối tượng. “Có một điều mọi người cần nhớ đó là tính mạng con người là trên hết, tài sản có thể làm lại được nhưng tính mạng thì không!” – Đại tá PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn nhấn mạnh.

Một số người đang ở thế yếu, không có khả năng khống chế được đối tượng nhưng vẫn cố giằng co để giữ tài sản nên mới dẫn đến việc đối tượng manh động, “giết người diệt khẩu”.

Vụ đột nhập sát hại hai vợ chồng trong đêm ở Hưng Yên. Ảnh: Công an Hưng Yên

Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cũng khuyến cáo, điều đầu tiên người dân luôn luôn phải chủ động cảnh giác trong mọi trường hợp để hạn chế được tối đa kẻ gian xâm nhập vào nhà như: Khóa cổng, khóa cửa, lắp camera giám sát, thiết bị báo động…

Tiếp theo, phải tự trang bị cho mình những kiến thức căn bản cần thiết. Ví dụ có kẻ gian đột nhập mà bạn đang ở thế yếu, trường hợp này bạn có thể giả vờ ngủ say hoặc nếu đối tượng có tấn công thì giả vờ chết để làm giảm đi tính manh động của đối tượng.

Nếu có thể hãy cố chạy thoát hoặc trốn nếu có điều kiện. Tránh giằng co, xô đẩy sẽ khiến cho tính hung hãn, côn đồ của đối tượng lên đỉnh điểm, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Trong một số trường hợp, nếu cần thiết thì cần thỏa hiệp với đối tượng để đối tượng lấy tài sản, đổi lại là tính mạng của bản thân và những người trong gia đình.

Cùng với đó, người dân phải cần nhanh trí ghi nhận những đặc điểm nhận dạng về đối tượng như: Ngoại hình, đầu tóc, quần áo, giọng nói… để sau đó cung cấp thông tin cho các cơ quan điều tra, qua đó lần theo dấu vết tội phạm một cách nhanh nhất.

Hoàng Hiệp

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/tu-vu-trom-giet-chu-nha-o-hung-yen-lam-gi-de-bao-toan-tinh-mang-khi-phat-hien-trom-d11533.html