Từ vụ 'thử thách Momo': Cần có một môi trường văn hóa mạng lành mạnh cho trẻ em

Những ngày qua, cộng đồng phụ huynh tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới tỏ ra lo lắng khi YouTube xuất hiện nhiều video có nội dung độc hại, hướng dẫn trẻ em tự sát được gọi là 'thử thách Môm'. Sự việc này một lần nữa như hồi chuông cảnh báo về việc các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để có một môi trường văn hóa mạng lành mạnh cho trẻ em.

Momo xuất hiện trong các video hoạt hình

“Thử thách Momo” này được cho là trào lưu đến từ Anh. Cụ thể, một người phụ nữ đầu người mình gà với mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi sẽ hướng dẫn người dùng cách tự làm hại bản thân. Trào lưu này bắt đầu từ cuối tháng 8/2018 đã vấp phải rất nhiều phản ứng và phải tiến hành gỡ bỏ do chứa nhiều nội dung độc hại. Trong đó, có việc hướng dẫn trẻ em tự sát.

Thế nhưng gần đây, Momo xuất hiện ẩn bên trong các video hoạt hình nổi tiếng dành cho trẻ em như Fortnight, Peppa Pig. Thậm chí, một số bậc phụ huynh phát hiện Momo còn hiển thị trên ứng dụng xem video an toàn cho trẻ em YouTube Kids. Ở đoạn giữa nội dung phim hoạt hình Peppa Pig, hình ảnh Momo xuất hiện và yêu cầu chú heo này tự sát. Những cảnh kinh dị này chỉ xuất hiện thoáng qua trong video vì vậy rất khó để các bậc cha mẹ và cả YouTube phát hiện. Cách duy nhất để kiểm soát vấn đề này là coi YouTube cùng con.

Hiện nhiều bậc phụ huynh tại Việt Nam cũng bắt đầu ý thức mối nguy hại này. Những bài chia sẻ cảnh báo về Momo nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng các ông bố bà mẹ trên mạng xã hội.

Trả lời báo chí về việc này, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết: “về mặt pháp luật, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có văn bản yêu cầu Google - đơn vị chủ quản mạng xã hội video YouTube có hành động cụ thể với các video hướng dẫn tự sát như “Thử thách Momo” nói trên. Bên cạnh đó, trong các văn bản pháp luật của Việt Nam đều có quy định trách nhiệm của các công ty, những người cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng. Trong đó, họ phải có những công vụ sàng lọc để phát hiện, gỡ bỏ thông tin độc hại ảnh hưởng đến trẻ em.

Ông Nam cũng cho biết thêm: “Về lâu dài, chúng ta phải có biện pháp mạnh mẽ hơn với những doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không triệt để đối với trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Hiện nay, trên môi trường mạng có nhiều hành vi “quái gở”, xấu độc. Chúng tìm cách cắt ghép, xen lẫn vào các video", đại diện Cục Trẻ em phân tích. Vì vậy, cha mẹ cần quản lý chặt về thời gian sử dụng và nội dung trẻ em tiếp đang tiếp cận. Môi trường mạng vốn được trẻ em rất yêu thích. Vì vậy, phụ huynh cần có những động thái sát sao và nhắc nhở thường xuyên với các em. Ngoài ra, phải theo dõi giám sát thông tin đang tiếp cận và biểu hiện khác thường mà trẻ gặp phải khi tiếp cận thông tin đó”.

Tuấn Nghĩa |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tu-vu-%E2%80%9Cthu-thach-momo%E2%80%9D-can-co-mot-moi-truong-van-hoa-mang-lanh-manh-cho-tre-em-67611