Từ vụ thông gia 'đại chiến' tại bệnh viện, bàn chuyện 'bênh con' (2): Bố mẹ cao tay không bao giờ bênh con

Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, bố mẹ nếu muốn giúp con gái mình có được hạnh phúc thì việc đầu tiên là cần phải giúp con làm hài hòa các mối quan hệ đó. Bí quyết luôn đúng cho các mối quan hệ đó là 'đời thay đổi khi ta thay đổi'.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tình thông gia như chiếc cầu nối tình cảm của con cái

Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng vậy, đặc biệt là người mẹ, họ luôn có một thứ tình yêu bản năng, vô điều kiện dành cho đứa con của mình. Bởi vậy, khi ai đó làm tổn hại đến con mình, xúc phạm đến con mình, hành hạ đến đứa con mà mình đã dứt ruột sinh nở và nuôi nấng… thì như một phản xạ tự nhiên, họ sẽ xù lông ra bảo vệ, bênh vực. Xuất phát từ yếu tố tâm lý này thì vụ bà mẹ đẻ xông vào đánh bà mẹ chồng của con gái ở bệnh viện xảy ra mới đây cũng là điều dễ hiểu. Đây là kiểu thương con bản năng. Một người mẹ cao tay sẽ không bao giờ bênh con mình theo kiểu đó. Vì sao lại như vậy?

Trong mọi trường hợp khi mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu của con có vấn đề, nếu làm mẹ vì quá xót con mà quay qua chỉ trích hay đánh chửi thông gia sẽ chẳng khác nào đẩy con mình vào vực thẳm. Mối quan hệ thông gia là mối quan hệ giao hảo, như là chiếc cầu nối để nối lại những mối dây tình cảm bị lỏng lẻo, đứt rời của con cái hai bên. Vậy nên khi không giữ được mối giao hảo này thì bố mẹ đã thất bại trong việc “bảo vệ” hay “yêu thương” con mình bởi cái gọi là “bênh vực”.

Việc bố mẹ nhảy lên và xả hết sức bực tức bức xúc vào thông gia, đầu tiên là làm tổn thương đến thông gia, thứ hai là gián tiếp làm tổn thương con mình. Việc bênh con đẻ vì thế chỉ phá tan gia đình của chúng. Nếu con gái chưa biết thì phải dạy cho con biết cách làm sao để điều hòa các mối quan hệ.

TS Kim Quý cho rằng, cách ứng xử được coi là thông thái của những ông bố bà mẹ có con gái đi lấy chồng là họ thường đối đãi với con rể như khách. Với thông gia, họ cũng đối đãi theo cách đó. Tức là khi làm thông gia mình phải tôn trọng dâu, rể và không nên xen vào công việc riêng của con mình.

Trong trường hợp con rể hay bà thông gia quá đáng với con mình thì mình sẽ đến góp ý trực tiếp. Trước khi góp ý với con rể hay với thông gia thì mình phải góp ý với con mình trước. Bố mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân của con mình là gì? Hiểu rõ ngọn nguồn con mình sai chỗ nào? ứng xử đã được chưa? con mình đã trao đổi với chồng hay mẹ chồng chưa? Đã nhờ sự giúp đỡ từ họ chưa?...

Nên góp ý với con gái trước khi góp ý với thông gia

Theo TS Kim Quý, có một điều hết sức quan trọng đó là luôn luôn nhắc con mình nhớ tới mục tiêu hướng tới sự hài hòa trong các mối quan hệ. Để làm được điều đó thì con mình phải thay đổi bản thân trước, trước khi đòi hỏi người khác đối đãi với mình theo cách mình muốn. Bởi chìa khóa luôn nằm ở chỗ “đời thay đổi khi ta thay đổi”.

TS Kim Quý cho rằng, trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu hoặc thậm chí trong mối quan hệ vợ chồng, nếu muốn giúp con gái mình có được hạnh phúc thì người mẹ cần phải giúp con làm hài hòa các mối quan hệ đó. Khi các mối quan hệ đó xảy ra mâu thuẫn xung đột, một người mẹ cao tay sẽ giúp con nhận ra xác định lại mục tiêu của nó. Mục tiêu đó là hạnh phúc gia đình, là hạnh phúc của chính nó. Việc bênh vực con gái chỉ là nuông chiều cảm xúc của con, đẩy con xa hơn vào chiến tuyến đối nghịch lại với mẹ chồng hoặc với con rể. Bênh vực con gái khi con gái mâu thuẫn với mẹ chồng vì thế không hề giúp con hàn gắn mối quan hệ vốn dĩ rất khó hài hòa đó. Bao giờ cũng vậy, xây thì khó nhưng phá lại cực kỳ dễ. Một bà mẹ khôn ngoan sẽ không nuông chiều và ủng hộ con gái “phá”, mà chỉ giúp con gái “xây” hoặc gìn giữ những mối quan hệ này.

Khi con gái kể lể hay than phiền về chồng hay bố mẹ chồng, là phụ huynh của con, các ông bố bà mẹ không nên đứng trên góc độ của con gái để bênh con mình. Bởi vậy, họ chỉ nhìn được một góc. Việc cần làm là bố mẹ nên đứng ở giữa thì mới nhìn mọi việc một cách khách quan, nhờ thế mới có cách đối đãi công tâm, đúng đắn và nhờ đó sẽ mang lại lợi ích cho con mình và gia đình riêng của nó.

Phải biết xác định mục tiêu cho con gái mình là xây dựng gia đình, là giữ gia đình chứ không phải là hành xử theo kiểu nuông chiều cảm xúc cái tôi của mình. Như trường hợp bà mẹ đẻ vì bênh con mà xông vào đánh bà mẹ chồng trong bệnh viện ở Nam Định thì càng cần phải xác định rõ mục tiêu của nó. Mục tiêu của cô con gái trong trường hợp này là gì? Ngoài mục tiêu là một gia đình hạnh phúc thì mục tiêu trước mắt là sức khỏe sau sinh, là cần phải thanh thản đầu óc để sữa về cho con khỏe mẹ khỏe, là đứa trẻ cần tình yêu thương của cả bố và mẹ...

Ngân Khánh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tu-vu-thong-gia-dai-chien-tai-benh-vien-ban-chuyen-benh-con-2-bo-me-cao-tay-khong-bao-gio-benh-con-2019041308051622.htm