Từ vụ tài xế Lexus tứ quý 8 tử vong: CSGT được dừng phương tiện khi nào?

Nếu kiểm tra hành chính, kiểm tra bằng lái hay thậm chí chủ phương tiện vi phạm tốc độ thì CSGT phải đón ở chỗ được phép dừng đỗ sau đó mới ra lệnh dừng và phải dừng xe theo đúng quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ tài xế xe Lexus biển tứ quý 8 bị xe tải đâm tử vong khi xuống xe xuất trình giấy tờ theo hiệu lệnh của cảnh sát giao thông (CSGT) trên đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, dư luận vẫn đang tiếp tục tranh cãi về các quy định liên quan đến việc kiểm tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT trên đường cao tốc.

Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VPLS Tinh Thông – Đoàn LS TP.HCM chia sẻ một số quy định của pháp luật hiện hành để bạn đọc hiểu rõ hơn các nội dung này.

Luật sư Diệp Năng Bình.

Luật sư Diệp Năng Bình phân tích, Điều 8 Thông tư 01/2016 của Bộ Công an quy định về quy trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trên đường cao tốc của cảnh sát giao thông đã nêu rõ vị trí, thời gian dừng phương tiện kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, về việc cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe để xử phạt vi phạm hành chính trên đường cao tốc được quy định tại các Thông tư này có sự mâu thuẫn, không phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008.

Nếu kiểm tra hành chính, kiểm tra bằng lái hay thậm chí chủ phương tiện vi phạm tốc độ thì CSGT phải đón ở chỗ được phép dừng đỗ sau đó mới ra lệnh dừng và phải dừng xe theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, chúng còn có các lý do sau:

Thứ nhất, các phương tiện trên đường cao tốc thường di chuyển với tốc độ cao, tối đa có thể lên đến 120km/h tùy thuộc vào từng tuyến đường (sự giới hạn tốc độ cho phép). Do đó, trong trường hợp này, nếu CSGT bất ngờ yêu cầu người điều khiển phương tiện phải dừng lại đột ngột có thể gây tai nạn cho chính người đang điều khiển phương tiện và những xe đang đi với tốc độ nhanh ở phía sau cũng như của chính CSGT.

Thứ hai, việc dừng xe trên đường cao tốc còn mâu thuẫn, đi ngược lại quy định về tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu cũng như quy định về khoảng cách giữa hai xe đươc ghi nhận tại khoản 1 Điều 12 Luật Giao thông đường bộ 2008, gây mất an toàn giao thông đường bộ.

Thứ ba, theo Điều 26 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường, khi ra khỏi đường cao tốc phải chuyển dần sang làn đường bên phải hoặc làn đường giảm tốc (nếu có), khi vào đường cao tốc phải nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc phải cho xe chạy trên làn đường đó.

Căn cứ vào khoản 2 Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT, khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, CSGT được phép dừng phương tiện để kiểm soát trong 5 trường hợp sau: Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục CSGT hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên.

Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT, Trưởng phòng CSGT hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên.

Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra, văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp. Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Ngoài ra, tại khoản 1, Điều 12 của Thông tư này cũng có quy định, việc dừng phương tiện phải đảm bảo các yêu cầu sau: An toàn, đúng quy định của pháp luật, không làm cản trở đến hoạt động giao thông. Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện trường vụ tai nạn trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Căn cứ khoản 1, 2, 3 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông có quy định về quyền hạn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT.

Theo đó, CSGT có quyền hạn như sau: CSGT được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.

CSGT cũng có quyền xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác theo quy định của pháp luật.

CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Từ những lập luận trên, luật sư Diệp Năng Bình nhận định: “Lực lượng CSGT được phép dừng các phương tiện tham gia giao thông (kể cả trên đường cao tốc) để tiến hành kiểm soát và xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm không những trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông mà còn trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác theo quy định của pháp luật”, tuân thủ quy định CSGT phải đón ở chỗ được phép dừng đỗ sau đó mới ra lệnh dừng và phải dừng xe theo đúng quy định của pháp luật.

Tiến Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tu-vu-tai-xe-lexus-tu-quy-8-tu-vong-csgt-duoc-dung-phuong-tien-khi-nao-post275124.info