Từ vụ tai nạn thảm khốc ở Hải Dương: Bất cập trong tổ chức giao thông

Vụ tai nạn thảm khốc vừa xảy ra trên Quốc lộ (QL) 5 một lần nữa cho thấy, tình hình TNGT ở nước ta đang ở mức báo động.

Không chỉ về công tác quản lý, kiểm soát đội ngũ lái xe mà còn liên quan đến cả vấn đề quy hoạch, quan lý và tổ chức giao thông. Nhiều ý kiến cho rằng, chính thiết kế “kỳ quặc” của cây cầu này là một trong hai nguyên nhân chính gây ra vụ tai nạn thảm khốc trên.
Đường quốc lộ bị biến thành đường nội đô
Ngày 21/1, một đoàn cán bộ của Ủy ban MTTQ xã Kim Lương, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đi thắp hương viếng nghĩa trang liệt sĩ. Khi đi tới đoạn Km76 QL5, do cầu vượt số 9 gần đó có thiết kế phần thang lên xuống nên cả đoàn đã quyết định đi ngược chiều để lên cầu. Đúng lúc này, xe tải mang biển kiểm soát 29C-71953 lao tới và đâm trực diện vào gần 20 người gây ra vụ tai nạn thảm khốc khiến 8 người tử vong, 8 người bị thương nặng. Sau vụ tai nạn, ngoài thông tin về việc tài xế điều khiển chiếc xe tải gây tai nạn được xác định dương tính với chất ma túy thì hiện trạng của cây cầu vượt số 9 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Hiện trường vụ TNGT thảm khốc vừa xảy ra ở Hải Dương.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Trần Chủng – nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, vụ TNGT vừa xảy ra trên QL5 đã chỉ ra bất cập lớn nhất đang tồn tại trong ngành GTVT nước ta, đó chính là vấn đề quy hoạch, quản lý và tổ chức giao thông đang rối loạn và bị động. “Tất cả các đường QL đang bị biến thành đường đô thị một cách nhanh chóng trong khi ngành giao thông lại không chủ động đối phó được với tình trạng này” – PGS.TS Trần Chủng nói.
Theo PGS.TS Trần Chủng, về mặt bản chất, đường QL ngoài TP và đường trong khu đô thị rất khác nhau. Từ cách bố trí dân cư, yêu cầu kỹ thuật đến những tiêu chuẩn về an toàn khác phải tương xứng với bản chất của từng loại đường. Nếu không đảm bảo được những yếu tố này sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, không chỉ QL5 mà rất nhiều tuyến QL khác đã và đang bị biến đổi thành đường nội thị với những khu dân cư mọc lên san sát hai bên đường. Chính sự biến đổi này đã tạo ra những xung đột giao thông, từ đó gây ra nhiều vụ TNGT. “Từ xưa đến nay, nước ta có một xu hướng là “nhất cận thị, nhị cận giang”. Tức là khu dân cư luôn có xu hướng bám đường. Hiện nay đã có rất nhiều đường QL, cao tốc, có hộ lan, có rào nhưng dân cư sống ven đường vẫn có tình trạng phá hộ lan, phá rào để mở quán. QL5 trước kia làm gì đông người như thế nhưng giờ, các khu dân cư hầu như đã ôm hết dọc đường và gần như trở thành đường đô thị chứ không phải đường QL” - PGS.TS Trần Chủng nói.
Về trường hợp chiếc cầu vượt số 9 trên QL5 có thiết kế “kỳ quặc” khi dẫn người đi bộ xuống thẳng làn đường dành cho các phương tiện giao thông, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho rằng, đó là sản phẩm đến từ giải pháp tổ chức giao thông mang tín chất “chữa cháy” của đơn vị thiết kế. Trên thực tế, QL5 hầu như không có làn đường dành cho người đi bộ nhưng với việc nhiều khu dân cư “ôm” mặt đường, như cầu đi lại bằng đường bộ là không thể thiếu. Thế nhưng, vì không có làn đường dành riêng cho người đi bộ, đường dẫn lên cầu vượt bắt buộc nối liền với làn đường của các phương tiện tham gia giao thông. “QL phải có yêu cầu của đường QL, cao tốc có yêu cầu riêng của cao tốc. Đã là QL thì không thể để khu dân cư “ôm” mặt đường như thế. Khi đó mọi giải pháp đảm bảo ATGT đều rất khó thực hiện, có khi còn phản tác dụng. Đây là bài học rất đáng lưu ý trong việc quản lý lĩnh vực giao thông không chỉ trên QL5 mà trên phạm vi toàn quốc” – PGS.TS Trần Chủng nhận định.
Địa phương phải chịu trách nhiệm
Trong khi đó, GS.TS Từ Sỹ Sùa – Giảng viên Đại học GTVT cho rằng, từ vụ TNGT vừa xảy ra trên QL5 rõ ràng trong vấn đề quy hoạch, quản lý và tổ chức giao thông ở nước ta đã “bỏ quên” quyền lợi của người đi bộ. Theo chuyên gia giao thông, hiện nay chỉ có các tuyến phố nội đô mới có phần đường dành cho người đi bộ; còn lại gần như tất cả các tuyến QL, tỉnh lộ, làn đường cho người đi bộ đều bị bỏ quên. Điều nguy hiểm hơn là việc không bố trí không gian cho người đi bộ từ xưa đến nay được coi là rất bình thường và người ta cho rằng không cần thiết. Thậm chí, ngay cả trong các tuyến phố, không gian của người đi bộ cũng đang bị chiếm dụng một cách rất nghiêm trọng. “Ở các TP lớn như TP Hồ Chí Minh đã từng có một chiến dịch rầm rộ để “đòi” lại vỉa hè cho người đi bộ, song đến nay vẫn không thành công. Có nhiều lý do được đưa ra như vấn đề mưu sinh, vấn đề xã hội, vấn đề nhân văn, thậm chí có người còn đưa cả vấn đề du lịch ra để làm lý do cho phép chiếm dụng vỉa hè” - GS.TS Từ Sỹ Sùa nói.
Để giải quyết dứt điểm những bất cập trong quản lý và tổ chức giao thông trên các tuyến QL, PGS.TS Trần Chủng cho rằng, cần một gói giải pháp mang tính chất tổng thể, lâu dài và có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị. Quan trọng nhất, phải đảm bảo được hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội một cách đồng bộ cho người dân và những tuyến đường mở ra cũng phải tính toán kỹ lưỡng, tuyến nào cần qua đô thị, tuyến nào không cần qua cũng phải tính toán về mặt kỹ thuật khác nhau cho phù hợp. “Thời gian vừa qua, nhiều người đã đổ lỗi cho ngành GTVT sau khi nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra. Thật ra, Bộ GTVT dù là đơn vị chịu trách nhiệm chính về mặt chuyên môn nhưng lại rất bị động. Đây là vấn đề rất lớn, mang tầm quốc gia và cần có lộ trình giải quyết” – PGS.TS Trần Chủng nói.
Một trong những giải pháp cần thực hiện ngay được nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đưa ra là phải quy trách nhiệm của chính quyền các địa phương về quy hoạch, quản lý quy hoạch dọc tuyến QL. Đã đến lúc phải xốc lại rất rõ trách nhiệm của chính quyền đô thị, các địa phương về hiểu biết liên quan đến quản lý dân cư và đảm bảo ATGT trên địa phương mình. “Có con đường đi qua họ chỉ nghĩ đến việc giao thương lớn nhưng không thể vì chỉ nghĩ đến việc sinh lợi của những hộ dân ra đường, ôm đường kinh doanh mà quên đi trách nhiệm xã hội. Cho nên trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý, quy hoạch khu dân cư cần có một cái báo động, cảnh tỉnh” – PGS.TS Trần Chủng nói.
Bên cạnh đó, các đơn vị phụ trách khu đường bộ cũng cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc trách nhiệm của mình. Với tư cách là đơn vị quản lý kỹ thuật, họ phải phát hiện sự vô lý trong tổ chức giao thông để sửa chữa, khắc phục nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. “Như trường hợp ở Hải Dương, rõ ràng những xung đột như vậy không phải chỉ diễn ra trong vài lần mà diễn ra rất nhiều lần. Về chuyên môn, đơn vị quản lý đường bộ phải phát hiện ra những bất cập đấy và phải có đề xuất kịp thời. Đó là họ thiếu trách nhiệm. Khi tìm ra nguyên nhân rõ rồi thì quy trách nhiệm rất là dễ” – PGS.TS Trần Chủng khẳng định.

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tu-vu-tai-nan-tham-khoc-o-hai-duong-bat-cap-trong-to-chuc-giao-thong-334955.html