Từ vụ nâng khống thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai: Kẽ hở trong xã hội hóa

Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ nâng khống giá thiết bị y tế được phanh phui khiến dư luận bức xúc. Phải chăng việc 'thổi giá' thiết bị y tế dễ dàng?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hành vi “móc túi” người bệnh

Liên quan đến vụ nâng khống thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định có một số cá nhân của Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS) có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, robot Rosa là thiết bị ứng dụng trong phẫu thuật sọ não (xuất xứ từ Pháp) được hai bên liên kết “thổi giá” cao gấp nhiều lần giá trị thực. Trong việc lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh, theo tờ khai hải quan ghi nhận hệ thống hỗ trợ phẫu thuật thần kinh nhập khẩu có giá trị khoảng 7,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các công ty này đã câu kết với nhau, nâng khống giá hệ thống lên 39 tỷ đồng và được hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai.

Như vậy, với giá hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng thì chi phí khấu hao máy cho một ca bệnh là khoảng hơn 4 triệu đồng. Với giá khai khống là 39 tỷ đồng thì người bệnh phải chi trả chi phí khấu hao là 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng/ca. Trong các năm từ 2017 - 2019, Bệnh viện Bạch Mai đã chi trả tổng cộng 550 ca, số tiền chênh lệch mà các đối tượng được hưởng lợi, chiếm đoạt của người bệnh là khoảng hơn 10 tỷ đồng.

Trả lời báo chí về sự việc này, ông Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện bệnh viện đang phối hợp với cơ quan điều tra, cung cấp hồ sơ liên quan đến các gói thầu với doanh nghiệp để phục vụ điều tra, làm rõ sự việc. Theo ông Hùng, bệnh viện mua thiết bị có đơn vị thứ 3 là công ty chuyên môn đủ chức năng thẩm định giá nên nếu có sai phạm thì chủ yếu liên quan đến đơn vị cung cấp và trách nhiệm của đơn vị thẩm định giá.

“Chúng tôi tiếp nhận các thiết bị y tế dựa trên giấy tờ, hồ sơ và giá thiết bị mà các bên đưa ra để có căn cứ lựa chọn. Bệnh viện không đủ khả năng để xem giá chính xác, nhất là khi thiết bị lần đầu tiên được đầu tư và sử dụng tại Việt Nam. Khi hồ sơ đầy đủ, có lợi nhất theo nguyên tắc lấy từ thấp đến cao, bảo đảm chất lượng thì sẽ được lựa chọn” – ông Dương Đức Hùng cho hay.

Người bệnh bị móc túi vì thẩm định viên “có vấn đề”

Bệnh viện Bạch Mai tự chủ toàn bộ theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ. Nhưng trong báo cáo thường kỳ, bệnh viện chỉ báo cáo những vấn đề khác mà không đề cập vấn đề xã hội hóa thiết bị y tế.

Chỉ đến khi kiểm toán vào cuộc mới phát hiện ra những sai phạm về nâng khống giá thiết bị y tế như dư luận đang quan tâm. Việc xã hội hóa y tế sẽ xảy ra nhiều vấn đề lạm dụng liên quan đến đầu tư, phân chia lợi nhuận, giá thành… Nếu công tác quản lý của bệnh viện không tốt, việc báo cáo, công tác giám sát không được thực hiện nghiêm chỉnh và sát sao.

Thông tư 15/2007/TT-BYT hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn mua sắm trang thiết bị tại cơ sở khám chữa bệnh công lập. Với các thiết bị mới 100%, việc xác định giá sẽ dựa vào kết quả đấu thầu thiết bị cùng loại của đơn vị công lập khác đã mua không quá 6 tháng, thông báo thẩm định giá của đơn vị có chức năng.

Với các thiết bị chưa có kết quả đấu thầu mua sắm lần nào, như trường hợp 2 robot đang bị cho là nâng giá quá cao ở Bệnh viện Bạch Mai, Thông tư 15 cho phép căn cứ vào hợp đồng mua bán hàng hóa, tờ khai hàng hóa nhập khẩu.

Thông tư này ban hành và thực hiện từ năm 2007, thời điểm đó hoạt động liên kết công - tư tại bệnh viện công mới manh nha, chưa nở rộ như hiện nay, chưa kể số lượng đơn vị y tế thực hiện tự chủ tài chính gia tăng rất nhanh. Vì thế, những quy định đã có trở nên lỗi thời trong tình hình thực tế vài năm trở lại đây.

Luật Đấu thầu 2013 đã quy định rõ các trường hợp phải lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, trong đó có việc mua thuốc, vật tư y tế sử dụng vốn Nhà nước; nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập.

Chính vì thế, việc mua sắm trang thiết bị y tế của các bệnh viện công lập phải tuân theo Luật Đấu thầu, không có trường hợp ngoại lệ. Trước khi mua sắm thiết bị y tế, chủ đầu tư phải tìm hiểu kỹ về thiết bị định mua, so sánh giá giữa các nhà cung cấp với thiết bị tương tự. Nhưng trên thực tế làm điều này lại rất khó.

Nhà thầu hám lợi, bán giá đắt đã đành, nhưng người thẩm định, đóng vai trò trọng tài lại thiếu trách nhiệm, cố ý nâng giá lên để hưởng lợi thì đó mới là người có lỗi lớn nhất, phải xử lý nghiêm. Thiết bị y tế là mặt hàng có những thiết bị đặc chủng, không dễ dàng so sánh, tìm hiểu được. Do đó, vai trò của người thẩm định giá là rất lớn.

Theo luật sư Nguyễn Huế (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), những quy định về thẩm định giá còn nhiều bất cập. Thẩm định viên của các công ty thẩm định giá vì trục lợi đã bất chấp tất cả, đặt bút ký nâng khống giá thiết bị, máy móc tại các hợp đồng liên kết. Việc quản lý, cấp phép các chứng chỉ cho các thẩm định viên còn khá lỏng lẻo, dễ dãi.

Thẩm định viên phải là người có năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm cũng như tiêu chí khắt khe về đạo đức thì một số người không hội tụ đủ các tiêu chí này vẫn ký xác nhận những tài sản có giá trị lớn, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước hoặc tiền túi người dân.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phap-luat/tu-vu-nang-khong-thiet-bi-y-te-tai-benh-vien-bach-mai-ke-ho-trong-xa-hoi-hoa-nwg6fOdGR.html