Từ vụ nam thanh niên sốc phản vệ khi thái hành nấu cơm, chuyên gia chỉ rõ tác dụng phụ không ngờ

Sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa cấp cứu một nam bệnh nhân (25 tuổi) bị sốc phản vệ sau khi thái hành nấu cơm.

Người nhà cho biết, khoảng 10 phút sau khi thái một củ hành ta để nấu cơm, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu sưng nề mặt, mắt. Tình trạng này ngày càng nghiêm trọng nên gia đình ngay lập tức đưa đến viện cấp cứu.

Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng, lập tức cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ. Khoảng 20 phút sau cấp cứu, bệnh nhân dần ổn định.

Bệnh nhân thời điểm nhập viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ cấp cứu. Ảnh: VNN

Bệnh nhân thời điểm nhập viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ cấp cứu. Ảnh: VNN

Theo các bác sĩ, sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, khi tiếp xúc với các dị nguyên như: ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm... nếu cơ thể có dấu hiệu bất thường sau cần đến đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu:

Những dấu hiệu sớm của sốc phản vệ bao gồm: Bồn chồn, khó thở, hốt hoảng, phù nề thanh khí quản, suy tim cấp, nhịp tim nhanh, tay chân lạnh, trụy mạch,...

Thời gian diễn biến của sốc phản vệ kéo dài từ vài giây đến 30 phút, tốc độ sốc càng nhanh thì tiên lượng càng xấu.

Tác dụng phụ không ngờ của hành với sức khỏe

Hành có nhiều lợi ích về sức khỏe. Các nghiên cứu đã gợi ý mối liên quan giữa các chất trong củ hành và ức chế sự phát triển của ung thư, cũng như cải thiện giấc ngủ và tâm trạng, đầy lùi triệu chứng cảm cúm và viêm nhiễm trong cơ thể. Ngoài ra, vì cũng là nguồn rất quan trọng cung cấp vitamin C, một chất tạo collagen, củ hành có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc tóc và da.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên theo Đông y, hành có tính ấm nên được khuyến cáo tránh dùng cho người có dương thịnh, hỏa bốc. Ăn quá nhiều sẽ gây phản tác dụng như có thể làm mắt mờ, tóc chóng bạc, thậm chí cản trở ra mồ hôi.

Phụ nữ có kinh sớm, kinh nhiều cũng nên tránh ăn nhiều hành. Ngoài ra, không được dùng hành cũng mật ong và không được dùng ở người huyết áp cao.

Một số cách để không bị cay xè mắt khi cắt hành

Thủ phạm gây ra sự khó chịu của chúng ta khi thái hành có tên gọi là S-oxit propanethion, còn được gọi là yếu tố gây chảy nước mắt (Lachrymatory Factor - LF). Khi thái hành, các tế bào bên trong củ hành sẽ bị vỡ, khi tiếp xúc với giác mạc, các đầu mút thần kinh ở đây báo hiệu với não rằng đã có một chất kích thích, tín hiệu truyền ngược từ não xuống các tuyến nước mắt. Kết quả là bạn sẽ bắt đầu chớp mắt và chảy nước mắt để loại bỏ chất gây kích ứng ra khỏi giác mạc.

Để cải thiện tình trạng cay mắt, bạn có thể dùng một trong số mẹo nhỏ sau:

Ảnh minh họa

- Nhúng nước khi cắt, hoặc có thể cắt trong thau nước vì nước sẽ khiến một lượng axit lưu huỳnh hòa tan trước khi tiếp xúc với mắt, giúp hạn chế được lượng khí tạo thành axit sulfuric, giúp mắt đỡ cay hơn rất nhiều.

- Có thể để lạnh hành trước khi cắt, giúp các cấu trúc tế bào của nó sẽ chậm phản ứng hơn từ đó ít gây cay mắt hơn. Do đó, nên bỏ hành vào tủ lạnh khoảng 15 đến 20 phút trước khi đem sơ chế.

- Cẩn thận với phần gốc hành do lưu huỳnh tập trung nhiều hơn ở phần này. Do đó, có thể cắt gốc hành lúc gần xong hoặc nếu không có thể cắt trước phần gốc hành trong nước để thoải mái cắt phần còn lại.

- Ngoài ra có thể sử dụng quạt thổi khi cắt để có thể thổi bay những khí gây cay theo hướng ngược với mắt và giúp mắt đỡ cay hơn.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/tu-vu-nam-thanh-nien-soc-phan-ve-khi-thai-hanh-nau-com-chuyen-gia-chi-ro-tac-dung-phu-khong-ngo-20210422151814462.htm