Từ vụ ly hôn nghìn tỷ của 'vua' cafe Trung Nguyên: Làm thế nào để hôn nhân không tan vỡ vì tiền?

Cuộc đấu tố nhau vẫn chưa kết thúc nhưng thứ duy nhất mà ai cũng nhìn thấy được đó chính là sự tan vỡ của một gia đình đã từng hạnh phúc.

Sau hai ngày xét xử đầy căng thẳng, kịch tính và bất ngờ, vụ án ly hôn giữa vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên đã khiến dư luận đi hết từ day dứt này tới ám ảnh khác bởi những phát ngôn từ cả hai phía.Từ câu chuyện này của họ chúng ta hãy nhìn lại cuộc hôn nhân của gia đình mình.

Hôn nhân đổ vỡ vì đâu? (Ảnh minh họa)

Hôn nhân đổ vỡ vì đâu? (Ảnh minh họa)

Bài học cho bất lỳ cuộc hôn nhân nào?

Trong bức thư mới nhất mà 4 đứa con gửi đến Đặng Lê Nguyên Vũ tại tòa có đoạn: “Ba mẹ ly hôn là sự việc bất hạnh và đau buồn nhất trong đời chúng con. Tuy nhiên, chúng con lúc nào cũng yêu thương và kính trọng ba mẹ, chúng con vẫn phải tuân lời ba mẹ! Chúng con luôn mong ước gia đình mình lại được có ba và vui như ngày xưa”. Những dòng chữ như cắn xé tâm can, để những người làm cha, làm mẹ cùng ngẫm lại cuộc hôn nhân của chính mình, cùng nhau xây dựng một mái ấm thực sự cho con cái.

Theo dõi phiên xử từ đầu đến cuối, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, chúng ta đừng nên phán xét, mà hãy nhìn lại cuộc hôn nhân của mình thông qua câu chuyện ly hôn của vợ chồng ông Vũ, bà Thảo. “Là giá trị của chúng ta đặt vào đâu? Hôn nhân của chúng ta đáng giá bao nhiêu? Chúng ta có thể sẵn sàng đánh đổi cả cơ nghiệp để giữ lại cuộc hôn nhân của mình hay không? Trước khi mọi thứ vỡ tan tành thế này, cuộc hôn nhân đó đã trôi nổi nơi nào? Họ đã làm gì để nuôi dưỡng cuộc hôn nhân đó, để gìn giữ cuộc hôn nhân đó?”.

Những đứa con vốn không phải là thứ neo giữ một cuộc hôn nhân đâu. Vì dù hai bạn có ly dị thì con cái vẫn là con cái của hai bạn. Nó là thứ không thể thay đổi. Tuyệt đối không! Dù bố nó đối xử tệ với mẹ nó thì con cái vẫn không thể thay đổi được việc ông ấy vẫn là cụ thân sinh ra chúng. Hay dù một bà mẹ đẻ con ra rồi vứt con đi cho chồng nuôi thì bà ấy vẫn là mẹ đẻ. Tuyệt đối không thể thay đổi. Nó hiển nhiên đến đau lòng vậy đấy! Nên việc có với nhau bao nhiêu đứa con chẳng phải là bảo chứng giúp giữ lại một cuộc hôn nhân đã mục ruỗng từ tận gốc.

Chuyện vợ chồng Thảo, Vũ vốn là chuyện riêng nhà họ nhưng sẽ thật hữu ích nếu chúng ta cùng nhìn lại chính cuộc hôn nhân của mình. (Ảnh minh họa)

Nghĩa tào khang hay số năm tháng người ta sống chung với nhau cũng vậy. Nó có giá trị hay không vốn chẳng phải số năm họ đã có mà lại là số năm họ muốn có tiếp với nhau. Thế nên người đầu gối tay ấp với nhau mấy chục năm mà không còn muốn sống tiếp cùng nhau ngày nào nữa thì thậm nguy rồi. Giữ lại làm gì cuộc hôn nhân đã chẳng còn ham hố ấy? Cuộc đời vốn là hiện tại và tương lai, quá khứ chỉ là thứ vĩnh viễn nằm lại phía sau. Nuối tiếc hay cố giữ chỉ khiến ta đau đớn khôn xiết.

Sáng nay, vợ tôi tag tôi vào một bài viết. Đại loại là mẫu số chung của một gia đình hạnh phúc là “Mẹ được chiều chuộng quan tâm, Bố được tôn trọng, tự hào, Con được tiếp nhận, lắng nghe”. Đó vốn là điều vô cùng dễ hiểu, dễ thực hiện. Chỉ là nhiều người chồng quên câu “Happy wife- Happy Life”, Hoàng Anh Tú viết. Thế nhưng: “Nhiều người vợ quên rằng đàn ông cần được tôn trọng mà hơi tí lại rẻ rúng chồng khi so sánh chồng mình với người khác, đòi hỏi chồng mình bằng sự tham lam muốn hơn phân những người phụ nữ khác, coi thường chồng nên chỉ thấy những điều tệ từ chồng, thấy những điều chồng mình không làm mà không thấy những điều chồng mình đã làm.

Chuyện vợ chồng Thảo, Vũ vốn là chuyện riêng nhà họ nhưng sẽ thật hữu ích nếu chúng ta cùng nhìn lại chính cuộc hôn nhân của mình, về giá trị của nó trong cuộc đời mình. Chứ không phải dùng nó để lên án ông Vũ hay bà Thảo. Nghĩ về hôn nhân của mình thêm chút nữa hôm nay!”, nhà văn Hoàng Anh Tú bày tỏ.

Làm thế nào để hôn nhân không tan vỡ vì tiền?

Chuyện của gia đình “vua cà phê” đang thu hút dư luận cũng chỉ là bề nổi, bởi mỗi ngày trôi qua có biết bao người ngụp lặn giữa dòng xoáy tiền bạc dù chẳng thể phủ nhận sức mạnh và tầm quan trọng của đồng tiền trong đời sống. Bởi nghèo đói thì bất an, suốt ngày đau đáu “ăn bữa nay đã lo bữa mai”, còn kẻ giàu sang thì ra sức vun đắp và khư khư bảo vệ số tài sản đạt được đôi khi đến đáng thương!

Rằng lúc đàn ông giàu có, nhiều ông đã phụ nghĩa tào khang mà có bồ bịch này nọ bên ngoài khiến nhiều phụ nữ lo sợ. (Ảnh minh họa)

Từ xưa đến nay, đàn ông sợ vợ bỏ vì nghèo, phụ nữ sợ chồng bỏ khi giàu. Nghĩ trần trụi thì đó là câu chuyện tiền nong, vật chất. Rằng thử thách hôn nhân với phụ nữ là khi chồng họ nghèo túng, thử thách hôn nhân với đàn ông là khi họ giàu có. Rằng lúc đàn ông tay trắng, nhiều phụ nữ đã bỏ đi, ai còn ở lại hẳn phải rất yêu chồng. Rằng lúc đàn ông giàu có, nhiều ông đã phụ nghĩa tào khang mà có bồ bịch này nọ bên ngoài khiến nhiều phụ nữ lo sợ. Thật tiếc là điều này đã xảy ra khá nhiều trong cuộc sống hiện đại khiến nhiều người sợ lúc giàu có hôn nhân lại tan tành. Ai cũng ra sức níu giữ, bảo vệ. Nếu chọn bạc tiền thì sớm muộn cũng mãi lún sâu vào những kiện tụng, tranh chấp đầy tính lý trí và rạch ròi đến mức buồn lòng…

Vậy cuối cùng, làm thế nào để hôn nhân đừng tan vỡ vì tiền? Qua câu chuyện này, mọi người đều có chung một ý nghĩ rằng không muốn cho phép tiền bạc can thiệp vào sinh mệnh hôn nhân. Thế nhưng mỗi người đều có cuộc sống khác nhau và đều có những câu chuyện khác nhau. Chúng ta không thể dùng tư duy của những kẻ chỉ có vài triệu, vài chục triệu trong tài khoản để đánh giá họ được. Thế nên thôi đừng phán xét họ! Có phán xét hãy phán xét chúng ta cũng là đàn ông như họ nhưng số tiền chúng ta kiếm về đã đủ khiến vợ ta hạnh phúc hay chưa? Chính xác thì là những phụ nữ, các chị đã cảm thấy hài lòng với số tiền chồng mang về chưa?

Xem thêm: Ông Đặng Lê Nguyên Vũ trả lời phỏng vấn tại phiên tòa (Nguồn: Zing.vn)

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/tu-vu-ly-hon-nghin-ty-cua-vua-cafe-trung-nguyen-lam-the-nao-de-hon-nhan-khong-tan-vo-vi-tien-d140809.html