Từ vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang: Hư danh cũng là danh?

Khoảng cách giữa điểm thi thật với điểm số được nâng lên sau 6 giây chỉnh sửa/ mỗi trường hợp, do ông Vũ Trọng Lương trực tiếp làm, đã phản ánh hiện tượng 'cát cứ' việc chấm thi của một sở giáo dục là có thật.

Người trực tiếp sửa 330 bài thi của 114 thí sinh ở Hà Giang là ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí, Sở Giáo dục- đào tạo Hà Giang. (Nguồn: internet)

Trên Vietnamnet đưa tin, hàng loạt thí sinh “về điểm thật” thấp hơn cả chục điểm sau khi Hội đồng chấm thẩm định công bố kết quả điểm thi mới của thí sinh Hà Giang trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Trong số đó, nhiều thí sinh là con em lãnh đạo chủ chốt đương nhiệm của tỉnh này.

Tại Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 có 4 thí sinh là con em của 4 lãnh đạo đương nhiệm. Cả 4 thí sinh đều nhận điểm số chấm thẩm định thấp hơn lần 1. Có thí sinh bị thấp đi tổng cộng hơn 10 điểm.

Ví dụ con của một Phó Giám đốc Sở, điểm thi công bố lần 1 là hơn 28 điểm. Điểm thi lần 2 là 16 điểm, bị thấp hơn 12 điểm. Tuy nhiên, với điểm số này, thí sinh trên vẫn đủ nguyện vọng để vào học một trường ĐH ngành tài chính, ngân hàng.

Đáng lưu ý là con gái của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cũng là một trong số những thí sinh có điểm cao của Hà Giang nhưng đã bị tụt giảm đáng kể sau khi chấm thẩm định vì nghi vấn bất thường. Điểm thi của thí sinh được công bố trước đó lần lượt là Toán 9,4; Văn 7,5; Tiếng Anh là 10 điểm và đạt tổng điểm xét tuyển theo khối D1 là 26,9. Tuy nhiên, sau khi chấm thẩm định, điểm thi của thí sinh này chỉ còn là Toán 6; Văn 7,5; Tiếng Anh là 8 và tổng điểm xét tuyển theo khối D1 chỉ còn lại là 21,5. Như vậy tổng điểm đã sụt giảm đến 5,4 điểm.

Chưa hết, theo danh sách 114 thí sinh được ông Vũ Trọng Lương “phù phép” điểm thi theo kiểu một tấc lên trời, còn là con của doanh nhân, công chức làm việc tại các cơ quan nhà nước của tỉnh Hà Giang.

Xem ra, đa phần danh sách thí sinh được sửa điểm đều thuộc “5C” như dân gian đã chơi chữ! Các chữ C mà dân gian đã xếp được diễn nôm là: “Con cháu các cụ cả”.

Tại sao ở một sở giáo dục lại có thể “cát cứ” điểm thị trong một kì thi quốc gia?

Cách thức và tổ chức kỳ thi tuyển ở một địa phương như Hà Giang, về lý tuyết, được bố trí nhân lực và vật lực, như 63 tỉnh trên cả nước.

Điều quan trọng hơn, đáp án của Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng chỉ có một, khi chấm chính xác, thì điểm số của gần 1 triệu thí sinh tham gia kì thi THPT quốc gia là khách quan. Sự khách quan về điểm số cũng tạo điều kiện công bằng cho thí sinh trước kỳ xét tuyển đại học.

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Thế nhưng, ở Hà Giang, 114 thí sinh được dễ dàng “phù phép” điểm số, theo ý chí chủ quan của người lớn có liên quan. Rõ ràng, họ thả cửa nguyên tắc tổ chức một kì thi tuyển, xem thường tính chân thực của dữ liệu từ máy quét, chủ quan can thiệp để đạt mục đích của mình.

Không ai tin rằng, việc sửa điểm cho 114 thí sinh do ông Vũ Trọng Lương trực tiếp làm, là một “phát kiến” ngẫu hứng! Mà con số này, cùng với danh tính, nhân thân thí sinh được xác minh, đủ để thấy: Đây là một việc được tính toán từ trước.

Phải chăng, người tính đường cho vụ sửa điểm thi này, chỉ nghĩ đơn giản rằng: Việc một kì thi “2 trong 1” mà địa phương tự chủ từ khâu tổ chức cho đến chấm thi, sẽ dễ dàng “tự chủ” điểm số, bất tuân các nguyên tắc tuyển sinh được thiết lập từ Bộ Giáo dục- Đào tạo?

Cách tính này rõ là đã cho ra kết quả rất phi lý khi mà truyền thông, hoặc một người quan tâm đến chất lượng giáo dục, cũng có thể vẽ được biểu đồ điểm thi. Từ biểu đồ, với cái nhìn tổng quát, lại hé lộ những chi tiết bất thường.

Dư luận có quyền nghi vấn những bất thường về điểm thi tại một địa phương như Hà Giang, buộc Bộ Giáo dục- Đào tạo, các cơ quan hữu quan phải vào cuộc để tường minh vấn đề.

Và, một diễn biến tiếp theo, sau Hà Giang, đoàn công tác của Bộ Giáo dục- Đào tạo tiếp tục công việc thẩm định điểm thi tại Sơn La, Lạng Sơn. Dư luận đang chờ những sự thật phải được làm rõ, rõ đến tận cùng của vấn đề!

Rất nhiều ý kiến cho rằng, vụ can thiệp điểm thi tại Hà Giang là sự xúc phạm nặng nề kì thi lớn nhất nước, quan trọng nhất đối với gần 1 triệu thí sinh.

Sự xúc phạm này kéo theo những “biến chứng”: Liệu rằng còn có thêm những “Vũ Trọng Lương”, liệu rằng vụ sửa điểm ở Hà Giang có phải là phần nổi của tảng băng chìm, hay rộng ra, chất lượng của một kì thi quốc gia mà giao cho từng địa phương tổ chức thì có thật là công tâm hay không?

Mơ ước điểm số cao là mơ ước của từng thí sinh. Nhưng, mơ ước đỗ đạt trường “xịn”, được vinh danh là thủ khoa, á khoa…lại bao hàm cả “niềm tự hào” của phụ huynh. Và một khi “niềm tự hào” này biến thành một động cơ, thì mới có một “bài toán lớn” được tính toán thực hiện như vụ sửa điểm cho 114 thí sinh ở Hà Giang.

Ảnh minh họa (Nguồn: zing.vn)

Hư danh trong giáo dục, hiểu một cách sát nhất là người học không cốt lấy kiến thức mà lấy điểm số, là bằng mọi giá phải đỗ đạt để theo đuổi bằng cấp, là đạo văn, là chuộng cái mác tiến sĩ, hàm giáo sư, phó giáo sư bất kể là mình có thực học hay không.

Thói hư danh ấy đã loại bỏ cái yêu cầu trước nhất mà cũng là yêu cầu tối thượng nhất của giáo dục là: Sự trung thực!

Hàng loạt phụ huynh của 114 thí sinh được sửa điểm ở Hà Giang, đã đến lúc, thấy rằng: Việc biến lực học của con thành thứ trang sức của gia đình, dòng tộc là một thứ hư danh kệch cỡm!

Nếu không khát thèm hư danh, giả danh thì tại sao phải coi thường pháp luật để biến điểm số thành món hàng để trao đổi bằng tiền, hoặc bằng quyền?

Đặc biệt, những phụ huynh đang là các lãnh đạo đương nhiệm tại tỉnh Hà Giang, có con hoặc cháu nằm trong danh sách sửa điểm, đến thời điểm này, đã thấy các hành xử của một “liên minh ma quỷ” để “phù phép” điểm số, lại gậy ông đập lưng ông?

Phản tác dụng khi mà chính cha mẹ lại dẫn dắt con cái mình đi vào con đường giả danh của học tập, thi cử. Và, cũng chua xót khi mà rồi đây, pháp luật sẽ xử đúng người, đúng tội, trong đó 114 thí sinh có liên quan.

Theo giáo sư toán học Hà Huy Khoái - một GS không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam, mà rất được giới học thuật quốc tế nể trọng, đã viết trên facebook cá nhân, rằng: “Mấy hôm nay không ai yên được với chuyện buồn ở Hà Giang. Và ai cũng cố nghĩ để tìm phương án cho tương lai. Hình như hầu hết chỉ tìm ra cách…quay về quá khứ! Tức là lại các trường tổ chức thi riêng. Lại tách thành hai kỳ thi, hoặc bỏ thi tốt nghiệp. Cũng phải, vì mọi chuyện “ngày xưa” có vẻ ổn hơn”.

Theo vị giáo sư này, ông thi tốt nghiệp THPT năm 1963, kì thi được tổ chức tại trường, thi 6 môn, và thi vấn đáp! Các trường đại học có bài thi riêng, nhưng tổ chức thi cũng tại trường. “Không có cán bộ đại học về giám sát. Không nghe nói gì về “tiêu cực”. Mà có lẽ cũng không có tiêu cực”, vị giáo sư nhận định về cách tổ chức thi trong những năm của thế kỷ XX.

Những dòng chia sẻ bày tỏ ý kiến của GS Hà Huy Khoái trên trang cá nhân.

Một quy trình thi cử đã “số hóa” như kì thi THPT quốc gia, vẫn ngang nhiên có sự can thiệp của cán bộ ngành giáo dục để xảy ra tiêu cực. Vậy, quy trình nào cũng có kẽ hở. Kẽ hở được xem là manh động nhất là sự tham lam thành tích, là háo danh của con người.

Nhìn từ vụ sửa điểm của 114 thí sinh ở Hà Giang, trong đó không ít là con, cháu lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Hà Giang, thấy chua xót cho cả ngành giáo dục tỉnh Hà Giang.

Thực học mới hy vọng sinh ra thực tài. Còn theo đuổi cái hư danh, thôi thì, hư danh, ô danh cũng là danh?

Cái danh này khác với tinh thần của cụ Nguyễn Công Trứ trong “Đi thi tự vịnh”, được mở đầu với một câu hỏi ám ảnh: “Đi không, há lẽ trở về không?/ Cái nợ cầm thư phải trả xong!”. Khác với phụ huynh của 114 thí sinh Hà Giang, cụ Nguyễn Công Trứ là một thí sinh đi thi thật để “trả nợ cầm thư”, và hiện diện trong sử Việt với tư cách là một kẻ sĩ tài năng “Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông – … Lúc Bình Tây, cờ Đại tướng – Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên”.

Nguyễn Công Trứ làm thơ, nói về cách lập danh với thiên hạ bằng đường học vấn, nhưng chính ông cũng đã từng bao phen “Thị không ăn ớt thế mà cay” (thơ Tú Xương). Cho nên, cái chí lập danh thời phong kiến ấy, nếu được di truyền sang sĩ tử hôm nay, cũng cần được điều chỉnh cho đúng nghĩa.Tuyệt đối đừng bước vào vị trí ngồi làm bài thi là cứ phải ngôi vị “thủ khoa, á khoa” chờ sẵn bằng cách tạo lập khác thường như vài “thí sinh tiêu biểu” ở Hà Giang!

Trần Minh

Nguồn Thế Giới Trẻ: http://thegioitre.vn/song-tre/hoc-duong/tu-vu-gian-lan-diem-thi-o-ha-giang-hu-danh-cung-la-danh-54369.html