Từ vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang: Đã đến lúc đánh giá lại kỳ thi '2 trong 1'

Vụ việc gian lận thi cử ở Hà Giang đã cho thấy rõ hơn những hạn chế của kỳ thi '2 trong 1' - vừa thi tốt nghiệp THPT vừa là thi đầu vào đại học. Phải chăng, đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại việc tổ chức kỳ thi này một cách nghiêm túc.

Xã hội lo ngại với kết quả Kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: ĐH

Gian lận không thể chấp nhận

Bắt đầu từ năm 2017, ngoại trừ môn Ngữ văn, các môn còn lại đều được thi với hình thức trắc nghiệm. Theo đó, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có 8 trên tổng số 9 môn thi được ra đề dưới hình thức trắc nghiệm.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT tổ chức thi THPT quốc gia theo hình thức trắc nghiệm sẽ giảm tiêu cực trong thi cử và đảm bảo công bằng đối với thí sinh. Bởi quy trình chấm thi đều được thực hiện bằng máy, không có sự can thiệp của con người. Dù vậy, đến nay hình thức thi trắc nghiệm cũng đã bộc lộ hạn chế, mà vụ việc cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang đã can thiệp, nâng hàng loạt số điểm trong kết quả thi của nhiều thí sinh là “vết nhơ” khiến dư luận đang hết sức bất bình.

Ông Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp khẳng định: “Việc gian lận của cán bộ ngành Giáo dục tỉnh Hà Giang không thể chấp nhận được vì sẽ ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển sinh của các trường đại học”. Từ sự việc này, xã hội đã đặt ra lo ngại gian lận trong thi cử không chỉ xảy ra ở tỉnh Hà Giang mà có thể còn ở các địa phương khác.

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. HCM nhận định, tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia đã “lác đác” có dấu hiệu từ lúc Bộ GD&ĐT giao cho các địa phương tổ chức kỳ thi. “Ở địa phương có nhiều mối quan hệ, nên một số người tham gia công tác thi cũng cố gắng làm sao con, em mình có điểm cao để vào học ở các trường đại học”, ông Dũng cho biết.

Ông Dũng cũng chia sẻ: “Khi các trường đại học còn chủ trì Kỳ thi THPT quốc gia, chúng tôi có mời các giáo viên ở địa phương phối hợp với giáo viên của các trường đại học cùng chấm thi. Tuy nhiên, giáo viên THPT luôn chấm điểm bài thi cao hơn so với giáo viên các trường đại học chấm. Như vậy, những cố gắng chống tiêu cực của ngành Giáo dục cũng chỉ có thể hạn chế ở mức thấp nhất”.

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT cho rằng, hiện Bộ đã có dữ liệu điểm thi của tất cả 63 tỉnh, Bộ có thể mời các chuyên gia phân tích dữ liệu đó. Từ những dấu hiệu nghi ngờ sai phạm ở một địa phương nào đó, Bộ có thể chấm lại bài thi bài thi của tỉnh đó và đối chiếu với kết quả địa phương cung cấp.

Thầy Đặng Danh Hướng, giáo viên trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) cho rằng, những sai phạm ở tỉnh Hà Giang làm tăng thêm hoài nghi của xã hội về kết quả thi THPT quốc gia, đặc biệt là tâm lý của các em học sinh và phụ huynh. Không những vậy, nhiều giảng viên các trường đại học lớn còn hoài nghi về thực lực của thí sinh qua kỳ thi THPT quốc gia.

"Bộ GD&ĐT cần tăng hình thức xử phạt đối với cá nhân và địa phương để xảy ra tiêu cực trong thi cử. Như là "không cho phép địa phương đó tham gia vào việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với thời hạn 5 năm, yêu cầu thí sinh của các địa phương vi phạm sang các địa phương khác để thi", thầy Hướng đề nghị.

Địa phương tổ chức kỳ thi có còn phù hợp?

Vụ việc ở Hà Giang đã cho thấy những lỗ hổng lớn ở khâu chấm bài thi trắc nghiệm. Theo ông Lê Trường Tùng, việc tổ chức chấm thi trắc nghiệm trên máy không mất nhiều thời gian, do đó, Bộ GD&ĐT nên đứng ra chấm thi, không nên giao cho các địa phương. Ông Đỗ Văn Dũng chỉ rõ: “Với bài thi trắc nghiệm, thí sinh lựa chọn đáp án đúng bằng cách dùng bút chì tô vào các ô tròn trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Trong lúc lưu trữ bài ở một điểm thi có thể người nào đó rút bài thi của thí sinh ra và tô lại đáp án. Mặc dù, Bộ GD&ĐT cũng có quy trình niêm phong bài thi chặt chẽ nhưng dấu niêm phong cũng có thể làm lại”.

Từ góc độ của đơn vị sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển, ông Dũng cho rằng, việc Bộ GD&ĐT nên trả lại việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cho các trường đại học. “Mặc dù, kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo 2 mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, nhưng tốt nghiệp liên quan đến cả học bạ nên hầu hết các em đều đỗ tốt nghiệp. Vấn đề chính làm sao để đảm bảo công bằng giữa các thí sinh để các trường lấy kết quả đó xét tuyển. Các trường đại học chủ trì kỳ thi thì điểm số sẽ chính xác và công bằng hơn. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cũng phải có biện pháp chấn chỉnh gian lận trong thi cử”, ông Dũng nói.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tu-vu-gian-lan-diem-thi-o-ha-giang-da-den-luc-danh-gia-lai-ky-thi-2-trong-1.aspx