Từ vụ đội bóng Thái mất tích: VN cần lập đội giải cứu chuyên nghiệp

Giám đốc công ty chuyên tổ chức các tour du lịch mạo hiểm và khám phá cho biết việc thành lập đội cứu hộ tình nguyện chuyên nghiệp rất cần thiết. Mô hình này đã có ở nhiều nước.

Thông tin 12 cầu thủ nhí cùng huấn luyện viên đội bóng Lợn Hoang ở Thái Lan mất tích gần 10 ngày đang là tâm điểm dư luận những ngày gần đây. Dù đã được tìm thấy, các em vẫn trong tình trạng mắc kẹt, chưa thể ra khỏi hang vì đường đi khó khăn, hiểm trở.

Không chỉ những người dân Thái Lan, cộng đồng mạng quốc tế cũng đang ngày đêm hy vọng các chàng trai sớm thoát khỏi vùng nguy hiểm, được trở về bên gia đình, ăn những món ăn tử tế và ngủ trên chiếc giường êm ái của chính các em.

Các thành viên đội bóng Lợn Hoang đang ngày đêm mong mỏi được trở về. Ảnh: AP.

Nhiều vụ tai nạn nguy hiểm đã xảy ra

Bên cạnh lời cảm ơn về sự cứu hộ kịp thời của giới chức Thái Lan cùng đội ngũ thợ lặn chuyên nghiệp đến từ Anh, Mỹ, cũng như những lời cầu nguyện cho các em, chúng ta cũng cần bàn thêm câu chuyện cần hay không việc thiết lập trạm cứu hộ chuyên nghiệp ngay tại các địa điểm này.

Ở Việt Nam, đã có không ít tai nạn thương tâm xảy đến trong hành trình khám phá của những người đam mê trải nghiệm.

Năm 2017, một du khách Ba Lan và hướng dẫn viên du lịch người Việt bị nước cuốn trôi khi tham gia trò chơi mạo hiểm ở thác Hang Cọp, Đà Lạt. Kết quả, cả 2 thiệt mạng.

Trước đó một năm, tại khu vực rừng núi thuộc đèo Prenn (Đà Lạt, Lâm Đồng), 3 du khách nước ngoài cũng tử vong khi tham gia trò chơi mạo hiểm, đu dây vượt thác Datanla.

Cũng trong năm 2016, phượt thủ người Anh - Aiden Shaw Webb - cũng phải bỏ mạng tại Fansipan (Lào Cai) trong quá trình chinh phục đỉnh núi được mệnh danh "nóc nhà của Đông Dương".

Gần đây nhất, chàng trai 24 tuổi ở TP.HCM cũng phải bỏ mạng trong hành trình chinh phục cung đường Tà Năng - Phan Dũng (Lâm Đồng) của mình.

Nguyên nhân những cái chết phần đa được xác định do kiệt sức, bị thương nặng, thiếu thức ăn và thời tiết khắc nghiệt... Một trong những lý do xảy ra tình trạng trên có thể kể đến tính chủ quan và thiếu vắng sự cứu trợ kịp thời của những người xung quanh.

Cả "tây lẫn ta", dù kinh nghiệm dạn dày thế nào cũng khó có thể lường trước những may rủi sẽ xảy đến trong hành trình. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nghĩ đến chuyện thành lập đội cứu hộ chuyên nghiệp cho những vùng có nhiều người đi trekking, leo núi.

Nhiều quốc gia đã thành lập đội cứu hộ chuyên nghiệp

Năm 2017, chúng tôi có dịp tham quan, nghiên cứu tổ chức cứu hộ hang động vùng Yorkshire (Anh).

Theo thống kê, hàng năm ở đây có khoảng 4 triệu lượt người thám hiểm hang động, leo núi. Mỗi năm có hàng trăm trường hợp tai nạn cần được cứu hộ. Mô hình của họ là tập hợp những chuyên gia có chuyên môn sâu ở các bộ môn từ lặn, đến leo núi, đu dây, bác sĩ...

Họ đăng ký với tổ chức này và làm việc một cách tình nguyện không lương. Tổ chức này có trang thiết bị cứu hộ gần như hiện đại nhất thế giới. Nguồn kinh phí mua sắm là từ đóng góp của người bị nạn sau khi được cứu hộ, hay gia đình họ và du khách leo núi. Mỗi năm, tổ chức nhận được hơn 2 triệu bảng Anh tiền đóng góp.

Thực tế, đây không phải là tổ chức cứu hộ chuyên nghiệp duy nhất tại Anh, và không phải chỉ Anh mới có tổ chức cứu hộ chuyên nghiệp. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng có những mô hình tương tự như Czech, Ireland, Áo, Italy, Pháp, Ba Lan...

Tại Mỹ, những đội cứu hộ chuyên nghiệp nổi tiếng nhất đã có mặt tại Công viên Quốc gia Denali, Công viên Quốc gia Yosemite, Công viên Quốc gia Grand Grand và Công viên Quốc gia núi Rainier... những nơi có cảnh đẹp hoang sơ nhưng ẩn chứa đầy rẫy nguy hiểm.

Khi có biến cố, nếu không cung cấp đủ nguồn lực tìm kiếm và cứu hộ hiệu quả, họ sẽ kêu gọi thêm sự giúp đỡ từ các đội tình nguyện trong khu vực. Việc kêu gọi và liên lạc thông qua một hệ thống hỗ trợ lẫn nhau trên toàn tiểu bang.

Ngoài ra, Hiệp hội Cứu hộ Núi (MRA) là một trong những đơn vị cứu nạn lâu đời nhất ở Mỹ với hơn 90 đơn vị được chính phủ ủy quyền. Đây cũng là cơ quan tiên phong trong lĩnh vực cứu hộ trên núi.

Swiss Air-Rescue Rega ở Thụy Sĩ có thể đến bất cứ đâu trên đất nước này trong vòng chưa đầy 15 phút. Ảnh: Reuters.

Tại Canada, các đội cứu hộ chuyên nghiệp chủ yếu hoạt động tại 5 khu công viên quốc gia tại dãy núi Rocky của nước này. Khi đến một trong những nơi này, du khách phải đăng ký thông tin tại trung tâm thông tin và văn phòng quản lý.

Trong thời gian ở đó, du khách phải liên hệ với ban quản lý vào thời gian định trước trong ngày. Nếu không, đội cứu hộ chuyên nghiệp sẽ bắt đầu tìm kiếm.

Thông thường, công tác tìm kiếm sẽ diễn ra ngay trong ngày nếu thời tiết và thời điểm cho phép. Chi phí tìm kiếm và cứu nạn được thanh toán bằng phí vào cửa của công viên.

Tại Thụy Sĩ, nơi du lịch núi rất phát triển, mạng lưới các tổ chức cứu hộ theo đó cũng vô cùng dày đặc. Đơn vị giải cứu nổi tiếng nhất là Swiss Air-Rescue Rega, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hoạt động ở vùng núi Alps.

Nhóm này có thể đến bất cứ nơi nào ở Thụy Sĩ trong vòng chưa đến 15 phút, do có 10 căn cứ trên khắp đất nước và được y tế hóa. Mỗi chuyến bay đều có một bác sĩ cấp cứu (thường là bác sĩ gây mê) sẵn sàng điều trị khẩn cấp.

Đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi

Ở nước ta, mỗi tuần, những khu vực du lịch rừng núi đón biết bao du khách ghé thăm. Ai cũng muốn chuyển đi của mình được an toàn nhưng đôi khi, tai nạn vẫn xảy ra mà không thể tránh khỏi.

Thế nhưng mô hình tổ chức cứu hộ, cứu nạn tình nguyện chưa có tiền lệ và cũng chưa ai bảo đảm tính pháp lý cho hoạt động này, vì cũng sợ trách nhiệm. Ở Quảng Bình, chúng tôi cũng đã đề xuất thành lập trung tâm cứu hộ tình nguyện cách đây vài năm, nhưng cũng không ai đứng ra làm hay cấp chúng nhận. Do đó mỗi công ty, đơn vị tự lập đội cho riêng mình.

Tà Năng - Phan Dũng, một trong những cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam.

Nếu xét mô hình ở các nước khác, những tổ chức cứu hộ chuyên nghiệp này đều kết hợp với các cơ quan của chính quyền như quân đội, cảnh sát và y tế trong hoạt động cũng như huấn luyện.

Điển hình như tại Tây Ban Nha, các tình nguyện viên phải trải qua 10 tháng đào tạo tại một trung tâm đào tạo chuyên ngành ở khu nghỉ dưỡng Candanchu. Trong khi đó, tại Mỹ, trách nhiệm đào tạo và cấp phép thuộc về 911.

Như vậy, ở Việt Nam, nếu chuyện này được thông qua, cơ quan phòng cháy chữa cháy hoặc cứu hộ cứu nạn nhà nước đảm nhiệm công việc này",

Nếu có đội cứu hộ chuyên nghiệp, khu vực sẽ giảm thiểu những chuyện đáng tiếc. Người bị nạn giảm thiệt hại khi được cứu hộ đúng lúc, đúng phương pháp. Ngoài ra, việc này cũng góp bớt đi phần nào nguy cơ cho những người tham gia cứu hộ.

Bên trong hang Tham Luang, nơi đội bóng Thái Lan bị kẹt 10 ngày

Hang Tham Luang, nơi đội bóng nhí Thái Lan bị mắc kẹt 10 ngày, có cấu trúc phức tạp, lòng hang rộng và sâu bậc nhất trong các hang động tại nước này.

Nguyễn Châu Á

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tu-vu-doi-bong-thai-mat-tich-vn-can-lap-doi-giai-cuu-chuyen-nghiep-post845781.html