Từ vụ đổi 100 USD phạt 90 triệu: 'Nên mở cơ chế cho tiệm vàng được làm đại lý mua bán ngoại tệ ở hạn mức hợp lý'

'NHNN nên nghiên cứu hay đề xuất mở cơ chế thoáng hơn nữa cho các tiệm vàng được làm đại lý mua và bán ngoại tệ ở hạn mức hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết người dân như đi du lịch, du học hay đi chữa bệnh nước ngoài…', luật sư Trần Tấn Tài đề xuất.

Luật sư Trần Tấn Tài, GĐ Công ty Luật City.

Trao đổi với BizLIVE, luật sư Trần Tấn Tài, Giám đốc Công ty Luật City cho rằng việc Cần Thơ ra quyết định xử phạt xét về pháp lý khi áp Nghị định 96 tuy nhiên luật sư cũng cho rằng Nghị định này khi thực khi thiếu tính thực tế.

Ông có bình luận gì xoay quanh vụ việc Cần Thơ phạt 90 triệu đối với ông Cà Rê khi tới tiệm vàng đổi 100 USD?

Trước hết, tôi khẳng định rằng việc xử phạt người đi bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ là đúng, theo điều 24 của Nghị định số 96/2014 quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng (Nghị định này hiện nay vẫn còn hiệu lực ).

Tuy nhiên, Nghị định trên khi thực thi vẫn chưa được nhiều người ủng hộ, bởi lẽ thiếu tính thực tế từ nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, không quy định rõ nhu cầu tối thiểu cần thiết mua bán ngoại tệ của cá nhân khác với doanh nghiệp kinh doanh ngoại tệ, trường hợp của anh Cà Rê là nhu cầu tối thiểu cần thiết…

Không rõ ràng trong quy định tịch thu tang vật, tức là chỉ tịch thu 100 USD vi phạm chứ không tịch thu thêm tang vật hay phương tiện nào khác ngoài tang vật vi phạm, được biết có việc khám xét nhà ở thì công an lại tịch thu thêm kim cương trong nhà chứ không phải trong tủ đựng ngoại tệ... Theo tôi, tịch thu tang vật và khám xét nhà là hai việc hoàn toàn khác nhau, khám xét nhà phải có lệnh khám xét từ cơ quan có thẩm quyền sau khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật đến mức cần xin lệnh khám xét, còn nếu lệnh khám xét có từ trước đến lúc đó Công an khám xét luôn thể cùng với khám xét tủ để ngoại tệ vi phạm thì mới hợp lý.

Người dân, nhất là đối những người ở nông thôn, không có ngân hàng nhiều và gần nhà họ để họ thuận lợi mua bán ngoại tệ. Ngân hàng ít mà tiệm vàng nhiều nên việc mua bán ngoại tệ tại tiệm vàng nhiều hơn ở ngân hàng, ngoài ra tiệm vàng thường phục vụ thời gian nhiều hơn ngân hàng (ngân hàng có thời gian nghỉ trưa, cuối ngày nghỉ sớm và nghỉ thứ 7 hay chủ nhật). Đặc biệt buổi tối ngân hàng nghỉ mà tiệm vàng có thể hoạt động... khi cần đổi tiền nhanh người dân cho ra tiệm vàng, đó là thực tế.

Ý thức pháp luật người dân chưa cao, người tham gia mua bán ngoai tệ tại tiệm vàng (nơi mà không được phép mua bán ngoại tệ) chưa chắc họ biết việc làm của họ là vi phạm pháp luật. Công tác tuyên truyền pháp luật về xử phạt vi phạm lĩnh vực tài chính tiền tệ của nhà nước trong thời gian qua vẫn chưa cao, làm cho việc vi phạm mua bán ngoại tệ diễn ra hằng ngày.

Mức xử phạt quá cao so với người dân có nhu cầu đổi 100 USD để tiêu xài cá nhân (chứ không phải kinh doanh), trong khi đó Nghị định không có mức phân loại vi phạm, tức là người đổi 100 USD cũng bị phạt như người đổi vài ngàn USD…

Một số nhận định cho rằng Cần Thơ nên rút quyết định xử phạt trên. Luật sư có đồng tình với ý kiến này?

Theo tôi không nên rút quyết định xử phạt, bởi lẽ mức phạt là đúng theo quy định hiện hành, tức là ra quyết định xử phạt đúng, nếu rút lại xem như người ra quyết định xử phạt làm sai quy định tạo tiền lệ không tốt, xảy ra mua bán ngoại tệ tràn lan mà không xử phạt được, từ đó tạo ra môi trường tuân thủ pháp luật không nghiêm.

Đối với quyết định xử phạt anh Nguyễn Cà Rê theo tôi NHNN nên xem xét lại có thể giảm mức phạt hay hình thức nào khác phù hợp pháp luật.

Sau vụ việc trên, câu hỏi đặt ra về việc Nghị định 96/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có quy định mức phạt như hiện nay liệu có hợp lý. Ông có cho rằng đã đến lúc chúng ta cần sửa đổi Nghị định cho phù hợp?

Mức phạt đối anh Cà Rê đối sự việc trên là đúng pháp luật nhưng chưa hợp lý thực tế, do đó chúng ta cần sớm nghiên cứu sửa đổi Nghị định 96/2014 cho phù hợp, đặc biệt là mức xử phạt. Trong đó có thể quy định mức phạt tương ứng với hành vi vi phạm theo từng mức độ vi phạm khác nhau. Ví dụ: mua bán 100 USD thì mức phạt phải thấp hơn người mua bán vài ngàn USD... Tại khoản 3 điều 24 Nghị định 96 quy định: “phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ”, mà Nghị định không phân theo mức độ vi phạm là thiếu sót và gây khó khăn trong thực thi pháp luật.

NHNN nên nghiên cứu hay đề xuất mở cơ chế thoáng hơn nữa cho các tiệm vàng được làm đại lý mua và bán ngoại tệ ở hạn mức hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết người dân như đi du lịch, du học hay đi chữa bệnh nước ngoài… Hiện nay đại lý mua bán ngoại tệ chỉ thu ngoại tệ vào chứ không được bán ra – quy định chỉ có ngân hàng mới được bán ngoại tệ, việc này làm cho người dân muốn mua ngoại tệ phụ thuộc ngân hàng.

Xin cảm ơn ông!

HUYỀN TRÂM

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/tu-vu-doi-100-usd-phat-90-trieu-nen-mo-co-che-cho-tiem-vang-duoc-lam-dai-ly-mua-ban-ngoai-te-o-han-muc-hop-ly-3478023.html