Từ vụ Công an xã 'phê xấu' vào hồ sơ: Đừng để các khoản đóng góp làm trĩu vai nông dân

Tại Nghệ An, chỉ vì cha mẹ nợ 7,4 triệu đồng tiền đóng góp các khoản theo quy định của xã, mà hai con trai bị Công an xã phê xấu vào hồ sơ, dẫn đến không tìm được việc làm, gia đình không được vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội.

Ông Nguyễn Văn Hùng bức xúc vì cán bộ xã phê xấu vào hồ sơ làm con ông không được đi xuất khẩu lao động. Ảnh: QĐ

Câu chuyện nói trên, một lần nữa cho thấy người nông dân tại nhiều địa phương vẫn phải đóng góp rất nhiều khoản để xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi, các loại quỹ… Mặc dù là danh nghĩa tự nguyện, nhưng không đóng không xong. Có những nơi, thu lên tới hơn 20 khoản, từ xã đến thôn.

Nếu không đồng ý đóng, kể cả các khoản như “quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “quỹ trẻ thơ”… thì nông dân mặc nhiên bị xem là nợ, và nếu sau vài lần vận động không thành, thì sẽ bị địa phương liệt vào danh sách các hộ “không chấp hành chủ trương, đường lối, quy định của địa phương”.

Trước đây, nhiều địa phương ban hành Sổ theo dõi đóng góp, yêu cầu người dân khi lên xã làm thủ tục giấy tờ phải mang theo, nếu còn nợ thì sẽ bị từ chối giao dịch. Nhiều trường hợp bố mẹ nợ, hồ sơ lý lịch của con cái bị nhận xét rất nặng nề “chưa chấp hành quy định của địa phương”, dẫn đến thất nghiệp, dở dang, tinh thần bị tổn thương, mặc cảm, xấu hổ.

Tuy không còn cảnh “tay dao tay thước” đi thu hồi nợ, nhưng với kiểu phê hồ sơ lý lịch như trên, người dân ai cũng lo lắng, chạy vạy để nộp đủ tiền cho yên chuyện.

Đây là kiểu ứng xử cửa quyền, cần phải bị lên án và xử lý nghiêm khắc.

Thu nhập nông dân, vốn bấp bênh và thấp hơn nhiều so với thành thị, nhiều người già, trẻ em không có thu nhập, cũng phải “tự nguyện” đóng góp những khoản xây dựng cơ sở hạ tầng, trạm y tế, nghĩa trang… Hộ nghèo, gia đình chính sách cũng phải đóng góp, theo kiểu cào bằng.

Tại xã Hùng Tiến (Nam Đàn), xã ra chủ trương người dân từ 7 tuổi đến 70 tuổi, mỗi người nộp 200 nghìn để xây dựng trạm y tế. Quy định như trên là trái với Luật Trẻ em và Luật Người cao tuổi.

Một cán bộ xã Hùng Tiến thừa nhận: “Dân thành thị thu nhập khá hơn, lại hầu như không phải đóng góp, đường sá, hạ tầng đều được đầu tư; còn dân nông thôn, đã nghèo lại phải đóng đủ thứ”.

Người ta đã nghèo, nợ nần, nay con cái muốn đi học, đi làm, cũng bị gây khó khăn bằng phê lý lịch, dẫn đến bế tắc, bức xúc.

Thiết nghĩ, cần tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ ở địa phương thấm nhuần quan điểm xử lý công việc hành chính, không coi nông dân là đối tượng để thu tiền, mà cần tạo điều kiện cho họ có công ăn việc làm, con cái trưởng thành, để có cuộc sống tốt hơn.

QUANG ĐẠI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/tu-vu-cong-an-xa-phe-xau-vao-ho-so-dung-de-cac-khoan-dong-gop-lam-triu-vai-nong-dan-577599.ldo