Từ vụ cô giáo đánh trẻ em nứt xương hàm: Cần có chế tài xử phạt nặng hơn

Vụ bạo hành trẻ em tại điểm giữ trẻ Mầm Xanh chưa lắng xuống, mới đây, tại TP.HCM lại tiếp tục xảy ra việc cô giáo tát bé gái 3 tuổi đến nứt cả xương hàm. Trước vụ việc, PV báo Người Đưa Tin đã có buổi phỏng vấn với luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM.

PV: Liên quan đến vụ cô giáo đánh trẻ nứt xương hàm ở cơ sở mầm non Ánh Sao Vàng (huyện Bình Chánh, TP.HCM), bên phía hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã có hướng xử lý như thế nào?

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Trước vụ việc, bé P.T.N.D. (3 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) bị cô giáo N.H.P. (SN 1992) của cơ sở mầm non Ánh Sao Vàng bạo hành dẫn đến nứt xương hàm, hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM (BVQTE TP.HCM) đã cử hai luật sư để làm người giám hộ cho bé. Chúng tôi sẽ giám hộ cho bé từ giai đoạn tư vấn, điều tra cho đến khi kết thúc vụ án. Hội BVQTE TP.HCM sẽ biết các thông tin về bé qua luật sư giám hộ.

Bé P.T.N.D. bị cô giáo bạo hành dẫn đến nứt xương hàm

PV: Được biết, cô giáo đánh trẻ nứt xương hàm tại mầm non Ánh Sao Vàng tốt nghiệp sư phạm mầm non và có kinh nghiệm,... nhưng lại để xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy, nguyên nhân do đâu?

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Một cô giáo được học hành đàng hoàng, có kỹ năng sư phạm nhưng lại có hành vi bạo hành trẻ em như vậy, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, tôi được biết, cô giáo này vừa nghỉ thai sản xong nên rất có thể do áp lực sau sinh.

Hoàn cảnh, kinh tế gia đình, cuộc sống vợ chồng không hòa thuận cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của cô giáo. Khi tâm tính không tốt, cô giáo này đã đem mọi bực nhọc trong gia đình trút lên đầu trẻ nhỏ, để rồi các bé trở thành những nạn nhân đáng thương.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ

Ngoài ra, cô giáo P. cũng mới xin vào cơ sở mầm non này làm việc. Những áp lực công việc, phải chăm sóc nhiều trẻ, các bé không ngoan, hay khóc nhè, nôn ói khiến tâm tính con người trở nên khó chịu. Vì vậy, cô P. đã đánh bọn trẻ mà không lường trước được hậu quả.

Tuy nhiên, nếu đã chọn nghề giáo mà đặc biệt là giáo viên mầm non cần phải có nhiệt huyết với nghề. Người giáo viên mầm non phải có cái tâm tốt, có lòng yêu trẻ mới làm công tác giữ trẻ tốt. Vì vậy, dù muốn hay không, khi đã bước chân vào nghề giáo viên mầm non, giữ trẻ, việc đầu tiên phải có lòng yêu trẻ, có tâm với nghề và luôn đặt chữ "nhẫn" và chữ "đức" lên hàng đầu.

PV: Theo luật sư, vì sao dư luận đã nhiều lần lên án nhưng tình trạng bạo hành trẻ em vẫn xảy ra và có chiều hướng gia tăng?

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Hiện nay, theo tôi tình trạng bạo hành trẻ em xảy ra khá phổ biến. Dù dư luận đã nhiều lần lên án và pháp luật đã có những điều, khoản để trừng trị những kẻ bạo hành trẻ em. Tuy nhiên, những cô giáo, bảo mẫu đó lại không nhận thức và kiểm soát được hành vi bạo hành trẻ.

Như tôi từng nói trong các buổi tọa đàm, tuyên truyền pháp luật rằng, đã là người làm công tác giáo dục, nhất là giáo dục mầm non thì cần phải có lòng yêu trẻ và đức tính nhẫn nại, thiện tâm. Nếu những người dạy trẻ, chăm sóc đời sống tinh thần cho các bé không có được những đức tính đó thì các cô nên đổi nghề.

PV: Để có thể bảo vệ trẻ em, tránh các vụ bạo hành trẻ xảy ra, xã hội và cộng đồng bảo vệ quyền trẻ em nên có những biện pháp như thế nào?

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ: Để có thể bảo vệ trẻ em, tránh các vụ bạo hành trẻ xảy ra, xã hội và cộng đồng bảo vệ trẻ em nên có biện pháp, chế tài xử lý nặng hơn với những trường hợp bạo hành trẻ em. Ngoài ra, những cơ quan chức năng, có thẩm quyền nên thường xuyên rà soát các cơ sở, các điểm giữ trẻ; camera quan sát phải được kiểm soát chặt chẽ và có người quản lý. Nếu có thể, pháp luật nên có những quy định, điều khoản phạt nặng hơn để có thể răn đe cho toàn xã hội .

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng khẳng định, quan điểm của ngành giáo dục không chấp nhận những hành vi bạo hành với trẻ. Xảy ra sự việc này là rất đáng tiếc. Ngành giáo dục và đào tạo kiên quyết xử lý đến nơi đến chốn và không bao che các hành vi bạo hành trẻ. Mới đây, vụ việc bạo hành trẻ ở cơ sở Mầm Xanh (quận 12), chính quyền địa phương cũng đã xử lý rất nghiêm minh.

"Vì vậy, chúng tôi mong muốn phụ huynh, khi phát hiện các vụ việc bạo hành trẻ, thông báo kịp thời tới các ngành chức năng địa phương và ngành giáo dục để xử lý. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang phối hợp với cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ sự việc, không bao che giấu giếm và tất cả vì quyền lợi của bé", bà Bùi Thị Diễm Thu khẳng định.

Trước đó, khoảng 10h45 ngày 25/7, sau khi ăn trưa, bé P.T.N.D. (3 tuổi) bị nôn ói nên cô giáo N.H.P. tại cơ sở Ánh Sao Vàng đã dùng tay tát, đánh thẳng vào mặt bé rất nhiều lần khiến mặt bé sưng tấy... Đến chiều cùng ngày, bà nội của bé D. qua trường đón thì phát hiện sự việc nên đã trình báo cơ quan chức năng. Qua thăm khám tại bệnh viện, bác sĩ kết luận, bé gái bị nứt xương hàm, sưng tấy mặt do ngoại lực tác động mạnh.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/vu-bao-hanh-tre-em-phat-luat-nen-co-che-tai-xu-ly-nang-hon-a379780.html