Từ vụ 'chôn sống' nam thanh niên: Con hư, thà con...ngẫn ngờ

Trong vụ việc nam thanh niên bị 1 nhóm người 'chôn sống' ở Nghệ An, vì không dạy được, phụ huynh đã nhờ nhóm côn đồ dọa con...

Những chuyện oái oăm

Dạy con luôn là vấn đề khiến phụ huynh đau đầu. Và trên thực tế, đã xảy ra những câu chuyện oái oăm.

Anh Nguyễn Văn Khoa – thành phố Lào Cai chia sẻ, con gái anh học giỏi nhưng bướng và luôn cho mình là nhất. Cô bé không nghe những điều cha mẹ nói. Có lúc vợ chồng anh bất lực phải tìm tới chuyên gia tâm lý để tháo gỡ nhưng mọi việc không khả thi, đâu lại vào đó.

Năm học lớp 11, cô bé thường xuyên gây rối. Bố mẹ nói gì đều để ngoài tai. Cha mẹ làm phật ý là cô bé đòi bỏ nhà ra đi. Một lần, thái độ của cô bé khiến một nhóm thanh niên khác “ngứa mắt” nên đã ra tay dạy dỗ. Đều là học sinh nên sau đó nhóm bạn kia bị kỷ luật phải chuyển trường nhưng sau khi bị dạy dỗ con gái anh Khoa đã thay đổi hẳn. Cô bé biết nghe lời và biết sợ hơn.

Nam thanh niên bị 'chôn sống' trong vụ việc xảy ra mới đây.

Nam thanh niên bị 'chôn sống' trong vụ việc xảy ra mới đây.

Anh Khoa kể vì bị ăn tát của bạn bè cô bé vừa xẩu hổ vừa biết mình nên dừng lại các hành động vô lối.

Đến nay, con gái anh Khoa đã học xong đại học và đi làm. Có vẻ như, dù không ủng hộ hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật, anh Khoa cũng buộc phải nghĩ rằng, cái tát dạy dỗ của nhóm bạn kia đã giúp con gái anh nhìn nhận đúng về mình hơn.

Trường hợp của nam thanh niên trên không phải ngoại lệ khiến bố mẹ vì bất lực đã làm điều vi phạm pháp luật. TS Tô Thanh Phương – chuyên gia về trầm cảm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 kể về câu chuyện có 1 ông bố và bà mẹ tìm tới bác sĩ Phương trong tâm trạng bất lực vì đứa con hư.

TS Tô Thanh Phương chia sẻ về việc phụ huynh bất lực khi giáo dục con.

Hai vợ chồng có cậu con trai út được nuông chiều nên lớn lên cậu bé vô cùng ngạo nghễ, ăn chơi trác táng. Dù gia đình khuyên nhủ thế nào cậu cũng không nghe. Gia đình ở ven đô bán được ít đất cậu mang đi cả tỷ đi chơi 3,4 hôm là hết.

Bất lực vì không thể dạy được con, bà mẹ đã nhiều lần tăng xông. Hai vợ chồng tìm tới bác sĩ Phương hỏi “bác sĩ có liều thuốc nào cho nó uống để nó ngẫn ngờ cả đời cũng được. Tôi chăm con điên dại còn hơn con bất trị”.

Nghe ông bố, bà mẹ nói thế đủ biết họ bất lực với con như thế nào nhưng điều đó pháp luật không cho phép, dĩ nhiên không có liều thuốc nào có thể chữa được chứng bất trị của con nếu không tìm rõ nguyên nhân.

Khi hỏi nguyên nhân thì được biết, người bố này trước đây cũng thích bài bạc, tiền của trong nhà đội nón ra đi. Khi mở rộng Hà Tây về Hà Nội đất cát lên giá thì gia đình cũng chuyển từ nông dân lên người thành phố. Nếp sống thay đổi, thói quen làng xã không còn và tiền triệu bây giờ đã thành tỷ, chục tỷ nên mọi người đều thay đổi và cậu con trai trở nên như vậy.

Trông cây sửa đất, trông con sửa mình

Theo TS Phương, gặp người con bất trị, có hai biện pháp cha mẹ cần thực hiện

Thứ nhất, bản thân cha mẹ nên cho con đi kiểm tra xem đứa con có mắc chứng bệnh nào về tâm thần phân liệt, có nghiện ngập gì không. Bởi vì nhiều đứa trẻ bị rối loạn hành vi cảm xúc của mình nhưng cha mẹ không hề biết.

Thứ hai, ngay chính bản thân cha mẹ cũng phải xem lại cách sống của mình, cách giáo dục của mình có phù hợp với con hay không. TS Phương cho biết không có đứa trẻ hư chỉ có cha mẹ chưa biết cách dạy bảo con. Người xưa đã đúc kết trông cây sửa đất, trông con sửa mình.

TS Phương cho biết các hành vi nhờ người dạy dỗ hay bắt nhốt con, chửi rủa con chỉ khiến đứa trẻ ngỗ nghịch càng thêm ngỗ nghịch hơn vì chúng càng bất cần đời hơn nếu cha mẹ không hiểu chúng.

TS Phương cho biết ông từng điều trị cho 1 thanh niên cao to, đẹp trai lại tốt nghiệp trường Đại học top đầu ở Hà Nội. Tuy nhiên, cậu không đi làm mà ở nhà chơi lêu lổng. Khi cha mẹ la mắng vì lười biếng, đáp lại cậu ta luôn miệng chửi cha mẹ ngu không biết gì cả. Gia đình cho rằng cậu ấy hư hỏng, hỗn láo... nhưng thực tế khi khám, cậu ấy đã bị bệnh rối loạn tâm thần.

"Cái sai trong giáo dục con cái đó là nhiều bậc phụ huynh không nắm bắt được suy nghĩ và cảm xúc của con. Từ đó dẫn đến việc áp đặt lý luận của người lớn vào cảm xúc trẻ. Áp đặt không xong, họ chuyển sang việc đánh mắng, bôi nhọ như một cách để thỏa mãn cơn giận dữ của bản thân mà không tự biết cách mình phải làm sao đề hiểu con, hiểu sở thích của con", vị chuyên gia tư vấn.

Phương Anh

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/doi-song/gia-dinh/tu-vu-chon-song-nam-thanh-nien-con-hu-tha-conngan-ngo-3429799/