Từ vụ cháy quán karaoke làm chết 13 người: Trách nhiệm thuộc về ai?

Nhiều vụ cháy ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke thời gian gần đây gióng lên hồi chuông báo động việc quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ này cần được siết chặt hơn nữa.

Vụ cháy quán karaoke phố Trần Thái Tông (Hà Nội). Ảnh: Bá Đô

Kiểm tra nhiều, hậu quả vẫn nghiêm trọng

Trong thời gian gần đây trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vụ cháy nổ liên quan đến hoạt động kinh doanh karaoke. Vụ cháy quán karaoke Nhật Thực, tại Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội vào năm 2014 đã khiến cho 5 người tử vong khiến dư luận bất an. Vụ cháy quán karaoke 83 Nguyễn Khang, Cầu Giấy vào chiều 17-9-2016 cũng khiến nhiều người hoảng hốt.... Đặc biệt vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke ở số 68 Trần Thái Tông làm 13 người tử vong ngày 1-11 khiến dư luận bàng hoàng đau xót.

Trong tận cùng nỗi đau, dư luận vẫn không thể không đặt câu hỏi về nguyên nhân của vấn đề. Đó là việc thiếu ý thức tuân thủ pháp luật của bản thân chủ cơ sở kinh doanh, bên cạnh đó là việc quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn, quản lý chuyên ngành.

Khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng lật lại hồ sơ giấy tờ thì sự thật được phơi bày, cơ sở kinh doanh chưa có giấy phép kinh doanh karaoke song vẫn ngang nhiên hoạt động.

Còn theo ông Dương Cao Thanh, chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, trong tháng 10-2016, lực lượng chức năng sở tại đã 3 lần kiểm tra quán karaoke xảy ra vụ cháy hôm qua là vào các ngày 9-10, 12-10 kiểm tra Công an phường Dịch Vọng Hậu đã kiểm tra, phát hiện ngoài không có giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke cơ sở còn thiếu một số giấy tờ như biên bản nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự theo quy định. Lần kiểm tra gần đây nhất vào ngày 25-10, cơ sở không hoạt động, đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở không được kinh doanh dịch vụ karaoke khi chưa có đủ giấy phép theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên vài ngày sau thì sự việc đau xót xảy ra.

Nói về việc cơ sở kinh doanh bị kiểm tra 3 lần song vẫn chưa khắc phục được những thiếu sót, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho rằng, cần phải xử lý nghiêm hành vi của chủ cơ sở kinh doanh karaoke ở 68 Trần Thái Tông,

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, khi đã kinh doanh, cơ sở phải chấp hành quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy. “Hiện công tác quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đã được chính quyền địa phương chú trọng song do ý thức chấp hành của cơ sở còn nhiều hạn chế dẫn đến những vụ việc đau xót”, giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, trong tháng 10 vừa qua cơ sở đã thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành hoạt động kinh doanh của các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực do Sở Văn hóa, Thể thao cấp phép, song đến thời điểm hiện tại kết quả cụ thể vẫn chưa được thống kê.

Cần làm rõ trách nhiệm

Vẫn biết rằng trong vụ việc trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke là không thể phủ nhận, song dư luận vẫn còn đó băn khoăn nếu cơ quan quản lý hữu quan và chính quyền địa phương quyết liệt hơn nữa trong yêu cầu cơ sở tạm ngừng hoạt động đến khi hoàn thiện đủ hồ sơ giấy tờ, có lẽ thảm cảnh sẽ không có cơ hội xảy ra.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng, đặc thù của cơ sở kinh doanh karaoke là thiết kế kín, cách âm. Bên cạnh đó, hầu hết những quán karaoke đều là nhà dân được hoán cải, chuyển đổi mục đích sử dụng. Vì thế, các tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy thường không đáp ứng được yêu cầu.

Trên phương diện pháp lý, theo luật sư Lê Văn Kiên, Trưởng Văn phòng Luật sư Ánh sáng công lý, vụ việc xảy ra ở cơ sở kinh doanh karaoke Trần Thái Tông, cơ quan chức năng cần phải làm rõ thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn, nếu nguyên nhân được xác định là do thợ hàn xì khiến biển quảng cáo cháy, cần xem xét người thợ đó đang trong quá trình thi công hay đã làm xong rồi mới xảy ra cháy nổ. Nếu việc thợ thi công đã hoàn thành thì trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý và khai thác quán karaoke.

Nếu hỏa hoạn xảy ra trong lúc thi công thì cơ quan chức năng cần phải xem hợp đồng giữa chủ đầu tư và đơn vị sửa chữa quy định thế nào về việc đảm bảo an toàn cháy nổ. “Thông thường, khi xảy ra hỏa hoạn, đơn vị trực tiếp quản lý công trình đó phải đứng ra chịu trách nhiệm chính để xử lý và giải quyết hậu quả. Sau đó, dựa vào những vấn đề như trên để yêu cầu các bên liên quan bồi hoàn (nếu có) cho đơn vị quản lý công trình xảy ra hỏa hoạn”, luật sư Lê Văn Kiên nói.

Tuy nhiên theo luật sư Lê Văn Kiên, về phía các cơ quan quản lý nhà nước cũng có trách nhiệm liên đới khi trên địa bàn mình quản lý để xảy ra vụ việc nghiêm trọng. Trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước đã tiến hành thanh kiểm tra và yêu cầu cơ sở kinh doanh không phép dừng hoạt động nhưng cơ sở vẫn cố tình vi phạm thì trách nhiệm chính thuộc về chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc khi khiến 13 người tử vong theo luật sư Kiên cơ quan chức năng có thể khởi tố chủ cơ sở kinh doanh theo điều 240 Bộ Luật hình sự tội vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy.

Được biết liên quan đến công tác quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke ngoài trách nhiệm chính là UBND cấp quyện, Sở Văn hóa, Thể thao còn có Sở Kế hoạch đầu tư và cơ quan Công an.

Sau vụ cháy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông dư luận lại nhắc nhiều đến an toàn cháy nổ, phòng cháy chữa cháy tại các nhà hàng kinh doanh loại hình này nhưng dường như câu chuyện chỉ “nóng” lên sau mỗi đám cháy rồi sau đó lại đi vào quên lãng và chẳng được mấy người quan tâm. Chỉ có những gia đình, người thân của những người xấu số là sẽ mãi ám ảnh về cái chết của người thân họ. Do vậy hơn lúc nào hết người dân mong mỏi các cơ quan quản lý cần quyết liệt hơn nữa trong quản lý để tránh lặp lại những vụ việc thương tâm.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tu-vu-chay-quan-karaoke-lam-chet-13-nguoi-trach-nhiem-thuoc-ve-ai.aspx