Từ vụ bé trai bị đàn chó dữ cắn chết: Trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở đâu?

Liên quan đến vụ việc thương tâm bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên bị đàn chó dữ cắn chết, nhiều người dân bày tỏ sự lo lắng mỗi khi nhìn thấy chó chạy rông ngoài đường mà không rọ mõm. Vậy trách nhiệm của các cơ quan quản lý về chó thả rông ở đâu?

Nỗi sợ thường trực

Từ câu chuyện bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên bị đàn chó dữ cắn tử vong gây xôn xao dư luận, không ít người dân sinh sống tại Hà Nội cũng bày tỏ sự lo lắng của mình trước việc ra đường nhìn thấy những con chó thả rông hoặc không rọ mõm.

Chị Nguyễn Thu Phương (Hà Nội) chia sẻ: “Gia đình tôi có con nhỏ nên tôi không bao giờ cho con tiếp xúc với những chú chó. Tuy nhiên, mỗi lần cho con sang nhà hàng xóm chơi thì họ lại nuôi khá nhiều chó trong nhà, tôi cũng bảo họ nên rọ mõm nhưng họ bảo chó nhà hiền lành không vấn đề gì, nên tôi cũng hạn chế cho con sang nhà hàng xóm chơi”.

Đàn chó dữ tấn công bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên (Ảnh: Đặng Thủy).

Đàn chó dữ tấn công bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên (Ảnh: Đặng Thủy).

Còn chị Thu Thủy (Hà Nội) thì tỏ ra sợ hãi: “Từ nhỏ tôi từng bị chó cắn nên rất sợ, vì thế khi lớn lên cứ nhìn thấy chó của nhà nào đó không rọ mõm hay không được xích mà lao ra ngoài đường là tôi luôn bị ám ảnh. Tôi không quá ghét chó, nhưng với những con chó không được tiêm phòng hay không được rọ mõm cẩn thận thì tôi chọn cách không bao giờ lui đến những chỗ đó nữa”.

Còn chị Phạm Hưởng (Hà Nội) kể lại: “Một lần tôi ra quán tạp hóa mua hàng, con chó của nhà này rất dữ vội vàng đớp vào chân tôi một cái, tôi vội hét lên thì người nhà chạy ra quát chó mới thôi. Tôi có hỏi “chó nhà chị tiêm phòng chưa?” thì chị bảo “chó nhà không sao đâu”. Nhưng, từ hôm đó tôi không bao giờ vào mua hàng nhà này nữa, chị có thắc mắc lý do thì tôi bảo “nếu chị không rọ mõm, xích chó vào thì em không bao giờ vào nhà chị mua hàng nữa”. Thế nhưng, dường như chủ nhà này không có sự chuyển biến, chó vẫn thả rông và không rọ mõm. Tôi cho rằng, các cơ quan quản lý nên có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa việc thả rông chó”.

Cơ quan nào siết chặt quản lý chó thả rông?

Liên quan đến câu hỏi, vậy cơ quan nào siết chặt, quản lý chó thả rông? trách nhiệm thuộc về ai trong việc giám sát, xử lý với những chú chó thả rông?

Ngày 6/4, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã liên hệ với Cục trưởng cục Thú y (bộ NN&PTNT) Phạm Văn Đông. Theo đó, nói về trách nhiệm trong việc quản lý, siết chặt chó thả rông, ông Phạm Văn Đông cho biết: “Nếu chó bị bệnh dại, liên quan đến dịch bệnh thì thuộc về phạm vi quản lý của cục Thú y, quản lý theo dõi các vấn đề dịch bệnh. Còn liên quan đến chó cắn người, hoặc gia súc húc người… không phải do cục Thú y quản lý mà do chủ hoặc địa phương quản lý”.

Theo tìm hiểu, được biết từ ngày 15/9/2017, Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực.

Theo Nghị định 90, hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng... bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng.

Ngoài ra, hành vi giết mổ, mua bán động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc danh mục bệnh động vật phải công bố dịch; chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, ấp nở trứng gia cầm hoặc kinh doanh gia súc, gia cầm tại địa điểm không theo quy hoạch hoặc không được cơ quan có thẩm quyền cho phép... sẽ bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng.

Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc siết chặt quản lý chó thả rông ở đâu? (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, cho đến nay nhiều người cùng một câu thắc mắc không biết quy định này đã được phát huy có hiệu quả hay chưa?

Từ thắc mắc về việc cơ quan nào cần siết chặt quản lý chó thả rông, không rọ mõm, trao đổi với PV, Ths.Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Dưới góc độ pháp luật thì gia súc, vật nuôi trong nhà nói chung và chó nói riêng được coi là một nguồn nguy hiểm cao độ quy định tại khoản 1 Điều 601 Bộ luật dân sự 2015. Trong các loại vật nuôi trong gia đình thì chó được xếp vào loài thú, thuộc loài thú dữ, thú ăn thịt và có nguy cơ cao trong việc gây tổn hại sức khỏe, tính mạng con người”.

Tuy nhiên, theo Ths.Luật sư Đặng Văn Cường, một trong những điểm khó khi xử lý về chủ nuôi chó để chó cắn chết người là chưa có tiền lệ xử lý hình sự và điều luật có thể còn nhiều cách hiểu khác nhau.

“Có thể nói mặc dù bộ luật hình sự đã quy định về tội danh này, tuy nhiên hiện nay chúng ta chưa có văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể, chưa có tiền lệ xử lý hình sự. Với tình hình gia tăng nguy hiểm từ việc nuôi chó như hiện nay, nhiều vụ việc chó cắn chết người, thương tích nghiêm trọng thì đã đến lúc phải áp dụng cả chế tài hình sự để xử lý các trường hợp này chứ không chỉ xử lý hành chính theo cách qua loa như hiện nay. Các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính chỉ vài trăm ngàn đồng với hành vi gây hậu quả nghiêm trọng là không còn đủ sức răn đe.

Song, vấn đề đặt ra là việc nuôi chó thường không phải của 1 chủ sở hữu mà do cả gia đình cùng nuôi, cùng bỏ tiền bạc công sức ra mua và về chăm sóc do đó nếu xem xét trách nhiệm hình sự khi chó cắn chết người thì phải xem xét trách nhiệm của ai hay của cả gia đình?. Việc xem xét trách nhiệm hình sự đối với chủ nuôi chó là 1 cá nhân thì sẽ dễ dàng hơn nhưng là cả một gia đình thì e rằng chưa đảm bảo yếu tố nhân đạo. Do đó, vấn đề này cần phải được xem xét, nghiên cứu và hướng dẫn thi hành để đảm bảo xử lý đúng người, đúng tôi và đảm bảo công bằng, nghiêm minh pháp luật”, Ths.Luật sư Cường nhấn mạnh.

Cũng nói thêm về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc siết chặt quản lý chó thả rông, Ths.Luật sư Đặng Văn Cường cho hay: “Trách nhiệm phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y thuộc về chủ tịch UBND các cấp, thanh tra, công an nhân dân, quản lý thị trường… Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay tình trạng chó thả rông, không rọ mõm, không tiêm phòng, cắn người xảy ra khá phổ biến, gây lo lắng trong nhân dân nhưng rất hiếm cơ quan chức năng nào áp dụng các chế tài hành chính, các biện pháp hành chính để xử lý chứ chưa nói tới việc áp dụng chế tài hình sự.

Bởi vậy, các địa phương cần phải có những chỉ đạo, giải pháp, quán triệt để xử lý vấn đề này, đảm bảo an toàn cho cộng đồng bằng các công cụ pháp lý phù hợp”.

Thanh Lam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tu-vu-be-trai-bi-dan-cho-du-can-chet-trach-nhiem-cua-cac-co-quan-quan-ly-o-dau-a428835.html