Từ vụ bé gái ngã từ tầng cao chung cư: Lưu ý giúp cha mẹ hạn chế tai nạn trẻ em

Bé gái đã được anh Nguyễn Ngọc Mạnh giải cứu thành công. Song sự việc là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc làm cha mẹ khi không chú ý đến con cái.

Anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, tài xế xe tải quê Đông Anh, Hà Nội) đã trở thành "người hùng" sau một đêm khi cứu thành công bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12A (tầng 13) tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân). Trước đó, vào khoảng 17h30 ngày 28/2, bé N.P.H (SN 2018) bất ngờ bò từ trong nhà, trèo ra lan can. Sau đó, bé treo mình lơ lửng ở tầng 12A. Lúc này một số người dân ở tòa bên cạnh phát hiện sự việc đã hô hoán. Anh Nguyễn Ngọc Mạnh đang đứng chở hàng ở gần đó phát hiện sự việc nên đã nhanh chóng trèo lên mái che của sảnh và đỡ được bé gái khi bé H rơi xuống.

Rất may mắn, cháu bé chỉ bị thương. Ngay khi sự việc xảy ra, người dân và gia đình đã đưa bé gái đến Bệnh viện Nhi cấp cứu. Theo các bác sĩ, việc cháu H. rơi từ tầng cao xuống như vậy là cực kỳ may mắn khi có người giúp đỡ kịp thời.

"Người hùng" Nguyễn Ngọc Mạnh.

"Người hùng" Nguyễn Ngọc Mạnh.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng may mắn gia đình cháu H., bởi đã có rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị thiệt mạng khi ngã, rơi từ tầng cao của chung cư..., bởi sự lơ là, bất cẩn của người lớn. Để tránh những sai lầm đáng tiếc khiến ân hận cả đời, hãy tham khảo những lời khuyên cơ bản sau đây để bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ:

Cửa sổ

Hầu hết thân hình của trẻ em từ 5 tuổi trở xuống có thể vừa với khe hở khoảng 15cm (khoảng 6 inch). Để đề phòng rủi ro, bạn hãy lắp một chốt chặn thật chắc chắn, thậm chí có khóa để ngăn cửa sổ mở ra xa khi trẻ không trong tầm mắt của bạn. Ngoài ra, hãy lắp các tấm lưới dày dặn che chắn cửa sổ, ban công. Thậm chí nếu bạn ở chung cư, có thể đề xuất với ban quản lý chung cư lắp các tấm lưới ở cửa sổ hành lang chung cư để bảo vệ an toàn cho trẻ. Ngoài ra hãy chú ý di chuyển đồ đạc ra xa cửa sổ, giám sát trẻ em trong phòng khi có cửa sổ mở.

Cầu thang

Lắp đặt một cánh cửa an toàn ở đầu và cuối cầu thang. Bạn có thể thuê thợ làm thêm tay vịn thấp hơn trên cầu thang giúp trẻ nhỏ đi lại dễ dàng. Tránh để đồ đạc lộn xộn trên cầu thang bởi trẻ dễ vấp ngã.

Hiên nhà và ban công

Không để trẻ nhỏ chơi một mình ngoài ban công, hiên nhà, lối thoát hiểm, lan can... mà không có người trông nom. Nhiều gia đình sống trong chung cư thường sử dụng ban công để bố trí máy giặt, máy lọc nước, máy sấy... Trẻ có thể leo trèo lên các vật dụng này và khả năng xảy ra tai nạn là rất cao.

Ảnh minh họa.

Đồ nội thất và thiết bị trẻ em

Bạn nên mua ghế ăn hoặc bàn cho trẻ nhỏ có sẵn dây đai an toàn. Chọn ghế ngồi chắc chắn, có chân đế rộng để hạn chế khả năng bị lật ghế bởi khi ngồi, trẻ có thể nghịch ngợm, lắc lư khá nhiều. Không để trẻ ngồi một mình trên bàn hoặc ghế cao mà không có người trông nom.

Giường

Lắp đặt thanh vịn an toàn trên giường cho trẻ mới biết đi. Giường tầng được khuyến cáo chỉ nên được sử dụng cho trẻ em từ sáu tuổi trở lên. Các thanh vịn an toàn trên giường tầng phải ở cả hai bên giường và khoảng cách giữa các thanh ray phải từ khoảng 10cm (4 inch) trở xuống. Đặt đèn ngủ ở vị trí dễ sử dụng để tránh tìm kiếm vào ban đêm.

Ảnh minh họa.

Nội thất khác

Với những món đồ nội thất trong nhà như sofa, bàn ghế ăn... có góc nhọn, bạn cần đặt các tấm chắn hoặc bọc mút giúp trẻ tránh bị thương, va đập. Nếu nhà có bồn tắm, bạn tuyệt đối không bỏ mặc con một mình trong nhà tắm. Sử dụng các tấm lót để nhà tắm không trơn trượt và dọn dẹp sàn ướt tránh nguy cơ bị té ngã.

Nhiều gia đình có thói quen sử dụng xe đẩy cho trẻ con, tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo các loại xe đẩy này lại có thể khiến trẻ dễ bị té giã. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng đèn cảm ứng ở phòng tắm, hành lang, lối đi... để ngăn ngừa nguy cơ té ngã vào ban đêm./.

Tố Uyên/VOV.VN Theo Mayoclinic

Nguồn VOV: https://vov.vn/doi-song/tu-vu-be-gai-nga-tu-tang-cao-chung-cu-luu-y-giup-cha-me-han-che-tai-nan-tre-em-840198.vov