Từ vụ bé 3 tuổi rơi từ tầng 12: Rà soát an toàn ở các chung cư, nhà cao tầng

Từ những vụ trẻ rơi lầu vừa qua, cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát lại lan can ban công, lô gia… ở các tòa nhà cao tầng, chung cư nhằm ngăn chặn rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Những tai nạn đáng tiếc

Chiều tối 28-2, vụ việc khiến nhiều người không khỏi hoảng sợ đến thót tim khi xem clip bé gái Nguyễn Phương H (3 tuổi) leo qua lan can rồi treo mình lơ lửng ngoài ban công một căn hộ ở tầng 12A ở chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Rất may mắn, bé gái SN 2018 đã được anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) kịp đỡ được khi tuột tay rơi xuống. Ngay sau đó, bé gái được đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Đây chỉ là một trong rất nhiều những vụ trẻ nhỏ rơi từ chung cư xuống. Hầu hết những nạn nhân là trẻ em trong đều không được may mắn như bé gái 3 tuổi kể trên. Điển hình như ngày 31-8-2020, sau tiếng động lớn tại chung cư 24T1 Hoàng Đạo Thúy, người dân phát hiện một bé gái nằm bất động, tử vong thương tâm. Qua xác định, bé gái 6 tuổi rơi từ tầng 12 của chung cư xuống đất. Cũng trong năm 2020, ngày 13-1, một bé gái 4 tuổi đã rơi từ tầng 25 chung cư Star Tower (Hà Nội) xuống dưới và tử vong.

Cần đảm bảo an toàn cho trẻ tại các nhà chung cư

Thông thường, sau mỗi vụ việc đau lòng xảy ra, nhiều gia đình trong các khu chung cư xảy ra sự việc liền gọi thợ lắp lưới chắn ban công, lô gia. Tuy nhiên, đáng nói là ở những tòa chung cư khác, rất nhiều gia đình vẫn chưa có ý thức bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ. Chính vì thế, hầu như năm nào cũng có những vụ “thót tim” trẻ em rơi từ các tòa chung cư xảy ra.

Hình ảnh từ clip - Em bé trèo qua lan can ban công ngày 28-2

Hình ảnh từ clip - Em bé trèo qua lan can ban công ngày 28-2

Hiện nay, nhiều tòa chung cư ở Hà Nội sau khi được chủ đầu tư hoàn thiện bàn giao căn hộ cho khách hàng hầu hết đều có cửa sổ hay lô gia để trống. Một số hộ gia đình tự thuê thợ về lắp lưới an toàn hay song sắt tại các khu vực này. Tuy nhiên, một số gia đình vẫn chủ quan “bỏ qua”. Đây chính là “lỗ hổng” dẫn đến nhiều vụ việc thương tâm như trên.

Các chuyên gia về kiến trúc nhận định, có nhiều nguyên nhân gây ra sự mất an toàn cho trẻ khi sống ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, lỗi lớn nhất vẫn thuộc về các bậc phụ huynh, nhất là những gia đình có con nhỏ bởi không có biện pháp nào thật sự an toàn cho trẻ nếu thiếu đi sự quan sát, bảo vệ của cha mẹ.

Cha mẹ không nên để con chơi một mình, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Ở độ tuổi này, các con chưa có nhận thức về sự nguy hiểm và rất hiếu động hay leo trèo. Trong trường hợp phụ huynh quá bận không thể ở cạnh trông coi thì cần sớm huấn luyện trẻ về nhận biết nguy hiểm như không được leo trèo ngoài ban công, lan can cầu thang, lô gia...

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc xây dựng các chung cư, nhà cao tầng ở Việt Nam đều có quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng. Tuy nhiên, việc trẻ em rơi từ tầng cao nhà chung cư ngoài những nguyên nhân từ sự chủ quan, lơ là của người lớn không trông nom trẻ thì vẫn còn có lỗi đến từ việc thiết kế hoặc thi công chưa bảo đảm của đơn vị thi công, chủ đầu tư công trình đó. Nhiều công trình chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn trong thiết kế nhưng đã đưa người dân vào ở. Do đó, cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát lại lan can, ban công, lô gia… ở các tòa nhà cao tầng, chung cư hiện nay thiết kế có đúng quy định hay không.

Các chuyên gia về kiến trúc cho biết, khi nhà có trẻ em, lan can ban công ở chung cư cao tầng phải có chiều cao tối thiểu 1,4m mới an toàn. Đặc biệt, ban công không nên làm thanh ngang mà phải làm thanh dọc có khoảng cách không quá 10cm.

Ngoài ra, các phụ huynh cũng cần để ý đóng cửa ban công hoặc lắp các thiết bị kính chắn, lưới thép theo hướng dẫn vừa đảm bảo an toàn phòng cháy vừa an toàn cho trẻ… Việc lắp lưới an toàn sẽ giúp trẻ nhỏ thoải mái vui chơi, cha mẹ sẽ an tâm hơn.

Bên cạnh đó, ở dưới nền ban công không được để chậu hoa, máy giặt, ghế ngồi hay các đồ dùng giúp các bé leo trèo. Cửa ngăn cách giữa nhà với ban công thì nên đóng lại khi không có người lớn ở nhà. Với các gia đình có con nhỏ từ 2-3 tuổi thì nên làm song chắn để các bé không bò, chạy ra ngoài ban công.

Được biết, từ năm 2008, Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe. Theo đó, các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, giếng trời và các lỗ mở phải có lan can chắn và đảm bảo các yêu cầu: Từ tầng 9 trở lên, lan can, rào chắn phải có chiều cao tối thiểu 1,4m (các vị trí khác tối thiểu 1,1m); Phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang và đảm bảo khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm; Không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tu-vu-be-3-tuoi-roi-tu-tang-12-ra-soat-an-toan-o-cac-chung-cu-nha-cao-tang-230010.html