Từ vụ bé 1 tuổi tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản, đây là những việc cực kì quan trọng bố mẹ cần lưu ý khi đưa con đi tiêm

Nếu không được theo dõi và phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường sau khi đi tiêm chủng về, việc này có thể để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Tối 15/9, thông tin về bé N.T.B.T. (1 tuổi, ngụ tại Nhơn Trạch, Đồng Nai) tử vong sau khi đi tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản tại trạm y tế thị trấn đã khiến các mẹ có con nhỏ vô cùng thương xót và lo lắng.

Thông tin ban đầu, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai ghi nhận nguyên nhân có thể bé tử vong do sốc phản vệ sau tiêm chủng.

Được biết, lô vắc xin mà bé trên tiêm có hạn sử dụng đến tháng 2/2021. Theo Sở Y tế Đồng Nai, có 57 trẻ tiêm cùng lô vắc xin trên với bé T và hiện chưa ghi nhận bất thường ở các trẻ khác. Các cơ quan chuyên môn vẫn đang tiếp tục xác minh nguyên nhân chính xác của sự cố y khoa đáng tiếc nói trên.

Bố mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của bé để thông báo cho bác sĩ trong quá trình khám sàng lọc trước khi tiêm (Ảnh minh họa).

Bố mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của bé để thông báo cho bác sĩ trong quá trình khám sàng lọc trước khi tiêm (Ảnh minh họa).

Những trường hợp trẻ phản ứng, sốc phản vệ sau khi tiêm chủng không phải hiếm. Nhưng để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, khi đưa con đi tiêm, bố mẹ cần lưu ý những điều sau:

Trước khi tiêm chủng, thông báo rõ tình hình sức khỏe của con

Khám sàng lọc trước khi tiêm chủng là việc rất cần thiết nhằm phát hiện những bất thường cần lưu ý để quyết định cho trẻ tiêm chủng, tạm hoãn việc tiêm chủng hay không được tiêm một loại vắc xin nào đó.

Ngoài việc đảm bảo đưa con đi tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ đang ổn định, trong quá trình khám sàng lọc trước tiêm, bố mẹ cần trao đổi rõ với bác sĩ tình trạng sức khỏe của trẻ trong 1 tuần gần đây, trẻ có tiền sử dị ứng hay phản ứng nào ở các mũi tiêm trước hay không. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần cung cấp thông tin về loại thuốc hay phương pháp điều trị mà trẻ có sử dụng trong vòng 1 tuần cho đến khi tiêm.

Để tránh hiện tượng trẻ nôn trớ vì khóc khi tiêm, không nên cho trẻ ăn/bú quá no trước khi tiêm. Nên cho trẻ mặc trang phục đơn giản, thoải mái để y tá, bác sĩ dễ dàng thực hiện việc tiêm chủng cho bé.

Nếu trẻ có dấu hiệu khó thở, tím tái, nổi mề đay toàn thân, chân tay lạnh, nổi vân tím... cần đưa đi khám ngay (Ảnh minh họa).

Theo dõi ít nhất 30 phút sau khi tiêm chủng tại nơi tiêm

Sau khi tiêm chủng, tất cả các bé đều cần được theo dõi tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng. Nếu phát hiện các biểu hiện bất thường, nôn trớ, thở nhanh hay ngắt quãng, thở khò khè, da mẩn đỏ, thân nhiệt cao… cần báo ngay cho nhân viên y tế gần nhất.

Những việc cần làm tại nhà để chăm sóc trẻ sau khi đi tiêm về

Sau khi đã theo dõi 30 phút tại cơ sở tiêm chủng, trẻ em cần tiếp tục được theo dõi trong 24 – 48 giờ sau khi tiêm, cụ thể là bố mẹ cần để ý các vấn đề sau:

- Thân nhiệt, nhịp thở.

- Sự tỉnh táo, trẻ có ăn ngủ, chơi đùa bình thường không.

- Quan sát da toàn thân và vùng tiêm (sưng, mẩm đỏ, phát ban).

Dưới đây là những việc bố mẹ có thể làm để chăm sóc con sau khi tiêm tại nhà:

- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát.

- Duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cho trẻ bú mẹ và uống nhiều nước.

- Trong trường hợp trẻ bị sốt trên 38,5 độ, có thể cho bé uống thuốc hạ sốt đúng liều phù hợp với cân nặng.

- Quan sát trẻ thường xuyên, chú ý không chạm hay đè vào chỗ tiêm.

- Nếu vết tiêm sưng, đỏ, có thể chườm lạnh để giúp giảm đau và giảm sưng cho vết tiêm. Tuyệt đối không xoa dầu, chườm nóng, nặn chanh, đắp hay bôi bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì nó có thể gây nhiễm trùng vết tiêm.

Những dấu hiện sau khi tiêm chủng cần đưa trẻ đi KHÁM NGAY

Khi phát hiện trẻ có 1 trong các dấu hiệu dưới đây sau khi đi tiêm chủng về, bố mẹ cần đưa con đến trung tâm y tế gần nhất thăm khám ngay:

- Trẻ co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, ngủ li bì, bú kém hay bỏ bú.

- Trẻ có dấu hiệu khó thở, tím tái, nổi mề đay toàn thân, chân tay lạnh, nổi vân tím.

- Sốt cao liên tục trên 39 độ C, uống thuốc hạ sốt không đỡ.

- Vị trí tiêm bị sưng, cứng, đau và có quầng đỏ trên 2 cm.

Theo Pháp Luật và Bạn Đọc

Nguồn Em Đẹp: https://emdep.vn/lam-me/tu-vu-be-1-tuoi-tu-vong-sau-khi-tiem-vac-xin-viem-nao-nhat-ban-day-la-nhung-viec-cuc-ki-quan-trong-bo-me-can-luu-y-khi-dua-con-di-tiem-20200917074042544.htm