Từ vụ 73 trẻ em ngộ độc, nhìn về dự án Sữa học đường ở Đồng Nai

Sự việc hàng loạt học sinh bị ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai đang đặt ra câu hỏi lớn về chất lượng dự án 'sữa học đường' trên địa bàn.

Đề án sữa học đường ở Đồng Nai được thực hiện từ năm 2014 với tổng kinh phí lên tới 1.300 tỷ đồng. Đề án được căn cứ theo Nghị Quyết số 99/2013/NQ – HĐND của Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Đồng Nai về đề án “ Sữa học đường” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014 – 2020.

Mặc dù mới được thực hiện chưa lâu, nhưng đề án sữa học đường này đã gặp phải nhiều vấn đề đáng ngại, nhất là khi các vụ ngộ độc xảy ra ngày càng nghêm trọng. Cụ thể mới đây nhất, vào ngày 2/3, 73 học sinh Đồng Nai gồm 70 em ở trường tiểu học Phạm Văn Đồng và 3 trẻ của trường mầm non Phú Lộc (cùng ở xã Phúc lộc) nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn mửa vì ngộ độc nghi uống sữa trong chương trình sữa học đường này. Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, các trẻ nhập viện với triệu chứng mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, đau đầu, liên tục ói mửa.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hữu - Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi trường cho các em uống theo chương trình sữa học đường, thì xảy ra đau bụng, nôn ói nên các giáo viên đã cho các em nhập viện cấp cứu, theo dõi. Hiện chi cục đã yêu cầu cơ quan chuyên môn niêm phong lô sữa Nutifood nghi gây ngộ độc để làm rõ nguyên nhân. Nutifood cũng đã tiến hành lấy mẫu, đem đi kiểm nghiệm ở cơ quan độc lập và sẽ có kết quả vào cuối tuần tới.

Các cơ quan chức năng huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các trường trong toàn huyện tạm dừng, không cho trẻ tiếp tục uống sữa từ Đề án sữa học đường để điều tra, làm rõ nguyên nhân gây ngộ độc.

Được biết, gói thầu do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai thực hiện nhằm cung cấp “sữa học đường” cho học sinh các trường học uống trong 3 năm (2018-2020). Chương trình sữa học đường tại tỉnh Đồng Nai có phạm vi cung cấp rất rộng với số lượng trên 1.500 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Các học sinh bị ngộ độc ở Đồng Nai.

Tại Đồng Nai, với đề án sữa học đường, trẻ được uống sữa 9 tháng/ 1 năm học (trừ 3 tháng hè trẻ không được uống sữa từ chương trình). Đề án này cũng đã thành lập ban giám sát với mục đích theo dõi quá trình nhập –xuất sữa – bảo quản – cho trẻ uống sữa và tiêu hủy vỏ hộp tại nhà trường. Mặc dù có ban giám sát, nhưng không hiểu sao, sự cố ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của trẻ nhỏ. Với hàng loạt học sinh bị ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai như thế, một câu hỏi lớn được đặt ra đối với dư luận, là liệu chất lượng sữa được sử dụng trong đề án này có đảm bảo?.

Năm 2017, đơn vị trúng thầu chương trình sữa học đường ở Đồng Nai là Nutifood. Tuy nhiên, trước đó, đơn vị này chưa hề có kinh nghiệm trong việc thực hiện bất cứ dự án sữa học đường ở tỉnh nào. Khi trở thành nhà thầu, việc hàng loạt học sinh tại Đồng Nai bị ngộ độc sau khi uống sữa này đã khiến dư luận dấy lên những nghi ngờ về việc, chính sữa Nutifood là nguyên nhân gây ngộ độc. Điều đáng chú ý, trên các vỏ hộp sữa đều có in rõ "sản phẩm của chương trình sữa học đường Đồng Nai", vậy sữa này được sản xuất chung hay chỉ sản xuất riêng cho tỉnh này?

Trước đó, Nutifood cũng từng bị phản ánh về chất lượng sữa "có vấn đề". Cụ thể, một hộp sữa Grow Plus+ của Nutifood từng bị khách hàng Vũ Ngọc B. (trú tại TP. Hưng Yên, Hưng Yên) phản ánh vón cục, có mùi chua "vô cùng khủng khiếp" mặc dù vẫn còn hạn sử dụng. Cũng từng có phản ánh khác về việc một hộp sữa bột pha sẵn Grow plus + của Nutifood (hộp giấy, vỏ đỏ) dung lượng 180ml dành cho trẻ trên một tuổi bị cặn đông đặc, vón cục mặc dù sữa còn hạn dùng đến ngày 16/08/2016.

Từ những điều bất cập trên, liệu có phải 73 trẻ em ở Đồng Nai bị ngộ độc hàng loạt sau khi uống sữa học đường là do sữa Nutifood có vấn đề hay không? Dư luận đang rất mong chờ câu trả lời từ chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh này.

Nguyễn Bá

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/ket-noi-ban-doc/tu-vu-73-tre-em-ngo-doc-nhin-ve-du-an-sua-hoc-duong-o-dong-nai-10722.html