Tử vong vì ăn nấm độc: Chỉ vì thiếu hiểu biết

Theo các chuyên gia y tế, với những nấm chứa độc tố amatoxin thì chỉ cần người dân ăn một cái nấm là đã bị ngộ độc. Tỷ lệ tử vong của các trường hợp ăn phải loại nấm trên lên đến 50%. Chất độc amatoxin cũng rất bền vững trong nhiệt độ, nên dù đun nấu cách nào cũng không loại trừ được độc tố.

TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Cuối tháng 3, đầu tháng 4 là khoảng thời gian có nhiều bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc do ăn phải nấm. Bởi vì khoảng thời gian này sau những đợt mưa xuân, các loại nấm phát triển mạnh mẽ. Mặc dù các bác sĩ đã cảnh báo rất nhiều về tình trạng ngộ độc nấm, nhưng nhiều người vẫn nhập viện, thậm chí tử vong vì ngộ độc do thói quen hái nấm dại về ăn. Điển hình là vụ ngộ độc nấm chứa độc tố amatoxin khiến 3 người trong 1 gia đình tử vong vừa qua.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng thăm khám cho bệnh nhân Sùng Diêu Hồng.

Cụ thể, theo thông tin từ các bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngày 28/3 tại thôn Khâu Mèng (Vị Xuyên – Hà Giang), ông Sùng Diêu Hồng (SN 1966), đã đi hái nấm về nấu ăn sáng cho cả gia đình 4 người cùng ăn. Sau đó, cả 4 người đã có biểu hiện ngộ độc như: Buồn nôn, nôn, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy toàn nước giống như bị tả. Ngay trong ngày cả 4 người trong gia đình ông Hồng đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, do nhiễm độc quá nặng nên 3 thành viên trong gia đình ông Hồng đã tử vong. Riêng ông Hồng ngộ độc nhẹ hơn, nhưng có diễn tiến nguy kịch nên được chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai.

Theo bác sĩ Dũng, bệnh nhân Hồng được chuyển đến Trung tâm Chống độc vào ngày thứ 5 sau khi ăn nấm. Bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng bụng vẫn còn đau, huyết áp, mạch ổn định, tuy nhiên xét nghiệm vẫn có rối loạn cô đặc máu, men gan cao. Bởi vậy, bên cạnh việc điều trị tích cực cho bệnh nhân, các bác sĩ trong Trung tâm đã phối hợp với Khoa Thăm dò chức năng của bệnh viện làm thủ thuật “Dẫn lưu mật mũi” với mục tiêu để thải trừ trực tiếp chất độc từ gan qua ống mật chủ ra ngoài. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, có thể giao tiếp được, xong theo các bác sĩ, đến giờ vẫn chưa thể khẳng định được bệnh đã hoàn toàn ổn định hay chưa.

Cũng theo bác sĩ Dũng, loại nấm mà 4 người trong gia đình bệnh nhân Hồng ăn là loại nấm gây ngộ độc chậm. Đây là loại nấm nguy hiểm, thường gây chết người sau khi chỉ ăn dù là 1 mũ nấm. Do độc tố trong nấm phá hủy tế bào gan, gây suy gan cấp, dẫn đến hôn mê gan. Tuy nhiên, các biểu hiện ngộ độc khi ăn loại nấm này xuất hiện muộn, thường sau khi ăn từ 6 – 40 giờ (thường là 12 – 18 giờ).

Bệnh nhân có biểu hiện buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy liên tục như tả, kéo dài 1 – 2 ngày, gây mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, tiểu ít hoặc vô niệu. Sau đó, các biểu hiện tiêu biến hết, bệnh nhân và thầy thuốc dễ hiểu nhầm là bệnh nhân đã khỏi, nhưng chỉ vài ba ngày sau sẽ xuất hiện tình trạng viêm gan như vàng mắt. Nguy hại hơn bệnh nhân sẽ bị vàng da, chán ăn, mệt mỏi, dần dần người bệnh sẽ mê sảng rồi hôn mê sâu, xuất huyết nhiều nơi (dưới da, tiểu ra máu…) và cuối cùng là tử vong.

Bởi vậy, việc tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu biết về các loại nấm là rất quan trọng trong việc giảm thiểu số vụ ngộ độc. Bác sĩ Dũng cho biết, theo đề tài nghiên cứu của Học viện Quân y, từ năm 2004- 2017 riêng ở Hà Giang đã xảy ra 33 vụ ngộ độc nấm, khiến 165 người ngộ độc và 24 người tử vong. Kể từ đó, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân không ăn nấm hoang dại nên các vụ ngộ độc nấm giảm hẳn và không có ca nào tử vong.

Trường hợp gia đình bệnh nhân Sùng Diu Hồng là trường hợp ngộ độc nấm sau nhiều năm không có ca bệnh. Còn tại Cao Bằng, theo nghiên cứu từ năm 2003 – 2009 xảy ra 29 vụ ngộ độc, khiến 81 người ngộ độc, 17 người chết, Nghiên cứu cũng chỉ ra, cùng một loại nấm chứa độc tố amatoxin, nhưng nấm ở Hà Giang có kích thước to hơn nấm ở Cao Bằng, do đó người dân càng cần chú ý nhận diện nấm độc.

Đồng quan điểm trên, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết đa số các loại nấm độc thường có màu sắc bắt mắt, ăn thấy ngon và có vị ngọt. Với những loại nấm này, bằng mắt thường không thể phân biệt được nấm có chứa độc tố hay không. Thậm chí, ngay cả người am hiểu về nấm cũng có thể bị nhầm giữa nấm độc và nấm lành.

Bởi vì trong một vài giai đoạn phát triển có một số loại nấm giống nhau. Và không phải cứ nấm có màu trắng là nấm không độc như nhiều người vẫn nghĩ. Đặc biệt, có những loại nấm rất độc như nấm độc tán trắng (Amanita), nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa) cũng có màu trắng muốt và nấu ăn cũng ngọt nhưng lại chính là loài nấm chính gây độc ở nước ta.

Bởi vậy, để tránh nhầm lẫn giữa các loại nấm, hạn chế nguy hiểm cho sức khỏe bác sĩ Nguyên khuyến cáo tốt nhất người dân chỉ nên ăn nấm nuôi trồng và tuyệt đối không nên hái các loại nấm mọc hoang dại về nấu ăn. Và khi ăn phải nấm độc, người dân cần gây nôn ngay lập tức bằng cách uống nhiều nước, sau đó dùng bàn chải đánh răng đánh sâu vào lưỡi để gây nôn.

Sau đó tiếp tục đến các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời. Đối với những bệnh nhân ngộ độc nấm có triệu chứng sớm có thể vận chuyển cấp cứu đến bệnh viện huyện. Còn các bệnh nhân ngộ độc nấm triệu chứng muộn (sau 6 giờ), cần được chuyển đến bệnh viện tỉnh hoặc khu vực nơi có các trang thiết bị để lọc máu.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tu-vong-vi-an-nam-doc-chi-vi-thieu-hieu-biet-71458.html