Từ việc Huế lập nơi di trú cho chim nghĩ về môi trường khởi nghiệp trên đất Cố đô

'Trải thảm đỏ' nghĩa là không chỉ lãnh đạo trên nói, chỉ đạo mà cán bộ phía dưới còn phải chung tay cùng làm, đồng hành và nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhân tài tìm về đầu tư.

Mấy ngày qua, dù thời tiết giá rét, các cán bộ của sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn theo thuyền vượt sông khảo sát các đầm lầy, rừng ngập mặn trên sông Ô Lâu (huyện Phong Điền) và Cửa Lác (huyện Quảng Điền) nhằm khẩn trương đề xuất một số khu vực để thành lập khu Bảo tồn Đa dạng sinh học. Việc làm này hướng đến phục hồi và phát triển phân vùng Ô Lâu trở thành “sân chim” tiêu biểu của toàn quốc

Ý tưởng phân vùng Ô Lâu trở thành “sân chim” dù Thừa Thiên-Huế đã có từ lâu, nhưng gần đây mới được đốc thúc sau khi có chuyến thực tế của ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh này trên con sông này.

Các cán bộ của sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế khẩn trương khảo sát, phân vùng lập khu bảo tồn.

Các cán bộ của sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế khẩn trương khảo sát, phân vùng lập khu bảo tồn.

Sau chuyến khảo sát thực tế ấy, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã trực tiếp chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan khẩn trương xác định phân vùng để đầu tư, bảo tồn, phục hồi sinh cảnh, phát triển quần thể của các loài chim hoang dã quý hiếm, có giá trị bảo tồn, nhất là các loài chim di trú.

Việc xây dựng một môi trường an toàn trú ngụ cho các loài chim, cách đây hơn 1 tháng, ông Phan Ngọc Thọ đã bắt đầu đẩy mạnh bằng việc ký ban hành chỉ thị yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP.Huế chỉ đạo chính quyền các xã, phường, thị trấn tăng cường các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắn, bẫy các loài chim, thú sống trong các khu dân cư, công viên, các ao, hồ, đầm phá.

Đặc biệt, vị Chủ tịch UBND tỉnh này nghiêm cấm việc cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương, tổ chức, đơn vị ăn thịt cũng như sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ các loài chim trời.

Sau một thời gian thực hiện chỉ thị ấy, chỉ mới đây thôi, trên mạng xã hội Facebook liên tục được các tài khoản đăng tải hình ảnh, clip trích xuất từ camera từng đàn chim sải cánh bay ngang cầu Trường Tiền hay hình ảnh cả khu vực cồn Dã Viên nằm giữa sông Hương rợp màu trắng của các loài cò tìm về trú ngụ.

Hình ảnh cò trắng trú ngụ trên cồn Dã Viên.

Cảnh đàn cò trắng bay qua cầu Trường Tiền được trích xuất ra từ camera.

Đó chính là kết quả tích cực cho sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền tỉnh, sự chung tay ủng hộ của người dân Huế về việc xây dựng vùng đất Cố đô trở thành một môi trường an toàn, đáng sống cho các loài chim tìm về di trú, làm tổ. Huế đang dần đúng với câu tục ngữ “Đất lành chim đậu” theo nghĩa đen.

Nói về câu tục ngũ “Đất lành chim đậu”, nó còn có hàm ý về sự lựa chọn nơi công tác, địa phương, tổ chức có môi trường tốt để làm việc, đầu tư và khởi nghiệp.

“Đất lành chim đậu” hay “khởi nghiệp” thời gian gần đây đã trở thành thuật ngữ lan tỏa trên nhiều diễn đàn, hội thảo mà Huế đứng ra tổ chức

Mới đây, liên quan đến khởi nghiệp, một tín hiệu vui với Huế khi tại lễ tổng kết sau 5 năm hoạt động, Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) đã có khá nhiều lời khen ngợi với tỉnh này. Đó là dù chỉ mới chính thức hợp tác chiến lược được hơn 1 năm, nhưng Thừa Thiên-Huế đã gần như bắt kịp những địa phương đi trước.

Tuy nhiên, phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn khiêm tốn chỉ ra những tồn tại mà tỉnh này còn vướng mắc: Đó là câu chuyện về vai trò của từng cá nhân từ lãnh đạo đến cấp dưới hay năng lực tư duy kinh doanh của người Huế…

Toàn cảnh buổi gặp mặt Hệ sinh thái khởi nghiệp Thừa Thiên-Huế 2020 tổ chức vào sáng ngày 15/2.

Có thể nói, việc lãnh đạo trên đồng ý, ủng hộ nhưng cán bộ cấp dưới lại thực hiện quá chậm, gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp … đã trở thành bài toán nhức nhối không chỉ với Huế mà còn với nhiều địa phương, tỉnh thành khác.

Các thủ tục hành chính thông thoáng, nhanh gọn sẽ luôn là điều mà các doanh nghiệp đang phát triển hay khởi nghiệp cần. Liên quan đến vấn đề này, tại buổi lễ, ông Phan Thiên Định quan điểm: “Mình phải bỏ qua các thứ bậc và quan hệ hành chính, để thực sự vào cuộc với một tình yêu, tình cảm và trách nhiệm cùng khởi nghiệp, với tư cách cá nhân chứ không phải nhiệm vụ chính trị nữa, thì mới có thể giúp được cho cộng đồng".

“Trải thảm đỏ” nghĩa là không chỉ lãnh đạo trên nói, chỉ đạo mà cán bộ phía dưới còn phải chung tay cùng làm, đồng hành và nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhân tài tìm về đầu tư.

Còn nhớ, tại cuộc hội thảo nhìn lại sau 10 năm thực hiện Kết luận 48 của bộ Chính trị về Xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế mới tổ chức cuối năm 2019, lãnh đạo tỉnh này đã “dũng cảm” chỉ ra những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Thừa Thiên - Huế chưa thể trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, một nguyên nhân đặc biệt đó chính là Huế thiếu doanh nghiệp lớn, thiếu cánh “sếu đầu đàn” có khả năng dẫn dắt nền kinh tế đi lên.

Một môi trường đầu tư, khởi nghiệp thông thoáng thì cũng giống như một “sân” chim an toàn, đáng sống vậy. Một khi đã thông thoáng, thuận lợi thì các nhà đầu tư, đàn chim quý sẽ tìm mọi cách để tìm về phát triển, cư trú. Giữa muôn vàn cánh chim tìm về ấy thì việc tìm ra cánh “sếu đầu đàn” chắc hẳn sẽ là điều không khó.

Và muốn sếu tìm về thì trước hết phải dựng “tổ” đẹp. Dựng một chiếc “tổ” đẹp cũng giống như tạo một môi trường đầu tư thuận lợi vậy, muốn thế thì cần phải cùng đồng lòng, chung tay của cả hệ thống từ lãnh đạo đến từng cán bộ, quyết liệt với nạn “trên rải thảm, dưới rải đinh”, để tránh phải “Đất lành chim đậu nhưng chim chưa đậu đã nhậu mất chim”…

Lê Kông

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tu-viec-hue-lap-noi-di-tru-cho-chim-nghi-ve-moi-truong-khoi-nghiep-tren-dat-co-do-a466418.html