Tư vấn và giới thiệu việc làm ở vùng nông thôn

Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ ra hướng đi phù hợp về ngành nghề, xu thế phát triển cho người học, công tác tư vấn dạy nghề và việc làm cho lao động ở huyện Phú Tân đã có sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt, với những nghề đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn đã tạo điều kiện cho lao động vùng nông thôn chủ động hơn để lựa chọn học, tạo việc làm và tăng thu nhập.

Hơn 10 năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Tân duy trì hình thức đào tạo theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ gồm nghề ngắn hạn, sơ cấp nghề; Quyết định số 1593 của UBND tỉnh, đào tạo theo đơn đặt hàng của công ty, doanh nghiệp. Đáng chú ý, mỗi năm số lao động có việc làm sau học nghề tăng tích cực. Nếu năm 2008, tỷ lệ này đạt 68,7% thì năm 2017 đã đạt đến 95,32% và năm 2018 là 89,34%.

Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Tân Hà Công Tráng khẳng định: “Tỷ lệ có việc làm sau học nghề là con số thật, vì mục tiêu việc làm hàng năm đã có sẵn, khi thẩm định bao nhiêu người đi làm, ở chỗ nào… đều có thông tin cụ thể. Bắt nhịp theo xu hướng việc làm hàng năm, trung tâm bổ sung những ngành nghề mới, phù hợp thực tế cho người dân theo học để ra nghề có việc làm, đặc biệt chú trọng những nghề sát với nguyện vọng của bà con ngay tại địa phương”. Điển hình như dạy nghề nông nghiệp, bám sát chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của huyện, trung tâm tổ chức các lớp như: trồng và thiết kế vườn, vận hành bảo trì trạm bơm phục vụ tưới tiêu, kỹ thuật phun thuốc, sửa chữa máy phun thuốc. Nghề nông nghiệp được tổ chức ra lớp còn gắn với các chương trình cho vay lãi suất thấp hoặc cho mượn vốn của các hội đoàn thể như: MTTQ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… giúp học viên có việc làm từ các nguồn vốn trên.

Các lớp học nghề dân dụng tổ chức tận địa bàn cư trú tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng cho người dân tìm việc làm

Từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Tân đã mở được 5 lớp cho 140 học viên. Ngoài thực dạy, trung tâm còn liên kết Trường Kỹ thuật nghiệp vụ giao thông - vận tải tỉnh mở lớp cho hàng trăm học viên sơ cấp lái xe và trên 1.000 học viên học bằng A1. Trong công tác tư vấn nghề, giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh, trung tâm phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh mời các công ty có tuyển dụng lao động trong và ngoài nước, Trường Cao đẳng Nghề An Giang, Trường Kỹ thuật nghiệp vụ giao thông - vận tải tư vấn cho lao động, học sinh các trường học.

Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Tân Bùi Quan Tiến cho biết, những năm trước, phụ huynh và học sinh không biết hướng học như thế nào khi thi rớt tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Công tác phân luồng chủ yếu tập trung vào đối tượng rớt, bỏ tuyển sinh lớp 10. Hiện nay, học sinh tốt nghiệp THCS có các hướng đi: tiếp tục học THPT hệ chính quy; hệ THPT không chính quy; học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, học nghề; đi làm sớm. “Chúng tôi luôn định hướng các em dù bất cứ giá nào cũng không nên đi làm sớm, mà chí ít phải có cái nghề. Những trường hợp vì hoàn cảnh khó khăn phải chọn học nghề, nay có chế độ miễn phí hoàn toàn học phí. “Cửa học” đối với học sinh THCS, THPT đã rộng mở rất nhiều, từ học sơ cấp, lớp ngắn hạn cho đến các lớp học văn hóa theo hình thức “học gởi” hoặc “học hòa nhập” với học sinh chính quy đều linh hoạt về điều kiện, địa bàn” - ông Tiến thông tin. Mặt khác, trung tâm còn phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên truyền chính sách về việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động cho đối tượng là học sinh lớp 12, bộ đội xuất ngũ, lao động đã tốt nghiệp THCS trở lên trên phạm vi toàn huyện. Qua đó đã nâng cao nhận thức của học sinh, cha mẹ học sinh, nhân dân trong việc chọn hướng học tập phù hợp.

Là huyện cù lao thuần nông, một trong những khó khăn của Phú Tân là không có doanh nghiệp lớn. Vì vậy, hướng đi của liên kết đào tạo, giới thiệu việc làm trong thời gian tới được xác định là tiếp tục tập trung tuyên truyền, cập nhật việc làm trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, đảm bảo các lớp học đúng theo nhu cầu, nguyện vọng của người dân để nâng dần chất lượng đầu ra và tỷ lệ có việc làm khả quan.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/tu-van-va-gioi-thieu-viec-lam-o-vung-nong-thon-a243440.html