Tư vấn trực tuyến: Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ cùng bác sĩ Trương Hữu Khanh

Chương trình giao lưu trực tuyến cùng Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM sẽ giúp các bậc cha mẹ giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em.

Sáng nay (15/8), Báo điện tử Phụ nữ sức khỏe tổ chức Chương trình tư vấn trực tuyến cùng bác sĩ Trương Hữu Khanh với chủ đề Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ.

Chương trình được phát sóng trực tuyến trên website Phunusuckhoe.vn và trang Fanpage Phunusuckhoe.vn.

Mời quý độc giả theo dõi và đặt câu hỏi trực tiếp về chương trình.

Biên tập viên (H): Chào bác sĩ, xin hỏi việc tiêm phòng dại liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ hay không?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Đ): Trước đây có một loại vắc – xin cổ điển gây ra một số ảnh hưởng nhất định cho sức khỏe của trẻ nhưng hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới đã loại bỏ vắc – xin đó ra khỏi danh sách tiêm chủng cho trẻ. Loại vắc – xin phòng dại cho trẻ hiện nay đã được bào chế theo một phương pháp mới và hoàn toàn không gây bất cứ tác dụng phụ nào cho sức khỏe trẻ nhỏ. Nên cha mẹ hoàn toàn có thể yên tâm cho trẻ tiêm phòng như đúng lịch.

H: Thưa bác sĩ, con nhà em năm nay 7 tuổi và đã được tiêm ngừa đầy đủ thì có cần tiêm nhắc lại hay không?

Đ: Nếu trẻ 7 tuổi thì các cha mẹ nên nhớ có 1 mũi tiêm cần phải được nhắc lại là tiêm phòng thủy đậu cho trẻ. Còn lại những mũi nhắc khác thì không cần thiết lắm.

H: Trẻ 4 tháng tuổi thì có nên tiêm viêm phế cầu hay không? Rất mong được bác sĩ giải đáp.

Đ: Mũi tiêm viêm phế cầu rất quan trọng với trẻ nhỏ. Ở các nước tiên tiến, các phụ huynh đã có thể cho trẻ tiêm viêm phế cầu miễn phí. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện tại vẫn chưa đủ khả năng chi trả nên cha mẹ phải trả phí khi tiêm cho trẻ. Đây là một mũi tiêm quan trọng cho sức khỏe của trẻ. Thời điểm tốt nhất để tiêm viêm phế cầu cho con là từ 2 tháng đến 5 tuổi. Nếu trẻ đã 4 tháng thì cha mẹ nên thu xếp để đưa con đến các cơ sở y tế để chích ngừa bởi vì vi khuẩn phế cầu sẽ gây ra nhiều bệnh ở trẻ nhỏ như viêm tai, viêm màng não, viêm phổi…Đây đều là những căn bệnh nguy hiểm và để lại nhiều di chứng cho trẻ.

H: Tôi nghe nói rằng trẻ bị sốt sau tiêm vắc – xin phòng bệnh thường bị sốt thì mới có tác dụng, vậy đây có phải là quan niệm đúng? Xin cảm ơn bác sĩ.

Đ: Quan niệm này gần đúng. Tiêm ngừa cho trẻ cũng như đi tập trận. Sau khi trẻ tiêm ngừa, cơ thể sẽ cho trẻ tiếp xúc và tự kháng lại những con vi-rút, vi khuẩn đã yếu đi hoặc xác của vi-rút, vi khuẩn đó để trẻ tập chống lại và tạo ra kháng thể cho cơ thể. Có thể nói vui rằng tập trận mà không mệt thì không thể gọi là tập trận. Vì vậy, sau khi tiêm vắc- xin trẻ có những biểu hiện sốt là cơ chế hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, sốt ít hay nhiều thì còn tùy thuộc vào sức đề kháng của trẻ và cha mẹ cần phải theo dõi con trẻ để phát hiện kịp thời những bất thường trong sức khỏe của con.

H: Chào bác sĩ, mẹ chồng cháu khuyên rằng trẻ sau tiêm bị sưng vết tiêm thì nên dùng khoai tây hoặc trứng gà để chườm lên vết tiêm cho trẻ. Điều này có đúng hay không ạ?

Đ: Đây là việc không nên và thông thường tình trạng sưng sau tiêm ngừa ở trẻ sẽ tự hết sau 24h. Nhiều phụ huynh thường đắp nóng hoặc sử dụng thuốc dán lên vết tiêm của trẻ để giảm sưng sẽ không mang lại tác dụng nào. Việc vết tiêm bị sưng là hoàn toàn bình thường, có trẻ sưng ít cũng có trẻ sẽ sưng nhiều. Cách tốt nhất là mẹ nên dùng khăn hơi dày một chút, bỏ vào đó một cục đá lạnh để chườm lên chỗ chích của trẻ sẽ giảm đau, sưng hiệu quả. Trong trường hợp trẻ bị đau nhiều và việc chườm lạnh không có tác dụng thì cha mẹ có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau.

H: Thưa bác sĩ, trẻ 9 tháng sắp đến ngày tiêm mũi sởi ở phường nhưng bé đang bị sốt nhẹ thì có đưa trẻ đi tiêm ngừa được hay không?

Đ: Một điều phụ huynh cần hết sức lưu ý đó là không cho trẻ tiêm ngừa khi đang bị sốt. Nếu đến ngày tiêm trẻ vẫn sổ thì cha mẹ nên thu xếp thời gian để trẻ đi chích lại sớm nhất có thể. Nếu trẻ chỉ bị những bệnh vặt như ho vài tiếng, sổ mũi nhẹ, đi phân hơi lỏng thì vẫn có thể cho trẻ đi tiêm bình thường.

H: Bé đã tiêm mũi sởi đơn lúc 9 tháng thì khi bé 12 tháng tuổi có tiêm được mũi 3 trong 1 phòng sởi, quai bị, Rubella không? Hay phải đợi đến lúc trẻ đủ 15 tháng mới có thể tiêm 3 trong 1? Cháu cảm ơn bác sĩ.

Đ: Trong mũi tiêm phòng sởi đơn đã bao gồm sởi và trong mũi tiêm 3 trong 1 cũng có sởi, vậy nên hai mũi tiêm trên phải cách nhau ít nhất 3 tháng. Nếu trẻ đã tiêm mũi sởi đơn lúc 9 tháng tuổi thì hoàn toàn có thể tiêm mũi 3 trong 1 lúc 12 tháng.

H: Cho em được hỏi, trẻ bị ngứa sau tiêm phòng thì có phải là triệu chứng nguy hiểm hay không và có cần uống thuốc?

Đ: Thông thường sau tiêm, mẹ sẽ ngồi lại cơ sở tiêm chủng 30 phút. Nếu trẻ xuất hiện tình trạng ngứa toàn thân hoặc nổi mề đay sau tiêm thì cha mẹ nên báo ngay cho nhân viên y tế tại đó để được thăm khám kịp thời. Còn nếu trẻ đã về nhà, mẹ có thể cho trẻ uống thuốc chống dị ứng để giảm tình trạng mẩn ngứa sau tiêm cho trẻ. Trường hợp sử dụng thuốc mà trẻ càng lúc càng mệt hơn thì cha mẹ nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

H: Thưa bác sĩ, trước khi đến ngày tiêm ngừa cho trẻ thì phụ huynh cần chăm sóc trẻ như thế nào cho hợp lý?

Đ: Nhiều bậc phụ huynh thường nghĩ rằng nên cho trẻ ăn thật no trước khi tiêm để trẻ sẽ ít bị "hành" sau tiêm. Tuy nhiên, việc đó là không cần thiết. Cha mẹ chỉ cần cho trẻ ăn uống nhẹ, tránh để trẻ bụng đói. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên lau mình cho trẻ sạch sẽ, mặc đồ thoải mái và kiểm tra nhiệt độ cho trẻ trước khi đi tiêm.

...

Hồng Ngân

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/tu-van-truc-tuyen-tiem-vac-xin-phong-benh-cho-tre-cung-bac-si-truong-huu-khanh-c13a293917.html