Tư vấn tâm lý học đường: Học sinh vẫn sợ bị rò rỉ bí mật đời tư

Học sinh chưa thực sự tin tưởng giáo viên tư vấn tâm lý, giáo viên chủ yếu là kiêm nhiệm, phòng tư vấn tâm lý học đường chưa đạt chuẩn...

Đó là những bất cập trong công tác tư vấn tâm lý học đường, đang tồn tại ở rất nhiều trường phổ thông tại TPHCM hiện nay. Nếu không có cơ chế khắc phục kịp thời thì rất khó để nâng cao chất lượng của hoạt động quan trọng này trong môi trường giáo dục.

(Ảnh minh họa: Lao Động)

TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình “Tư vấn tâm lý trường học” từ năm học 2012-2013. Thế nhưng chỉ sau vài năm thực hiện, mô hình này của ngành giáo dục – đào tạo thành phố đã bị Bộ Giáo dục – Đào tạo “tuýt còi” vì chức danh giáo viên tâm lý không có trong thông tư hướng dẫn về định biên, định mức, chức danh giáo viên trong cơ sở giáo dục công lập.

Từ đó đến nay, hoạt động tư vấn tâm lý học đường tại TPHCM vẫn duy trì, nhưng ở mức các trường tự đầu tư trong nguồn kinh phí hạn hẹp. Chính điều này đã thu hẹp sự ảnh hưởng của hoạt động đáng ra phải được đầu tư bài bản này.

Phòng ốc chưa đạt chuẩn, nhiều giáo viên tư vấn chưa đủ trình độ chuyên môn, nội dung hoạt động còn quá nghèo nàn là điều khiến đông đảo học sinh chưa thực sự đặt niềm tin vào phòng tư vấn tâm lý học đường. Nhiều học sinh tại TPHCM còn không dám bước vào phòng tâm lý khi gặp vấn đề cần hỗ trợ.

Các em sợ những bí mật của mình bị rò rỉ, sợ giáo viên tư vấn không hiểu sẽ khiến cho tình hình rối rắm hơn. Khi được hỏi sẽ làm gì nếu gặp phải rắc rối về tâm lý, đa phần học sinh đều cho biết sẽ tự xử lý hoặc tìm lời khuyên nơi bạn bè.

Một số ý kiến học sinh:

“-Đó là những vấn đề cá nhân nên mình đâu dễ gì chia sẻ với người lạ.

- Khi có vấn đề em thường hỏi bạn bè nhiều hơn. Vấn đề gì cũng hỏi bạn bè. Bạn bè thân thiết, hiểu tính cách và đồng trang lứa với em.

- Vô trong đó sẽ không ai giúp được gì cho mình cả. Mặc dù em biết là trong phòng sẽ có thầy cô tư vấn nhưng theo em nghĩ thầy cô chỉ tư vấn ở mức độ nào đó hoặc xoa dịu tâm lý giúp em bớt sợ hãi thôi chứ sự thật thì vẫn là sự thật”.

Thực tế, học sinh các cấp, nhất là học sinh ở tuổi mới lớn có không ít băn khoăn, rắc rối về tâm lý. Nhưng chính vì học sinh chưa thực sự tin tưởng nên ít khi tìm đến phòng tư vấn tâm lý nhờ hỗ trợ. Đa phần giáo viên tâm lý tại các trường chủ yếu công tác theo kiểu thời vụ hoặc kiêm nhiệm.

Với việc bố trí nhân sự chắp vá như vậy thì khó có thể đòi hỏi chuyên môn cao hoặc sự tận tâm từ phía các giáo viên tư vấn. Rồi cũng vì không được công nhận chức danh nên giáo viên tâm lý tại các trường chỉ được hưởng lương của nhân viên, một mức thu nhập không tương xứng với trình độ đào tạo. Lương thấp, hoạt động không được chú trọng đầu tư nên rất khó để các trường giữ chân giáo viên tâm lý.

Theo Tiến sĩ Lê Nguyên Phương, Nguyên chủ tịch Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường Quốc tế, đây là bất cập cần được tháo gỡ kịp thời, nếu không hoạt động tham vấn học đường sẽ rơi vào khủng hoảng.

Nhiệm vụ cấp thiết của các trường là phải tổ chức phòng tham vấn học đường đạt chuẩn. Nơi đó phải có những chuyên viên thực sự đủ năng lực để nhận diện, chẩn đoán và can thiệp các vấn đề tâm lý cho học sinh. Bằng cấp chuyên môn là yêu cầu vô cùng quan trọng, do đó giáo viên không thể tư vấn dưới dạng kiêm nhiệm được.

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương nói: “Người ở cấp cử nhân tâm lý không thể nào có khả năng để cung cấp dịch vụ chẩn đoán, nhận diện và can thiệp về mặt tâm lý cho các em học sinh. Họ cần phải được đào tạo chuyên sâu hơn. Khoảng 80% các quốc gia trên thế giới hiện nay yêu cầu người chuyên viên tư vấn tâm lý học đường phải có bằng thạc sĩ trở lên mới được hành nghề trong trường học”.

Cùng quan điểm, ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân ở quận Thủ Đức, TPHCM cho rằng tư vấn tâm lý học đường là mô hình cần được đẩy mạnh trong thời đại hiện nay. Điều các trường cần nhất bây giờ là sự thông thoáng về mặt cơ chế và tự chủ về kinh phí để đầu tư bài bản cho hoạt động này nhằm mang lại môi trường học tập, sinh hoạt tốt nhất cho học sinh.

Ông Phạm Phương Bình nói: “Về mặt định biên, biên chế nhân sự phải thực sự giao trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường. Trong đó hiệu trưởng cần được toàn quyền quyết định việc ký hợp đồng với chuyên gia tư vấn để người này có đủ trình độ cũng như yếu tố đào tạo bài bản. Bên cạnh đó, các trường cũng cần được chủ động về kinh phí để bố trí xây dựng phòng ốc, sắm trang thiết bị cũng như chi chế độ cho giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý”.

Trước thực trạng này, Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM cũng đang đề xuất công nhận chức danh giáo viên tâm lý để có thể sớm hỗ trợ các trường giải quyết phần nào những bất cập, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn tâm lý học đường./.

Mỹ Dung/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/tu-van-tam-ly-hoc-duong-hoc-sinh-van-so-bi-ro-ri-bi-mat-doi-tu-810496.vov