Tư vấn tâm lý học đường: Đừng để là tổ 'thi đua' hay bệnh 'hình thức'

Kể từ ngày 2.2, Thông tư Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh (HS) trong trường phổ thông chính thức có hiệu lực. Theo đó, các trường phổ thông phải thành lập tổ tư vấn để hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho HS.

Văn phòng tư vấn học đường Trường Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: TL

Theo đó, về nhân sự, thành phần tổ tư vấn gồm đại diện lãnh đạo nhà trường làm tổ trưởng; thành viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, đại diện cha mẹ HS và một số HS là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội.

Cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm là người có kinh nghiệm và được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý, có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường theo chương trình do Bộ GDĐT ban hành.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam Nguyễn Tùng Lâm cho rằng hoạt động tư vấn rất cần thiết, cần thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, tư vấn tâm lý học đường mang tính chất chuyên môn cao chứ không phải ai cũng làm được. Nhưng với thực tế hiện tại về tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy nhân sự thì để có một biên chế cho công việc này là rất khó khăn.

Ông Lâm thẳng thắn chỉ rõ: Với cơ cấu như Bộ GDĐT đưa ra, e ngại rằng không làm tốt sẽ giống như một tổ “thi đua”; tổ để dạy dỗ HS về tâm lý chứ không phải như một người biết lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ và đồng hành cùng các em. Vì thế, để tránh hình thức cần nâng cao vai trò, nhận thức của các hiệu trưởng nhà trường phải có ý thức vận dụng khoa học tâm lý giáo dục và phải xây dựng dần hệ thống để làm một cách bài bản, hiệu quả, tránh hình thức, đối phó cho xong chuyện.

Đồng quan điểm, TS Trần Thành Nam – chuyên gia tâm lý, giảng viên ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc không thể sắp xếp, bố trí 1 vị trí chuyên biệt cho nhà tâm lý thì không còn phương án nào khác chính là sử dụng giáo viên kiêm nhiệm. Nhưng không vì thế mà làm qua loa, sơ sài được vì tư vấn tâm lý không được phép sai. Giáo viên này phải được đào tạo bài bản và gần như là phải học lại từ đầu.

Nội dung đào tạo phải bao gồm các khối kiến thức kỹ năng sàng lọc chẩn đoán các vấn đề tâm lý xã hội; tư vấn các vấn đề phát triển lứa tuổi; các mô hình hỗ trợ tâm lý dự phòng trong trường học; sơ cứu tâm lý và hỗ trợ can thiệp khủng hoảng; cách điều phối hoạt động trong trường học và chuyển tuyến với các trường hợp nặng...

Giáo viên kiêm nhiệm phải trải qua các giờ học lý thuyết và 300 giờ thực hành tư vấn, điều phối dưới sự giám sát của các chuyên gia tâm lý học đường, tâm lý lâm sàng có uy tín đang làm việc tại cơ sở đại học được Bộ GDĐT thừa nhận. Ngoài ra, Bộ GDĐT cần có quy định cụ thể về yêu cầu chương trình đào tạo và chuẩn năng lực đầu ra cho các giáo viên tham gia học nghiệp vụ.

HUYÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/tu-van-tam-ly-hoc-duong-dung-de-la-to-thi-dua-hay-benh-hinh-thuc-590167.ldo