Tư vấn phong thủy: Tập trung vào giá trị cốt lõi

Những dự đoán, định hướng, lo ngại đang được đặt ra sau một năm Canh Tý 2020 nhiều biến động không chỉ trong phạm vi một nhà, một vùng hay một đất nước. Hướng nào tốt hướng nào kỵ, màu nào may mắn, sắc nào bất an… không còn là chủ đề chính để quan tâm về phong thủy như mọi năm. Thay vào đó, tìm kiếm hướng phát triển cho an lành qua mùa đại dịch đang là quan tâm cơ bản.

Quan hệ hài hòa với môi trường là cốt lõi giúp nếp nhà Việt phát triển bền vững.

Xét toàn diện, các chỉ dẫn về văn hóa Đông phương không chỉ để tra cứu Cát Hung ngắn hạn mà giúp tri thức đại chúng nâng cao hiểu biết hơn. Ứng dụng Dịch học thời nay đã thành cơ sở tham khảo để điều chỉnh quan niệm, ứng xử, hành vi, lối sống… sao cho hài hòa, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về nhiều mặt. Với đặc thù biểu hiện thế giới quan vũ trụ đi từ Tâm ra, mô tả quy luật của vạn vật theo hướng luôn mở và vận động, Dịch học Đông phương không đóng kín, cứng nhắc, nên những sắp đặt cố định cho phong thủy hầu như chỉ tồn tại theo thời gian nhất định. Trong vô số trường phái khác nhau, các quan điểm cơ bản nhất về Phong thủy theo triết lý Đông phương tuân thủ thứ tự sau:

Nhất vị

Là vị trí, là phương vị của chủ thể xem xét với quan hệ chung quanh, gần thì là cấu trúc ngôi nhà, xa hơn là hàng xóm, là tổng thể khu đất, quan hệ với đường sá, vùng kinh tế… Nhất Vị mang quan điểm duy vật xem mỗi người, mỗi địa điểm là duy nhất, không lặp lại, không nhập nhằng với đối tượng khác. Do vậy khi chọn đất chọn nhà, vị trí luôn là yêu cầu tiên quyết. Chọn vị đúng, vị đủ để đảm bảo an sinh, khí hậu, ổn định, rồi đến chọn vị đẹp để phát triển, kinh doanh hay tạo khác biệt. Đúng và đủ trước, đẹp và độc lạ sau, thứ tự này xác quyết tính hình thức đi với nội dung, đi từ bên trong (tâm) ra ngoài, đi từ thực chất sử dụng, không chạy theo ngoại diện mà bỏ qua công năng.

Trong chọn nhà theo Bát Trạch, la bàn chia làm 24 cung thì mỗi vị là một cung đặc thù, tương hợp với công năng cần xem xét bố trí, như đặt bếp, xếp phòng, tìm vị trí cho cửa chính hay cửa phụ, bàn thờ không trùng khu vệ sinh, phòng ngủ tránh ngay trục giao thông… là những triết lý đúng trình tự thiết kế, không thể làm nên không gian nếu không xác lập các vị trí sử dụng tương ứng, với tâm xem xét là Trung Cung của khu đất, ngôi nhà.

Nhị hướng

Được vị trí, phân khu hợp lý rồi thì mới xoay hướng phù hợp, bao gồm 2 nhóm hướng chính gắn liền bản chất văn hóa: ứng xử với môi trường tự nhiên là hướng khí hậu và hướng phương vị, còn ứng xử với môi trường xã hội là hướng mệnh trạch và hướng giao tiếp, không trọng hướng này mà khinh hướng khác, kiểu như xây nhà bám đường để kinh doanh bất chấp khoảng lùi, thiếu an toàn và chịu tiếng ồn, ô nhiễm, làm xấu cảnh quan…

Kiểu suy nghĩ “tôi hợp hướng A nên mua nhà hướng A” mà không quan tâm các quan hệ khác trong môi trường tự nhiên và xã hội dẫn đến hỗn loạn xã hội, xâm hại tự nhiên. Nhị hướng cũng là xem xét 2 khía cạnh song hành: hướng xoay về mang tính cố định và hướng trao đổi mang tính linh động.

Ví dụ các căn hộ chung cư cơ bản có 2 hướng để xem xét: hướng cửa đi ra vào căn hộ là hướng mệnh trạch và giao tiếp (không thể thay đổi), còn hướng các ban công, cửa sổ, phòng riêng, phòng khách … có thể linh động che chắn, xếp đặt tùy góc nhìn, tầng cao là thuộc nhóm hướng khí hậu và phương vị, không thể lẫn lộn. Cũng chính vì hướng linh hoạt như vậy nên xoay cửa, xoay bếp, xoay chỗ ngồi, xoay mặt giao tiếp cũng là đổi hướng, có thể điều chỉnh tùy khả năng và cấu trúc.

Quẻ Khiêm, quẻ Hằng là đặc thù bền vững và thẩm mỹ giúp không gian Việt giản dị và đề cao thực chất, giảm thiểu phô trương.

Quẻ Khiêm, quẻ Hằng là đặc thù bền vững và thẩm mỹ giúp không gian Việt giản dị và đề cao thực chất, giảm thiểu phô trương.

Tam tòng

Tòng là biết tuân theo, khả năng thuận lý của hệ không gian 3 cấp độ Môn - Táo - Chủ sao cho không nằm ngoài quy luật hài hòa tam tài Thiên - Địa - Nhân. Nhà không thể thiếu cửa và cách bố trí cửa, mở cửa (khai Môn) nhiều hay ít, mở thế nào… quyết định đến hệ thống giao thông, nạp khí, lấy gió, tầm nhìn… trong cấu trúc. Nhà với cửa thành cụm từ không chỉ nói về xây dựng, mà liên quan đến cách thức thu vén sắp xếp ăn ở. Dùng thước tầm, thước Lỗ Ban cũng chủ yếu để đo hệ cửa, chứ không phải cái gì cũng “kéo vào số tốt” do tâm lý mê tín cầu tài cầu lộc phản khoa học. Còn bếp (Táo) không chỉ đơn giản là chỗ nấu nướng. Gian bếp ấm cúng, tiện dụng luôn đặc trưng cho sinh hoạt nội bộ, phần đáp ứng nhu cầu “có thực mới vực được đạo”.

Ngay cả trong kiểu căn hộ studio nhỏ, căn hộ phòng khách sạn (condotel) cũng phải dành diện tích cho bếp, nếu thiếu Táo thì không đảm bảo đủ thành phần cơ bản. Từ chỗ đặt bếp suy ra dây chuyền công năng chung quanh, chuyện nước lửa hài hòa với nhau phải đảm bảo kỹ thuật an toàn cùng yếu tố truyền thống văn hóa, không thể xem thường.

Tòng thứ ba là theo Chủ nhân, nói cách khác mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi chủ, không thể thiết kế hàng loạt cho mọi người trừ các yếu tố cơ bản về hạ tầng và quy hoạch. Nhà theo người mà người cũng theo nhà, tránh tùy tiện cá nhân bởi phong thủy không phải “cây đũa thần” thỏa mãn những phi lý cá nhân, mà phải hòa trộn, trung dung để ngôi nhà vật lý đáp ứng được sinh lý và tâm lý của đối tượng cư ngụ trong khuôn khổ chung.

Tứ đắc

Văn hóa Việt luôn xem việc tạo dựng ngôi nhà cũng như lập gia đình. Người phụ nữ xưa cần công dung ngôn hạnh, thì xây nhà cũng phải đảm bảo các Đắc Lợi cho sự ăn ở được bền lâu. Ngôi nhà để tồn tại bền vững cần thuận quy luật Âm Dương và Ngũ Hành, trong đó Tứ Đắc cũng tương tự 4 yêu cầu của ngành kiến trúc là thích dụng, bền vững, kinh tế và thẩm mỹ.

Ứng với 64 quẻ Dịch học, có thể thấy tính thích dụng nằm trong Quẻ Thái là kết hợp Càn với Khôn: đòi hỏi thông thạo, hiểu biết, làm nhà theo quy luật giao hòa tự nhiên có trật tự phân minh thì mới đạt được nhu cầu. Quẻ Khiêm chính là ứng xử nhún nhường khôn ngoan sao cho nhà cửa tuân theo thực chất bên trong, biết đủ (tri túc) chứ không phô trương thì mới bền vững, là kết hợp giữa Cấn và Khôn trong bát quái.

Tính kinh tế nằm trong Quẻ Tiệm kết hợp giữa Cấn với Tốn: làm nhà phải theo thứ tự, cẩn trọng để không sai sót, giảm hao tốn, quản lý và kiểm soát quá trình xây dựng cũng như sử dụng. Còn yếu tố thẩm mỹ tương ứng quẻ Hằng kết hợp giữa Tốn và Chấn, nhà đẹp với gia chủ ví như đạo vợ chồng, để được xứng đôi lâu bền phải biết tôn trọng lẫn nhau, hài hòa trong ngoài (*). Cách kết hợp các quẻ này cũng là cách cha ông ta chọn hướng cất nhà không chính diện trục bắc nam hay đông tây (bị thủy - hỏa xung khắc, nắng chiếu chói chang) mà theo trục Càn Khôn Cấn Tốn để thuận hợp với địa lý - khí hậu đất Việt, cấu trúc sông ngòi và mạch nước, mạch núi tự nhiên.

Giữ gìn khoảng trống trong mỗi ngôi nhà là cách thức hô hấp hữu hiệu, Âm Dương giao hòa.

Ngũ thực

Bản chất không gian là thực thể vật chất có giới hạn chứa đựng hoạt động, không ngừng biến thiên cho dù có làm cố định đến đâu. Thuyết về Ngũ Thực (5 điều lợi ích thiết thực) dựa trên Âm Dương - Ngũ Hành nêu bật các mối quan hệ giữa các thành tố làm nên không gian cư ngụ, cụ thể là:

1. Quan hệ người với nhà, theo quy luật âm dương tương ứng, tránh thiên lệch, hiểu đặc trưng lượng và chất sẽ thay đổi.

2. Quan hệ nhà với cửa, theo quy luật âm dương đóng mở, bù trừ, chuyển hóa qua lại.

3. Quan hệ xây dựng thô và hoàn thiện tinh, theo quy luật ngũ hành, tương sinh, tương khắc không lệch về hành nào.

4. Quan hệ nước và lửa trong nhà sao cho ngũ hành phối hợp, trong âm có dương, trong dương có âm, tương hỗ mà vẫn tách biệt.

5. Quan hệ nhà và hệ động, thực vật cùng cư ngụ, theo quy luật vạn vật hướng tới âm dương hài hòa.

Lục không

Là 6 vùng chung quanh một chủ thể cư trú (khu đất, ngôi nhà, căn hộ) trong đó 4 phương chung quanh cộng với 2 mặt Thiên (bên trên) và Địa (bên dưới). Câu chuyện Thanh Long - Bạch Hổ - Huyền Vũ - Chu Tước chỉ là biểu tượng hóa để dễ hình dung cách thức mà tiền nhân quan niệm về vị thế địa lý của nơi chọn lựa cư trú.

Cụ thể, chốn đắc lợi phải nhìn ra thấy gì, dựa lưng vào đâu, trái phải, trước sau, cao thấp quan hệ thế nào… chính là giải quyết bài toán cơ bản nhất về môi trường, không thể đánh đổi mọi giá để chiếm lĩnh không gian mà thiếu chừa trước, lùi sau. Chuyện nhà cao tầng vươn lên bất kể cảnh quan, hay làm tầng hầm đào xuống thiếu quy hoạch hệ thống ngầm cũng chính là vi phạm về Lục Không.

Trong giới hạn nơi cư ngụ riêng, thì căn hộ chung cư cũng có quan hệ Lục Không như vậy, tìm căn hộ phù hợp không chỉ là tìm diện tích và tầm nhìn thỏa mãn cá nhân, mà chính là “mua” toàn bộ quan hệ về không gian chung, trên dưới, trái phải, trước sau có phù hợp với mình hay không? Chỗ đậu xe tầng hầm thế nào, khuôn viên cây xanh chung ra sao… là chuyện người mua nhà có hiểu biết thời nay phải nắm rõ.

Bản đồ địa hình, hướng gió cho thấy bố cục theo trục tây bắc - đông nam và hướng các kinh thành cổ Việt Nam đồng nhất với nhau.

Tân sửu có phải là… con trâu mới?

Tính chất Hệ Can Chi trong các nghiên cứu khoa học chuẩn xác nêu ra yếu tố đặc thù của hệ văn hóa Việt chúng ta là hệ sinh thái nông nghiệp vừa trồng trọt vừa chăn nuôi. Đây cũng là đặc trưng đất Việt ở giao điểm phương nam và đông, khác với phương bắc và tây vốn ít trồng trọt, văn hóa thiên về du mục, áp đặt chủ quan, không nhiều kinh nghiệm trong định cư lâu dài. Hệ văn hóa Việt trong thời đại dịch đã phát huy những ưu việt vốn có như tính cộng đồng và thận trọng, tính thuận tự nhiên và biết san sẻ, đùm bọc cộng đồng trong hoạn nạn, thiên tai, dịch bệnh.

Năm Tân Sửu 202, với đặc trưng can Tân là giai đoạn tự nhiên nảy sinh cái mới, biến đổi thay thế cái cũ, tính Âm, thuộc Kim, còn chi Sửu là lúc mầm sống chuẩn bị vươn ra sau thời gian ươm nảy, tính Âm, thuộc Thổ. Vì Âm thuần nên chưa tăng trưởng, Thổ tàng Kim, sinh Kim nếu có tác nhân đúng đắn. Dự báo năm Tân Sửu vì thế không đơn giản là… con trâu mới để mà “cày bừa” thiếu toan tính cẩn trọng, bất chấp hậu quả lâu dài.

Tân Sửu về Dịch học được dự báo là năm cần giữ gìn sức mạnh văn hóa truyền thống Việt, khai thác ưu điểm nội sinh, giảm bớt yếu tố ngoại lai, đi vào thực chất, tự lực tự cường, phát triển có căn cơ và bền vững nhiều hơn.

ThS-KTS Hà Anh Tuấn - Ảnh: Khánh Phương

______________

(*) Tham khảo: Kinh Dịch, Đạo của người quân tử, Nguyễn Hiến Lê và các tư liệu giải nghĩa 64 quẻ Dịch Học

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tu-van-phong-thuy-tap-trung-vao-gia-tri-cot-loi-27817.html