Tư vấn mùa thi: Có nên thay đổi ước mơ?

'Em có ước mơ trở thành bác sĩ. Tuy nhiên thời gian qua em tìm hiểu thì được biết nghề bác sĩ gặp rất nhiều rủi ro, chỉ cần những sai sót nhỏ cũng có thể để lại hậu quả lớn nên em được nhiều người khuyên đổi ngành. Vậy em có nên tiếp tục theo đuổi ước mơ hay chuyển sang một ngành học khác?'

Học sinh tham gia chương trình tư vấn - Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH

Bên cạnh băn khoăn trên, trong buổi chiều 16.3, tại ngày hội Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm Bình Dương, học sinh còn tập trung đặt câu hỏi về cơ hội việc làm, làm sao để không thất nghiệp, lựa chọn ngành nghề thế nào cho chính xác...

Đặt ra một vấn đề rất thú vị, một học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, chia sẻ: “Em có ước mơ trở thành bác sĩ. Tuy nhiên thời gian qua em tìm hiểu thì được biết nghề bác sĩ gặp rất nhiều rủi ro, chỉ cần những sai sót nhỏ cũng có thể để lại hậu quả lớn nên em được nhiều người khuyên đổi ngành. Vậy em có nên tiếp tục theo đuổi ước mơ hay chuyển sang một ngành học khác là công nghệ sinh học?”.

Thạc sĩ Vũ Đình Lê, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, nhìn nhận: “Em hãy cứ tiếp tục theo đuổi ước mơ chân chính của mình, nếu như em có đủ đam mê. Bất kỳ ngành nghề nào cũng có rủi ro, không chỉ ngành bác sĩ. Vì vậy em phải hiểu công việc, phải cố gắng hết sức để tránh những rủi ro trong nghề”.

PGS-TS Nguyễn Đình Tuyên, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thông tin thêm ngành công nghệ sinh học được ứng dụng trong đời sống như sản xuất thuốc, thức ăn, điều chế và sản xuất hóa chất công nghiệp, phát triển giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ di truyền, xét nghiệm trong y khoa hoặc giải quyết các vấn đề môi trường... Tốt nghiệp các em có thể làm việc tại các trung tâm, viện nghiên cứu, nhà máy, công ty chế biến sản xuất thực thẩm, thuốc kháng sinh...

Để giải đáp băn khoăn của học sinh Nguyễn Thị Trang, Trường THPT Tân Phước Khánh, về việc làm sao để biết nghề nào phù hợp với mình và ra trường làm sao không làm trái ngành, thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng: “Chọn cho mình một ngành học phù hợp là đặc biệt quan trọng. Các em hãy tìm hiểu ngành đó có những thuận lợi, khó khăn gì, làm công việc gì, thu nhập ra sao?... Phải có sở thích và đam mê. Đồng thời các em xem mình có đặc trưng, tính cách gì, có phù hợp với tính chất công việc đó hay không, học tốt môn nào, giá trị đích thực của ngành nghề mình chọn là gì trong 5-10 năm nữa?”.

Học sinh Ánh Nguyệt, Trường THPT Bình Phú có sở thích khá khác biệt khi muốn học ngành công nghệ ô tô, nhưng băn khoăn liệu nữ học có cơ hội việc làm không khi ngành này dành cho nam? PGS-TS Nguyễn Đình Tuyên khẳng định giới tính nữ không gây cản trở gì khi học và làm việc trong ngành ô tô. Vẫn có những công việc nhẹ nhàng hơn dành cho nữ, tùy vào tính chất và vị trí công việc.

Còn Nguyễn Thúy Nga, Trường THPT An Mỹ, thắc mắc học CĐ xong liên thông ĐH thì bằng liên thông đó có khác biệt với bằng ĐH không? Làm thế nào để mình không rơi vào tình trạng thất nghiệp? Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, giải đáp ra trường có việc làm hay không, không chỉ phụ thuộc vào trường ĐH mà phụ thuộc vào chính các em, nên phải có cái nhìn tích cực và toàn diện hơn.

“Bằng ĐH liên thông từ CĐ không khác với bằng ĐH, nhưng hình thức ghi trên bằng sẽ có bằng chính quy và vừa làm vừa học. Tuy nhiên thời gian tới luật Giáo dục sẽ không phân biệt hình thức chính quy hay vừa làm vừa học nữa. Hướng đến chất lượng như nhau, nên cơ hội việc làm là như nhau”, thạc sĩ Hạp chia sẻ thêm.

Mỹ Quyên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/tu-van-mua-thi-co-nen-thay-doi-uoc-mo-1061344.html