Tư vấn đối thoại

Tính trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng phụ cấp thâm niênQuý báo cho tôi hỏi, trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu, chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu sẽ được tính thế nào? Quyền lợi của những người thuộc diện hưởng trợ cấp nhưng đã qua đời được xử lý ra sao?NGUYỄN THANH HÀ (Bắc Giang)

Trả lời:

Điều 4 Nghị định số 14/2020/NĐ-CP ngày 24-1-2020 của Chính phủ quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu (có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3-2020) như sau:

1. Mức trợ cấp một lần bằng tiền, được tính: Số tiền trợ cấp = (lương hưu tháng x 10%) x số năm được tính trợ cấp

Trong đó:

a) Lương hưu tháng là mức lương hưu của tháng tại thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành;

b) Số năm được tính trợ cấp là tổng thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành trong các cơ sở giáo dục, thời gian tham gia giảng dạy ở các lớp học được tổ chức tại các đơn vị thanh niên xung phong, nếu không liên tục thì được cộng dồn, không gồm thời gian đã hưởng phụ cấp thâm niên của lực lượng vũ trang và phụ cấp thâm niên của các ngành khác (nếu có) trong lương hưu.

Tháng lẻ từ 3 tháng đến 6 tháng được tính tròn là nửa năm; từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng được tính tròn là 1 năm.

2. Trường hợp nhà giáo đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo quy định tại Nghị định này, chưa được giải quyết chế độ mà từ trần từ ngày 1-1-2012 trở về sau thì đại diện theo ủy quyền của thân nhân người từ trần (bao gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, con đẻ, con nuôi của người từ trần) làm hồ sơ và nhận chế độ trợ cấp theo quy định. Người đại diện theo ủy quyền của thân nhân nhà giáo đã từ trần chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ và khoản tiền trợ cấp nhận được.

Chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn trên đường đi làm về

Em tôi có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Mới đây, trên đường đi làm về, em tôi bị ngã xe, gây gãy xương đùi. Vậy trường hợp này có được hưởng chế độ tai nạn lao động? Cần có những thủ tục, hồ sơ gì để được giải quyết chế độ?

HOÀNG MẠNH HẢI (Thanh Hóa)

Trả lời:

Điểm c Khoản 1 và Khoản 2 Điều 45 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định: Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý; Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn.

Điều 104 Luật BHXH (sửa đổi) quy định hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động bao gồm:

- Sổ BHXH.

- Biên bản điều tra tai nạn lao động, trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì phải có thêm biên bản tai nạn giao thông hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông.

- Giấy ra viện sau khi đã điều trị tai nạn lao động.

- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.

- Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động.

Điều 106 Luật BHXH (sửa đổi) quy định:

- Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH theo quy định tại Điều 104 của Luật này.

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Như vậy, trường hợp người thân của bạn, sau khi điều trị ổn định vết thương và thực hiện khám giám định mức suy giảm khả năng lao động mà có kết luận suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì cần nộp hồ sơ theo quy định nêu trên cho đơn vị nơi công tác để đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/bhxh-va-cuoc-song/item/43533102-tu-van-doi-thoai.html