Từ ưu tiên đến tự hào

Trong bối cảnh các hoạt động giao thương kinh tế quốc tế bị gián đoạn do dịch Covid-19, Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' đã và đang trở thành đòn bẩy góp phần đưa thị trường trong nước vươn lên thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế.

Đó là nhận định của Bộ Công Thương khi nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm so với cùng kỳ thì bán lẻ hàng hóa tại Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm tuy giảm 1,78% so với cùng kỳ năm 2019 do các dịch vụ du lịch, hàng không trên toàn cầu bị đình trệ, nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Thực tế, sau hơn 10 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng sốt giá, thiếu hàng.

Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước và hệ thống siêu thị nước ngoài tại Việt Nam duy trì ở mức cao, từ 80% - 95%; tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước.

Nhiều chuyên gia kinh tế phân tích, kết quả trên là nhờ Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2020 đã chuyển hướng mạnh mẽ vào các doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, những đơn vị trực tiếp sản xuất, cung ứng các sản phẩm dịch vụ Việt Nam đến người tiêu dùng. Thông qua các hoạt động kết nối trực tiếp giữa người tiêu dùng với sản phẩm, dịch vụ Việt Nam; kết nối giữa nhà sản xuất và nhà phân phối; giữa doanh nghiệp và nhà quản lý..., chương trình đã kết nối thành công người Việt với hàng Việt.

Tuy nhiên, các nhà quản lý cảnh báo, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đặc biệt là hàng nhập lậu không xuất xứ nhưng giả nhãn mác hàng hóa Việt Nam đang đe dọa thành quả cuộc vận động. Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp xử lý, nhưng hàng giả, hàng nhái vẫn xảy ra ngày càng tinh vi, lĩnh vực ngày càng rộng...

Nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” góp phần phục hồi nhanh và phát triển nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 đang là vấn đề được Bộ Chính trị, Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, các Bộ, ngành đặc biệt chú trọng.

Giải pháp nào để đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, đưa hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến với người tiêu dùng nhiều hơn? Câu hỏi đang được các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý cùng nhau bàn thảo, đề xuất.

Muốn vậy, doanh nghiệp trong nước cần nỗ lực làm chủ nguyên liệu, phụ liệu, vật tư đầu vào, khắc phục tình trạng phụ thuộc nguồn cung từ nước ngoài. Mặt khác, hàng Việt Nam cần đi theo hướng giá cả hợp lý nhưng chất lượng cao. Doanh nghiệp cần cam kết chất lượng sản phẩm từ đầu đến cuối chứ đừng để tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”.

Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và hàng hóa nước ngoài mượn nhãn hiệu Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Để tiếp tục phát huy sức mạnh của hàng Việt trên thị trường nội địa, Bộ Công Thương cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, quảng bá cho các sản phẩm Việt, giúp người tiêu dùng biết đến các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ uy tín, có chất lượng, các sản phẩm mới, các sản vật vùng miền..., để người tiêu dùng ưu tiên đến tự hào về hàng Việt Nam.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tu-uu-tien-den-tu-hao-post431528.html