Tư tưởng 'người Việt dùng hàng Việt' trong lịch sử

Trải qua hơn ba thập kỷ đổi mới và hội nhập quốc tế, nhất là trong 10 năm trở lại đây, tư tưởng 'Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam' với rất nhiều giá trị và ý nghĩa lớn lao đã trở nên quen thuộc trong đời sống. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, từ nhiều thế kỷ trước, ông cha ta đã đi tiên phong trong vận động đồng bào dùng hàng Việt, giảm phụ thuộc ngoại bang, góp phần phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Một trong những con tàu của “Chúa sông Bắc Kỳ” Bạch Thái Bưởi xuất phát từ Nam Định

Một trong những con tàu của “Chúa sông Bắc Kỳ” Bạch Thái Bưởi xuất phát từ Nam Định

Từ mệnh lệnh của vị danh tướng nhà Trần...

Trong lịch sử nước Việt, hầu hết chúng ta biết đến Trần Khánh Dư với tư cách là một danh tướng, góp phần quan trọng giúp nhà Trần - triều đại phong kiến hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc - ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông, đế quốc hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ. Chiến công phá tan đoàn thuyền lương của giặc trên vùng biển Vân Đồn cùng với việc giữ vững vùng Đông Bắc của Tổ quốc đã đưa tên tuổi Trần Khánh Dư trở thành một trong những danh tướng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của đất nước ta. Nhưng ít ai biết rằng, trên phương diện một công dân, Trần Khánh Dư là người chăm chỉ, có thể làm bất cứ nghề gì để sống, cả lúc sa cơ, thất thế cũng như khi quyền cao, chức trọng với một tư tưởng kinh tế rất đáng khâm phục.

Được vua Trần giao trấn giữ thương cảng Vân Đồn, đề phòng âm mưu xâm lược và do thám của giặc, ông nhận thấy người Việt ở đây dường như quá phụ thuộc vào hàng hóa ngoại quốc, đặc biệt là khách phương Bắc. Nhiều đồ dùng như quần áo, mũ nón đều do thuyền buôn của người Hán đưa vào, bởi vậy vừa góp phần làm giàu cho ngoại bang, lại thiếu bản sắc dân tộc. Với lòng tự tôn của người Việt và tinh thần cảnh giác cao, ngăn ngừa gian tế trà trộn, Trần Khánh Dư đã ban hành mệnh lệnh: “Quân đóng ở Vân Đồn là để ngăn giữ giặc Hồ; nên không đội nón của phương Bắc, trong khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma Lôi, ai trái lệnh tất phải phạt”. Nón Ma Lôi là sản phẩm có tiếng của một làng nghề truyền thống cùng tên thuộc Hồng Lộ (Hải Dương ngày nay). Vậy là theo lệnh của ông, người dân trong vùng đã tranh nhau mua nón Ma Lôi, đánh dấu bước thay đổi thói quen, trang phục...

Xung quanh câu chuyện này có rất nhiều ý kiến tỏ ra chê trách ông, thậm chí quy tội Trần Khánh Dư là một “nhà đầu cơ”, tham lam tìm cách kiếm lời. Không loại trừ những điều tiếng này xuất phát từ các nhà buôn phương Bắc bị mất nguồn thu, cố tình tìm cách bêu riếu ông. Tuy nhiên ngày nay, một số nhà nghiên cứu đã có cái nhìn khác, đánh giá đây là tư tưởng tiến bộ, từ đó có thể khẳng định ông là người đi tiên phong trong vận động “người Việt dùng hàng Việt”.

Trần Khánh Dư mất năm 1340. Ngày nay, ở bến Đình thuộc xã Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh), hàng năm người dân đều tổ chức lễ hội Quan Lạn tưởng nhớ chiến thắng Vân Đồn gắn với công lao của ông. Nên chăng, trong lễ hội này, cơ quan văn hóa và công thương tỉnh Quảng Ninh có thêm một nghi lễ tôn vinh tư tưởng “người Việt dùng hàng Việt” của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư?

... đến phong trào Duy Tân và quyết tâm lớn của nhà tư sản dân tộc

Đầu thế kỷ XX, những năm 1906 - 1908, phong trào Duy Tân do nhà chí sỹ Phan Chu Trinh khởi xướng nổi lên là một hiện tượng chính trị có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Phải khẳng định đây là phong trào có rất nhiều tư tưởng tiến bộ như kêu gọi toàn dân nâng cao dân trí, cải tổ xã hội về mọi mặt gồm kinh tế, giáo dục và văn hóa..., từ đó tăng sự tự cường của dân tộc Việt để yêu cầu thực dân Pháp từng bước phải nhượng bộ quyền độc lập cho đất nước. Tại phần “Hậu dân sinh”, nội dung thứ ba của tư tưởng Duy Tân, đáng chú ý có quan điểm về kinh tế, đó là: “Khuyến khích dân học nghề nghiệp, khai hoang làm vườn, lập hội buôn và sản xuất hàng nội hóa”. Tư tưởng này phần nào gắn với ý thức đoàn kết toàn dân, hỗ trợ sản xuất, phát triển công thương do người Việt thực hiện, cũng như khuyến khích tiêu dùng nội địa, có thể hiểu là khuyến khích “Người Việt dùng hàng Việt”. Đáng tiếc là phong trào này sớm bị thực dân Pháp đàn áp ngay sau đó...

Tư tưởng “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” của các nhà chí sỹ phong trào Duy Tân không lâu sau đó được một nhà tư sản dân tộc, doanh nhân Bạch Thái Bưởi, kế thừa và làm sáng rõ thêm bằng thực tiễn kinh doanh của cá nhân ông. Là một nhà buôn biết nắm bắt thời cơ kinh doanh, vào đầu thế kỷ XX, Bạch Thái Bưởi đã sớm vươn lên là một ngôi sao sáng trên thương trường Việt Nam vốn bị các nhà tư bản thực dân và ngoại bang chèn ép. Với quyết tâm làm những điều chưa ai dám làm cũng như tin tưởng lớn vào sự thành công của người Việt trong kinh doanh, ông dấn thân vào lĩnh vực vận tải đường sông, vốn bị coi là cấm kị với người dân xứ thuộc địa An Nam.

Khởi đầu bằng việc thuê lại 3 chiếc tàu của một hãng buôn Pháp để vận chuyển khách hai tuyến đường sông Hà Nội - Nam Định và Vinh - Nam Định, ông đối mặt với hai đối thủ nặng ký nhất là chủ tàu người Pháp và người Hoa. Để tăng sức cạnh tranh với những đối thủ lớn, có tiềm lực và ưu thế hơn hẳn, bên cạnh việc đưa ra giá vé hợp lý, Bạch Thái Bưởi chọn một “vũ khí” mà các hãng tàu ngoại không thể có, đó là tinh thần tương thân tương ái của người Việt. Ông tự nhủ, mình là người Việt Nam, kinh doanh trên đất nước mình, phục vụ cho đồng bào, người dân mình thì chắc chắn sẽ được khách hàng nội địa ủng hộ. Bởi vậy, Bạch Thái Bưởi đã quyết định đổi tên các con tàu của hãng thành tên các anh hùng dân tộc như Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi… hay các địa danh lịch sử như: Bạch Đằng, Lạc Long, Hồng Bàng… Không chỉ vậy, ông còn tổ chức các đoàn diễn thuyết, quảng bá ưu thế tàu Việt tại các bến thuyền với khẩu hiệu “Người Việt Nam đi tàu Việt Nam”, kêu gọi tinh thần dân tộc, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, nêu rõ mục đích sẽ dùng một phần lợi nhuận để người Việt giúp đỡ nhau, từng bước chấn hưng kinh tế đất nước.

Chỉ sau một thời gian ngắn, khách hàng dần bỏ đi tàu của người Pháp, người Hoa, chuyển sang đi tàu của hãng vận tải nội địa trước sự tức tối nhưng đành phải cam chịu của các chủ hãng ngoại. Dần dà, Bạch Thái Bưởi mua thêm tàu, thâu tóm các đối thủ cạnh tranh và hãng tàu của ông ngày càng lớn mạnh hơn. Năm 1919, doanh nhân Bạch Thái Bưởi cho hạ thủy tàu Bình Chuẩn - chiếc tàu đầu tiên hoàn toàn do người Việt thiết kế và đóng mới, phục vụ tuyến đường thủy Hải Phòng - Sài Gòn trong sự khâm phục của chính quyền thuộc địa. Đây được coi là niềm tự hào của giới tư sản dân tộc Việt Nam thời kỳ này, đưa tên tuổi doanh nhân Bạch Thái Bưởi lên một tầm cao mới với danh xưng “Chúa sông Bắc Kỳ”. Khẩu hiệu “Người Việt Nam đi tàu Việt Nam” cũng góp phần thắt chặt tình đoàn kết, nghĩa đồng bào, khơi dậy lòng yêu nước trong giới công thương và người dân thành thị, khởi xướng một xu hướng kinh doanh phục vụ dân sinh và quốc dân ý nghĩa cho các nhà công thương Việt Nam khác cùng học tập, noi theo.

Để minh chứng cho hành động vị quốc dân, đồng bào của một doanh nhân yêu nước, Bạch Thái Bưởi sau đó đã dùng một phần lợi nhuận thu được đầu tư vào lĩnh vực mở mang dân trí, khai hóa văn minh cho người Việt. Năm 1921, tờ “Khai hóa Nhật báo” do ông đầu tư ra đời với tôn chỉ: “Một là, giúp đồng bào ta tự khai hóa, dạy bảo lẫn nhau…, mở mang con đường thực nghiệp. Hai là, giãi bày cùng chính quyền bảo hộ những yêu cầu thiết thực, chính đáng của quốc dân…”. Ấn phẩm này được in ấn tại hệ thống nhà in tiên tiến do chính Bạch Thái Bưởi xây dựng.

Bài học về những thành công của Bạch Thái Bưởi, người được coi là doanh nhân đi đầu trong khởi xướng và thực hiện tư tưởng “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” không chỉ có ý nghĩa sâu sắc về mặt kinh tế mà còn tạo nên giá trị văn hóa lớn, cổ vũ tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, chia sẻ, đồng hành của người Việt trong kỷ nguyên vươn tới sự thịnh vượng hôm nay.

Những ngày này, hình ảnh đoàn ô tô VinFast khỏe khoắn và sang trọng không hề kém các thương hiệu xe hơi hàng đầu thế giới diễu hành từ phương Nam đến cực Bắc của đất nước có thể coi là biểu tượng cho tư tưởng “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” thời kỳ mới. Mong rằng ngày càng có thêm nhiều thương hiệu Việt chất lượng để người Việt Nam lựa chọn, và đất nước có thêm nhiều doanh nhân thành đạt, làm giàu cho quê hương trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển, vì một nước Việt hùng cường.

Phan Việt Hùng

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/doanh-nghiep/tu-tuong-nguoi-viet-dung-hang-viet-trong-lich-su-120206.html