Tư tưởng Hồ Chí Minh về tính tự chủ của nền kinh tế

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn vốn, khoa học công nghệ, phát triển thị trường phải trên cơ sở phát huy nội lực: 'Nếu tự mình không có thực lực kinh tế làm nền tảng thì không thể nói đến hợp tác hay giao thương'.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

“Độc lập, tự chủ” là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán trong cuộc đời hoạt động Cách mạng sôi nổi, nhiệt huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ chính trị, ngoại giao cho tới kinh tế, văn hóa. Trong đó, tính tự chủ của nền kinh tế là một “hằng số” được Người nâng lên thành lý luận, trở thành kim chỉ nam chỉ đạo mọi hoạt động xây dựng đất nước.

Trước khi nói đến hợp tác quốc tế, Người đặc biệt coi trọng xây dựng một nền kinh tế có khả năng thỏa mãn mọi nhu cầu của nhân dân. Người giải thích rất rõ: Nền kinh tế mang tính tự chủ có hai chân là công nghiệp và nông nghiệp, nếu hai chân không đều nhau, không thể lớn mạnh được.

Nông nghiệp phải phát triển mạnh để cung cấp đủ lương thực cho nhân dân; cung cấp đủ nguyên liệu bông, mía, chè cho nhà máy, cung cấp đủ nông sản lạc, đỗ, đay... để xuất khẩu đổi lấy máy móc.

Công nghiệp phải phát triển mạnh để cung cấp đủ hàng tiêu dùng cần thiết cho nhân dân, trước hết là cho nông dân; cung cấp máy bơm nước, phân hóa học, thuốc trừ sâu... để đẩy mạnh nông nghiệp; và cung cấp máy cày, máy bừa cho các hợp tác xã nông nghiệp. Công nghiệp phát triển thì nông nghiệp mới phát triển. Cho nên công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai chân đi khỏe và đi đều thì tiến bước sẽ nhanh và nhanh chóng đi đến mục đích.

Vế thứ ba: thương nghiệp, theo Người, là cái cầu nối giữa công nghiệp và nông nghiệp. Người nói: “Trong nền kinh tế quốc dân có ba mặt quan trọng: nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp. Ba mặt công tác quan hệ mật thiết với nhau, và hỗ trợ nhau. Thương nghiệp là cái khâu giữa nông nghiệp và công nghiệp. Nếu thương nghiệp bị đứt thì không liên kết được nông nghiệp với công nghiệp. Công tác thương nghiệp không chạy thì hoạt động nông nghiệp, công nghiệp sẽ bị rời rạc”.

Sau giải phóng miền Bắc năm 1954, bên cạnh hoạt động đấu tranh thống nhất nước nhà, dấu chân Người luôn in dấu trên các các công trình lớn của đất nước như Khu công nghiệp Việt Trì, Khu Gang thép Thái Nguyên, Công trình Đại thủy nông Bắc Hưng Hải… Ngày 8/6/1959, Người đến thăm Khu Gang thép Thái Nguyên. Nói chuyện với cán bộ, công nhân, Người phân tích mọi người cần nhận rõ trách nhiệm làm chủ nước nhà, làm chủ nhà máy.

Trước đó, từ ngày 20/9/1958 đến 20/2/1959 Người 4 lần về thăm Công trình Đại thủy nông Bắc Hưng Hải. Lần nào nói chuyện với với cán bộ, công nhân và dân công, Người cũng nhấn mạnh ý nghĩa của công trình đối với sự tự chủ trong sản xuất nông nghiệp.

Đối với ngành thương nghiệp, Người yêu cầu các cấp, các ngành phải quan tâm và có trách nhiệm giúp đỡ, phối hợp hoạt động với ngành thương nghiệp. Có như vậy, ngành thương nghiệp mới có thể đáp ứng nhiều nhất cho sự nghiệp công nghiệp hóa. Đối với các cơ sở sản xuất, Người yêu cầu người sản xuất phải nâng cao chất lượng hàng hóa, phải bảo đảm chất lượng sản phẩm khi giao cho thương nghiệp để đưa vào phân phối.

Phát triển vững mạnh công nghiệp, nông nghiệp và thương nghiệp sẽ giúp nền kinh tế tự chủ, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân và nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất. Trên cở sở tự chủ, Người chỉ đạo mở rộng hợp tác quốc tế “Trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên cùng có lợi, Việt Nam sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao và thương mại với tất cả các nước”.

Người cũng cho rằng, hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn vốn, khoa học công nghệ, phát triển thị trường phải trên cơ sở phát huy nội lực: “Nếu tự mình không có thực lực kinh tế làm nền tảng thì không thể nói đến hợp tác hay giao thương”.

Nguyễn Văn

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-tinh-tu-chu-cua-nen-kinh-te-78899.htm