Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước có ý nghĩa to lớn

Ngày 11/6/1948, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra 'Lời kêu gọi thi đua ái quốc' nhằm huy động sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến.

Hạ sỹ Phạm Ngọc Cương, lá cờ đầu trong phong trào thi đua chiến sỹ 'Ba nhất', Đại đội 3 (Sư đoàn 304) cùng các chiến sỹ 'Ba nhất' ôn tập bài mục trên sa bàn thao trường. (Ảnh: Đinh Quang Thành/TTXVN)

Hạ sỹ Phạm Ngọc Cương, lá cờ đầu trong phong trào thi đua chiến sỹ 'Ba nhất', Đại đội 3 (Sư đoàn 304) cùng các chiến sỹ 'Ba nhất' ôn tập bài mục trên sa bàn thao trường. (Ảnh: Đinh Quang Thành/TTXVN)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước có ý nghĩa to lớn trong việc chỉ đạo, định hướng, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, không quản hy sinh gian khổ, sẵn sàng đem hết trí tuệ, sức lực phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau

Cách đây 73 năm, ngày 11/6/1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nhằm huy động sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Trong lời kêu gọi, Người nhấn mạnh: “Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau... Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sỹ đấu tranh trên mặt trận, quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa” (1).

Mục đích của thi đua ái quốc là nhằm đem lại hạnh phúc cho nhân dân, để “toàn dân đủ ăn mặc, toàn dân biết đọc, biết viết, toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt giặc ngoại xâm, toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn” (2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất” (3).

Quan điểm ấy chính là động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng, gắn liền với sự phát triển của dân tộc. Có thể thấy, quan điểm thi đua là yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trên nền tảng truyền thống của lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam, đó là lòng yêu nước, ý chí quật cường của con người Việt Nam.

Người đã lấy thi đua làm động lực phát huy lòng yêu nước, qua phong trào thi đua bồi dưỡng, nâng cao lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng những hành động cụ thể trong lao động sản xuất và chiến đấu. Ngược lại, lấy lòng yêu nước thúc đẩy phong trào thi đua.

Về cách tổ chức phong trào thi đua yêu nước, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phải dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: hạnh phúc cho dân”; các phong trào thi đua yêu nước cần phải đa dạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự giác, sáng tạo và sức lực của các tầng lớp nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng.

Về phương châm thi đua yêu nước, Người chỉ rõ: “thi đua chứ không phải ganh đua” nên cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao. “giúp đỡ những người và những nhóm còn kém theo kịp mức cao hiện nay”; thi đua phải gắn liền với công tác khen thưởng; khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua; khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục.

Cùng với việc ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, ngày 1/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 195-SL về việc thành lập Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương và Ban vận động thi đua ái quốc các cấp.

Trong quá trình phong trào thi đua ái quốc được phát động, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo sát từng bước đi của phong trào. Người nhấn mạnh: “Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích cổ động, xem xét kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người) trong lúc thi đua phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi” (4).

Góp phần quan trọng vào xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đem lại ấm no, hạnh phúc và độc lập tự do cho dân, đó là niềm khát vọng lớn nhất của mỗi người dân Việt Nam. Vì thế, phong trào thi đua đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng.

Ngay từ những ngày đầu phát động, phong trào đã diễn ra sôi nổi, lan rộng khắp cả nước, với nhiều phong trào cụ thể như “Tăng gia sản xuất và tiết kiệm,” “Ba đảm đang,” “Ba sẵn sàng,” “Năm xung phong”…

Chiếc máy cày của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng cho HTX Đại Phong (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), nơi khởi nguồn phong trào thi đua Gió Đại Phong trong nông nghiệp, thực hiện luống cày đầu tiên (tháng 6/1961) trước sự vui mừng của bà con xã viên. (Ảnh: Văn Thượng/TTXVN)

Nhờ đó đã đưa nước ta từng bước vượt qua những khó khăn trước mắt, nạn đói, nạn dốt dần được đẩy lùi, bước đầu đảm bảo những điều kiện vật chất cần thiết phục vụ cho kháng chiến.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều phong trào thi đua yêu nước gây tiếng vang lớn, mang lại nhiều thành tích nổi bật, đóng góp cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, như phong trào "Hũ gạo kháng chiến," phong trào "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm," Thanh niên “Ba sẵn sàng," Phụ nữ “Ba đảm đang," “Gió Đại Phong,” “Sóng Duyên Hải,” “Cờ Ba nhất,” “Trống Bắc Lý"...

Bước vào thời kỳ đổi mới, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước, các ngành, các cấp đã triển khai nhiều phong trào thi đua lớn, như: "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi," "Thanh niên lập nghiệp," "Ðền ơn đáp nghĩa," "Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu"...

Các phong trào có vai trò quan trọng để cả dân tộc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường hội nhập quốc tế.

Ngày nay, nhiều phong trào thi đua hiệu quả, thiết thực tiếp tục góp phần vào công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế như: "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới", mô hình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), mô hình "Xây dựng khu nông thôn mới kiểu mẫu", Phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau", Phong trào "Doanh nghiệp hội nhập và phát triển"…

Cùng với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước có ý nghĩa to lớn trong việc chỉ đạo, định hướng các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng; lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, không quản hy sinh gian khổ, sẵn sàng đem hết trí tuệ, sức lực phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

(1), (2): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5,tr. 444
(3), (4): Sđd, tập 6, tr. 270

Chiếc máy cày của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng cho Hợp tác xã Đại Phong (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), nơi khởi nguồn phong trào thi đua "Gió Đại Phong" trong nông nghiệp, thực hiện luống cày đầu tiên (tháng 6/1961) trước sự vui mừng của bà con xã viên. (Ảnh: Văn Thượng/TTXVN)

Phong trào thi đua chiến sỹ Ba nhất (giỏi nhất, nhiều nhất, đều nhất) xuất phát từ hội thi pháo binh toàn quân ở Đại đội 2 pháo 75mm, Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 68, Sư đoàn 304 (18/6/1960). Từ đó, phong trào đã được các đơn vị trong toàn quân, trước hết là các đơn vị pháo binh quan tâm theo dõi, học tập. Ba nhất được nêu lên như một khẩu hiệu hành động có sức hấp dẫn mạnh mẽ, cổ vũ mọi người trong đơn vị hăng say thi đua sáng tạo lập thành tích xuất sắc. Trong ảnh: Hạ sỹ Phạm Ngọc Cương, lá cờ đầu trong phong trào thi đua chiến sỹ "Ba nhất”, Đại đội 3 (Sư đoàn 304) cùng các chiến sỹ Ba nhất ôn tập bài mục trên sa bàn thao trường. (Ảnh: Đinh Quang Thành/TTXVN)

Từ cuối năm 1960, Trường Phổ thông cấp II Bắc Lý (Hà Nam) là lá cờ đầu của ngành Giáo dục trong thực hiện phương châm Học phải đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội. Đây là nơi khởi nguồn của phong trào thi đua Hai tốt (Dạy thật tốt và học thật tốt). Phong trào thi đua Trống Bắc Lý đã nhanh chóng trở thành một trong các phong trào thi đua tiêu biểu của ngành giáo dục giai đoạn bấy giờ. (Ảnh: TTXVN)

Thanh niên xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội ký tên tham gia tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm (10/1961). (Ảnh Thùy Mỵ/TTXVN)

Lao động trong ngày khởi công xây dựng hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. (Ảnh: Hữu Ngôi/TTXVN)

Với tinh thần Sản xuất Đông Xuân, tiến quân như Phù Đổng, thanh niên thị xã Ninh Bình đã lao động trong 1 ngày, vớt bèo và xúc bùn để làm 14 tấn phân xanh (1960). (Ảnh: TTXVN)

Lớp học Diệt giặc dốt cấp tốc trong giờ nghỉ trên thao trường của bộ đội và dân quân tự vệ. (Ảnh: TTXVN)

Một lớp Bình dân học vụ ở Hà Nội những ngày đầu độc lập. Bình dân học vụ là phong trào xóa nạn mù chữ trong toàn dân, được Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động ngày 8/9/1945, ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập, nhằm giải quyết giặc dốt - một trong các vấn đề cấp bách nhất của đất nước thời gian đó. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội anh hùng, chiến sỹ thi đua lần thứ IV (1966). (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với Anh hùng Lao động Nguyễn Phúc Đồng (ngành Quân giới) và nữ anh hùng Nguyễn Thị Năm (dệt Nam Định) trong buổi họp mặt các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua Công-Nông-Binh toàn quốc lần thứ II tại Hà Nội (7/7/1958). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội 3 sẵn sàng chống Mỹ, cứu nước của Đoàn các cơ quan trung ương. (Ảnh: TTXVN)

Lời Kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (trái) và Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Sinh viên Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định thể hiện tinh thần quyết tâm trước khi lên đường đến tâm dịch tỉnh Bắc Giang để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)

Đoàn viên thanh niên Quận 7 (TP Hồ Chí Minh) thực hiện thu gom ve chai gây quỹ ủng hộ kinh phí mua vaccine COVID-19. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký động viên đoàn y, bác sỹ lên đường hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch. (Ảnh: TTXVN phát)

Đoàn chi viện cho tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch COVID-19 là các bác sỹ, điều dưỡng...tại các Bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: TTXVN)

Đội ngũ tình nguyện viên chuyển thực phẩm từ các nhà tài trợ mang đến phát cho người dân tại xã Mão Điền (Bắc Ninh) đang thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Công an tỉnh Hải Dương tiếp nhận ủng hộ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Hội doanh nhân trẻ Hải Phòng. (Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN)

Đoàn viên, thanh niên Trường Cao đẳng Y tế Sơn La tham gia hiến máu tình nguyện hưởng ứng Ngày hội hiến máu với chủ đề Hiến máu an toàn - Phòng chống dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Chị Thủy và cùng bạn bè tại Hà Nội bán nông sản, tiêu thụ giúp nông dân Hải Dương bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế tặng 1 tấn gạo thực phẩm ủng hộ các chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch COVID-19. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh (giữa) tiếp nhận kinh phí ủng hộ mua vaccine phòng, chống COVID-19 từ đại diện các doanh nghiệp, tổ chức (3/6/2021). (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Các sinh viên tình nguyện thuộc đội hình Gia sư áo xanh dạy học miễn phí cho học sinh nghèo tại phường Thảo Điền (thành phố Thủ Đức). (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Đoàn viên Công đoàn ngành giáo dục tỉnh Thái Nguyên chuyển quà cho huyện Phú Bình phòng chống COVID-19. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu nhắn tin tới tổng đài 1408 để ủng hộ chương trình tại Lễ phát động nhắn tin Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Công đoàn Viên chức Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức (3/6/2021). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Nam đã tổ chức trao 200 suất quà Tết Tân Sửu 2021 của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho công nhân lao động tỉnh Quảng Nam có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và công nhân gặp khó khăn do bão lũ, thiên tai gây ra. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Người dân cắt tóc miễn phí tại Phiên chợ không đồng tổ chức tại Trung tâm bảo tồn di tích Hội An (Quảng Nam). (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)

Các đại biểu đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung theo lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre tại Hội nghị Tổng kết một năm thực hiện vận động, quản lý và sử dụng Quỹ Vì người nghèo và Phát động tháng cao điểm Vì người nghèo năm 2020 của tỉnh (21/10/2020). (Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Chương trình Cả nước chung tay vì người nghèo năm 2020 (17/10/2020). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Những người tình nguyện đi xây cầu tham dự giao lưu tại Chương trình Cả nước chung tay vì người nghèo năm 2020 (17/10/2020). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Minh Hiếu (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-thi-dua-yeu-nuoc-co-y-nghia-to-lon/718907.vnp