Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân

Phát huy dân chủ là một khía cạnh biểu hiện ý thức tôn trọng nhân dân. Trong chế độ Dân chủ Cộng hòa, dân là chủ, thì Chính phủ, Đảng, cán bộ từ trung ương đến địa phương đều phải phụng sự nhân dân, là công bộc của dân.

Từ chỗ đánh giá cao vai trò của dân, Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, làm sao cho họ có năng lực làm chủ, biết hưởng, dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm. Dân chủ được Người giải thích ngắn gọn, súc tích là dân làm chủ và dân là chủ.

Hồ Chí Minh kiên trì xây dựng một nhà nước thật sự dân chủ - nhà nước của dân, do dân, vì dân. Mối quan tâm hàng đầu của Người là làm cho mọi người dân hiểu nhà nước mới, chế độ mới khác nhà nước cũ, chế độ cũ ở điều quan trọng nhất là giá trị dân chủ. Dân chủ tức là nhân dân có quyền lợi làm chủ và phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân. Nước dân chủ, chế độ dân chủ thì bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, công việc đổi mới là trách nhiệm của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Trong nước dân chủ thì địa vị cao nhất là dân, dân là quý nhất, lực lượng nhân dân là mạnh nhất.

Phát huy dân chủ là phát huy tài dân. Bởi vì, “dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Muốn vậy, thì phải chịu khó nghe dân, gặp dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân. Học hỏi dân để lãnh đạo dân. Theo Hồ Chí Minh “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”.

 Bác Hồ với nhân dân ở chiến khu Việt Bắc

Bác Hồ với nhân dân ở chiến khu Việt Bắc

Khi người dân chưa hiểu dân chủ là gì thì không thể thực hành dân chủ thật sự. Vì vậy phát huy dân chủ là phải tìm mọi cách bàn bạc, giải thích cho dân hiều rõ. “Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm”. Phát huy dân chủ là tìm đủ cách giải thích cho dân hiểu, ngay cả những việc trực tiếp có lợi cho dân, như đắp đê, hộ đê, tăng gia sản xuất, bình dân học vụ. Giống như đem một cái bánh ngọt ngon lành bắt người ta ăn, nhét vào miệng người ta, thì ai cũng chán. Nếu làm theo cách hạ lệnh, cưỡng bức, thì dân không hiểu, dân oán. “Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại”. Trên cơ sở tin vào dân chúng, phát huy dân chủ là “nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”.

Về chăm lo đời sống nhân dân: Tư tưởng Hồ Chí Minh là vì con người, do con người, trước hết là vì dân và do dân. Người nói rằng “tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Từ lúc còn là người thiếu niên mười lăm tuổi, Hồ Chí Minh đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Người quyết tâm đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân.

Cách mạng Tháng Tám thành công, một ngày sau Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách giải quyết những vấn đề về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Người nhấn mạnh “muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó khăn đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mũ chữ cho dân. Nói tóm lại hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”.

Sau khi đã tranh được độc lập rồi thì vấn đề kiến quốc là hết sức quan trọng. Bởi vì, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Với nhận thức đó, cùng với chỉ đạo kháng chiến, Hồ Chí Minh tập trung vào nhiệm vụ kiến quốc. Kháng chiến và kiến quốc gắn bó chặt chẽ với nhau. Muốn kháng chiến thành công thì phải có sức dân, lòng dân. Muốn có sức dân, lòng dân thì phải chăm lo đời sống của dân. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn; 2. Làm cho dân có mặc; 3. Làm cho dân có chỗ ở; 4. Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”.

Trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh vẫn quan tâm “đầu tiên là công việc đối với con người”. Người dặn trong Di chúc “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Nam Phương

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/thoi-su/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-phat-huy-dan-chu-cham-lo-doi-song-nhan-dan-303978.html