Tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập kinh tế quốc tế

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ rất quan tâm đến hội nhập kinh tế.

Từ năm 1946, trong lời kêu gọi gửi tới LHQ, Hồ Chi Minh nêu rõ: “Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ...“.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập kinh tế quốc tế

Ngay từ thuở thiếu thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang trong mình khát vọng thoát khỏi ách nô lệ thực dân, giải phóng dân tộc. Người đã đi khắp năm châu để tìm ra con đường cứu nước. Ngay sau khi tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (9/1945), Hồ Chủ tịch đã chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ngoài sự tự lực, tự cường, Người đã chú trọng đến công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn Nghị sỹ Quốc hội Anh san thăm Việt Nam (4/5/1957) - Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn Nghị sỹ Quốc hội Anh san thăm Việt Nam (4/5/1957) - Ảnh tư liệu

Trong tư tưởng hội nhập và phát triển kinh tế, Người “hoan nghênh những người Pháp đem tư bản vào xứ ta khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác”, “mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Tàu giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia”. Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần gửi thư cho Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, mong muốn có quan hệ tốt giữa hai nước và cùng nhau góp phần giải quyết hợp lý, công bằng nền độc lập cũng như phát triển kinh tế của Việt Nam.

Trong lời kêu gọi gửi tới Liên hợp quốc năm 1946, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn Liên Xô sang giúp đỡ công tác chuyên môn cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tại Hà Nội, ngày 22/3/1960. Ảnh tư liệu

Theo tư tưởng của Người, hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn vốn, khoa học - công nghệ, thị trường nhằm phát triển kinh tế, phát huy sức mạnh nội lực, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, vì lợi ích chung mỗi nước, mỗi dân tộc.

Thấm nhuần tư tưởng ấy, ngay từ rất sớm, Đảng ta đã xây dựng chiến lược phát triển, có các chỉ đạo triển khai quyết liệt.
Công cuộc hội nhập nói chung và kinh tế quốc tế nói riêng đã mang lại những hiệu quả vô cùng to lớn, toàn diện, góp phần thúc đẩy phát triển của đất nước, cũng như khẳng định uy tín, vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Từ một quốc gia vốn nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá bởi chiến tranh, ít người biết đến, nhưng đến nay Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ, đạt được những kết quả toàn diện được quốc tế ghi nhận.
Sự chủ động hội nhập đã đưa Việt Nam trở thành một “mắt xích” quan trọng trong mạng lưới liên kết kinh tế với các nền kinh tế hàng đầu thế giới với 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, đang và sẽ thực thi. Việt Nam cũng là thành viên tích cực, có trách nhiệm của nhiều tổ chức đa phương như WTO, APEC, ASEAN…
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia nằm trong nhóm quốc gia thành công nhất về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với khoảng 26.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, số vốn cam kết đầu tư trên 330 tỷ USD đến từ gần 130 quốc gia và đối tác.
Quan trọng hơn, việc hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là thông qua các FTA song phương, đa phương đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, tiếp cận được thị trường khu vực và thị trường toàn cầu, thúc đẩy sản xuất trong nước, qua đó nâng cao đời sống của nhân dân.
Các chính sách đối ngoại cũng như các khung khổ hội nhập đã có sự lan tỏa, tác động tích cực và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước bền vững. Hình ảnh về một Việt Nam uy tín, năng động, trách nhiệm đã được nâng lên và ngày càng khẳng định trên trường quốc tế.
Các con số biết nói ở trên là một minh chứng rõ ràng về tầm nhìn, cũng như hiệu quả của việc áp dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập kinh tế quốc tế. Đây cũng chính là động lực để cả hệ thống chính trị, tiếp tục triển khai nhiệm vụ, góp phần đưa đất nước tiến lên trên bước đường hội nhập, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn.

Theo nhadautu.vn

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanviet.news/chinh-tri-thoi-su/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-7947.html