Tư tưởng Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy nguồn lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong tình hình mới.

Bác Hồ về thăm khu Gang thép Thái Nguyên năm 1964. Ảnh T.L

Bác Hồ về thăm khu Gang thép Thái Nguyên năm 1964. Ảnh T.L

Sau giải phóng miền Bắc năm 1954, Đảng, Chính phủ ta bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội trên một nửa đất nước. Trong quá trình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng cơ sở, tiền đề, điều kiện để thực hiện công nghiệp hóa ở Việt Nam. Trong hàng trăm bài báo, bài nói chuyện của Người, trung tâm của câu chuyện công nghiệp hóa là tìm ra và khai thác các nguồn lực.

Theo Người, “Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại”. Nguồn lực nào để xây dựng “nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội”? Người giải thích rất rõ ràng, là nguồn lực bên trong, có ý nghĩa quyết định, và nguồn lực bên ngoài đóng vai trò quan trọng.

Với nguồn lực bên trong, Người luôn nhấn mạnh ý chí tự lực tự cường. Sự nghiệp công nghiệp hóa, phải là sự nghiệp của toàn dân, của các thành phần kinh tế. Xuất phát điểm từ một nước nông nghiệp lạc hậu đi lên chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh chủ trương lấy nông nghiệp là một cơ sở cho phát triển công nghiệp. Trong bài viết cho Tạp chí Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội (số tháng 2/1960), Người khẳng định: “Phải cải tạo và phát triển nông nghiệp để tạo điều kiện cho việc công nghiệp hóa nước nhà. Phải có một nền nông nghiệp phát triển thì công nghiệp mới có thể phát triển mạnh”.

Đồng thời, Người chỉ ra mối quan hệ hữu cơ giữa 2 ngành kinh tế quan trọng này. “Công nghiệp phát triển sẽ giúp nông thôn ta về thủy lợi, về phân bón, về nông cụ cải tiến, về máy móc nông nghiệp, về sức điện…”. Đây cũng là vấn đề được Người trở đi trở lại nhiều lần:

- “Nông nghiệp phải cung cấp đủ lương thực và nguyên liệu để phát triển công nghiệp, để bảo đảm công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa”;

- “Nông nghiệp tốt, công nghiệp tốt thì xây dựng tốt chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”. (Bài nói chuyện tại Hội nghị lần thứ Năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa III).

- “Chúng ta phải phấn đấu cho nông nghiệp phát triển toàn diện. Chúng ta phải phấn đấu cho nền công nghiệp mau lớn mạnh, cho công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa thành công”. (Bài nói chuyện tại Hội nghị bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo các cấp toàn miền Bắc từ ngày 13/3 đến 21/3/1961).

- “Công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế. Công nghiệp phát triển thì nông nghiệp nông nghiệp mới phát triển. Cho nên công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau, như hai chân đi khỏe và đi đều thì tiến bước sẽ nhanh”. (Bài nói chuyện tại Hội nghị lần thứ Bảy, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa III).

Một nguồn lực khác, mà Đảng cần khai thác là con người. Người nhấn mạnh “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Con người xã hội chủ nghĩa, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là những người nắm được “thìa khóa của việc phát triển công nghiệp là ở cơ sở thì đẩy mạnh quản lý xí nghiệp, và cán bộ công nhân phải thạo kỹ thuật”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy nguồn lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong tình hình mới. Từ Đại hội VI, Đảng ta đã chuyển hướng, nhấn mạnh đến mối quan hệ hữu cơ giữa nông nghiệp và công nghiệp bằng cách đẩy mạnh công nghiệp hóa thông qua 3 chương trình kinh tế lớn về lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

Qua các kỳ Đại hội, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục được khẳng định. Đại hội XIII của Đảng xác định, phải “Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị”. Đồng thời, về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa: “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”.

[i] Các chú thích trong ngoặc kép dẫn từ: Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, 13, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật

Đông Triều

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-cong-nghiep-hoa-102349.htm