Tử tù xin hiến tạng: Cần xây dựng quy định pháp luật cho phù hợp

Liên quan đến việc tử tù xin hiến tạng, chuyên gia pháp lý cho rằng 'tử tù tiêm thuốc thì nội tạng không thể sử dụng được chứ không phải luật không cho phép'.

Mới đây, TAND TP.HCM vừa tuyên án tử hình đối với Nguyễn Hữu Tình (SN 2000, quê An Giang) về các tội Giết người và Cướp tài sản. Tình chính là sát thủ gây ra vụ thảm án giết 5 người trong cùng một gia đình.

tử tù Nguyễn Hữu Tình

Trong lời nói sau cùng tại tòa, sát thủ Nguyễn Hữu Tình ngoài xin lỗi gia đình các nạn nhân và gia đình mình thì bị cáo còn xin HĐXX cho phép được hiến tạng cho y học sau khi bị tuyên tử hình.

Trả lời cho câu hỏi, tử tù xin hiến tạng có được phép hay không? Luật sư Diệp Năng Bình (đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) đã chỉ ra căn cứ pháp lý quy định tại Điều 35 Bộ luật Dân sự 2015 về Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Cụ thể:

1. Cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.

2. Cá nhân có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học có quyền nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.

3. Việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các điều kiện và được thực hiện theo quy định của bộ luật này, luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và luật khác có liên quan.

Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh)

Cụ thể hóa, Điều 5, luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cũng nêu rõ: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.

Hiến mô, bộ phận cơ thể người (hiến tạng) và hiến xác là một việc làm hết sức có ý nghĩa trong cuộc sống. Trả lời cho câu hỏi tử tù có được quyền hiến “nội tạng“ hay không? Luật sư Bình cho rằng, dựa trên các điều luật đã được viện dẫn ở trên thì tử tù là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để xác lập việc này (nghĩa là không bị mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức theo Điều 22, 23,24 Bộ luật Dân sự), họ vẫn có đầy đủ các quyền trước khi phải thi hành bản án tử hình.

Hình phạt tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất, tước đi quyền quan trọng và thiêng liêng nhất của con người, đó là quyền sống. Hiện nay, chúng ta cũng đã thay hình thức tử hình bằng bắn súng sang hình thức tiêm thuốc.

“Cơ thể con người sau khi bị tiêm thuốc có còn đầy đủ các chức năng để thực hiện việc cứu chữa cho người khác nữa hay không? Đây là vấn đề không hề đơn giản khi áp dụng vào thực tiễn đối với trường hợp tử tù có ý định hiến nội tạng. Việc này đòi hỏi các nhà làm luật phải nghiên cứu, xây dựng quy định pháp luật phù hợp, chặt chẽ bảo đảm nhu cầu của xã hội cũng như nguyện vọng của các tử tù trước khi thi hành bản án. Còn theo quan điểm của tôi, nội tạng tiêm thuốc không sử dụng được, chứ không phải luật không cho phép”, luật sư Bình nói.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/tu-tu-xin-hien-tang-can-xay-dung-quy-dinh-phap-luat-cho-phu-hop-a377278.html