Tử tù tiêm thuốc độc và truyền thông tự đầu độc mình

Khi các tờ báo rời bỏ các nguyên tắc đạo đức để cạnh tranh với mạng xã hội, đó là khi các cơ quan truyền thông đã tự hạ thấp các tiêu chuẩn của mình để cạnh tranh với những sản phẩm ít giá trị hơn.

Trả lời báo chí về việc truyền thông đã khai thác quá mức thông tin xung quanh vụ thi hành án tử hình đối với tên sát nhân Nguyễn Hải Dương tuần qua, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng: Luật không cấm, tuy nhiên không nên đưa.

Song có lẽ khuyến cáo “không nên” của Bộ trưởng Công an vẫn chưa đủ sức nặng để nhiều tòa soạn bỏ qua một cơ hội thu hút thêm mấy trăm ngàn lượt người xem đối với một sự kiện gây tò mò như thế.

Và, thật ra, trước khi khuyến cáo của Bộ trưởng Tô Lâm được đưa ra thì những người chịu trách nhiệm xuất bản ở các trang tin, những nhân vật có đủ khả năng nhận thức về tác động của thông tin đối với xã hội, cũng thừa hiểu vì sao “không nên”. Nhưng “không nên” khác với “không được”. Và lời khuyến cáo “không nên” thường hay bị bị bỏ qua khi một số trang tin có những lý do để “nên”.

Vậy đâu là lý do để khai thác một cách tỷ mỉ các chi tiết xung quanh cuộc thi hành án tử hình một kẻ sát nhân. Gần một tuần trôi qua, tôi vẫn không thể tìm được một lý do khả dĩ để tin rằng đó là một việc nên làm. Một kẻ sát nhân phải trả giá bằng phán quyết nghiêm khắc bởi hành vi tàn nhẫn của mình. Nhưng một số trang báo chí đã đi ngược lại đạo đức của người cầm bút, tự đầu độc mình bằng cách khai thác những câu chuyện phản cảm, vô lương!

Tôi không muốn tin là các tờ báo mong muốn có thêm vài trăm ngàn lượt người xem qua những thông tin xấu độc đó. Lợi ích mang lại không đủ lớn để họ sẵn sàng bỏ qua những nguyên tắc đạo đức báo chí thông thường khi tạo nên những tổn thương tinh thần cho những người liên quan.

Nếu phải tin vào lý do này, tôi sẽ buộc phải tin rằng đây đó có những nhà báo, đây đó có những nhân vật nắm quyền quyết định xuất bản đã không coi việc bảo vệ các giá trị nhân văn của xã hội, không coi sự nhân ái, lòng trắc ẩn đối với con người là một giá trị của nghề nghiệp. Bởi nó không đủ khiến họ cưỡng nổi sức cám dỗ của vài trăm ngàn lượt views.

Khi báo chí không còn mục đích bảo vệ các giá trị nhân văn của xã hội, khi các nhà báo mất đi sự nhân ái, lòng trắc ẩn với đồng loại, báo chí sẽ chỉ còn là công cụ để quảng cáo, kiếm tiền, hoặc trở thành vũ khí truyền thông của các nhà tài trợ mà thôi.

Tôi cũng không muốn tin lý do các tờ báo lựa chọn việc đào sâu những câu chuyện phản cảm vì sức ép cạnh tranh của mạng xã hội. Bởi nỗi sợ nếu báo chí không theo đuổi những câu chuyện đó thì mạng xã hội cũng sẽ vẫn đưa, và báo chí sẽ mất độc giả vì thiếu tính cạnh tranh.

Nếu phải tin vào lý do đó, tôi sẽ buộc phải tin rằng các tòa soạn báo đã buông bỏ sự tự tin đối với sứ mệnh của tờ báo, đối với những mục đích, nhiệm vụ mà nhờ đó các tờ báo được cấp phép ra đời. Khi các tờ báo phải bỏ đi các nguyên tắc đạo đức để cạnh tranh với mạng xã hội, đó là khi các tờ báo đã tự hạ thấp các tiêu chuẩn của mình để cạnh tranh với những sản phẩm ít giá trị hơn.

Cạnh tranh với mạng xã hội chính là cách các tờ báo đã tự biến mình thành một phần của mạng xã hội. Mạng xã hội có những thế mạnh không thể phủ nhận về khả năng tương tác, về phương thức lan tỏa thông tin, về khả năng tiếp cận thị trường.

Song, nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao nhất của mạng xã hội vẫn là những tin tức từ báo chí. Khi những tờ báo tiếp tục đầu độc bản thân bằng những tin tức bẩn, mạng xã hội sẽ được nuôi dưỡng bằng nguồn thức ăn có thể khiến nó trở thành con quái vật.

Phạm Trung Tuyến

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tu-tu-tiem-thuoc-doc-va-truyen-thong-tu-dau-doc-minh-412126.html