Tự truyện - Ai viết, ai đọc?

Một cuốn tự truyện có giá trị, được người đọc tìm kiếm, lưu giữ, bàn luận… chỉ khi nó thông qua sự thật, thông qua góc nhìn nhân văn, có trình độ của người viết tự truyện…

Ai viết?

Tự truyện (hay hồi ký) là một thể loại đã có hàng trăm năm trước đây được viết ra bởi các văn nghệ sĩ và nhờ đó mà người đọc thấy được cuộc đời thực (người nghệ sĩ đó) và những nhân vật cũng như xã hội người đó sống trong một giai đoạn lịch sử. Đôi khi các tác giả viết ra chỉ bởi nhu cầu tự thân, họ muốn bày tỏ cái nhìn, góc nhìn, suy nghĩ của họ về sự thật đã diễn ra trong cuộc đời họ. Cái đã thúc đẩy xúc cảm của họ lên thành những tác phẩm nghệ thuật làm say lòng người khác, tác động vào cuộc sống, xã hội.

Tự truyện của những người nổi tiếng luôn được người đọc quan tâm, nhưng nó chỉ có giá trị khi thông qua sự thật, thông qua góc nhìn nhân văn, có trình độ của người viết mà từ đó, người đọc có được một cái nhìn thú vị về cái đã qua, cái đang có và cái có thể sẽ xảy ra.

Nhưng những năm trở lại đây, những tác giả tự truyện ngoài các nhà văn, nhà nghiên cứu nghệ thuật còn có các chính trị gia. Chỉ kể gần đây nhất ta sẽ thấy:

1. Cuốn Long walk to freedom của Nelson Mandela - một chính trị gia, Tổng thống, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Nam Phi, một người da đen dũng cảm, thông minh đứng lên chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, đem lại một thay đổi lớn cho thế giới và tác động sâu sắc đến Hoa Kỳ. Người đã nhận hơn 250 giải thưởng vì những cống hiến và đóng góp cho xã hội, trong đó có giải Nobel Hòa bình năm 1993.

Cuốn sách là những lời bộc bạch tâm sự của chính Nelson Mandela về những năm tháng thơ ấu, thời đi học và 27 năm ngồi tù của ông. Các chương cuối cùng của cuốn sách mô tả sự thăng trầm chính trị của ông và niềm tin rằng cuộc đấu tranh chống lại phân biệt chủng tộc vẫn tiếp tục và lan rộng trên toàn thế giới.

2. Cuốn Hồi ký Lý Quang Diệu cho chúng ta thấy toàn cảnh lịch sử của Singapore kể từ khi tách khỏi Malaysia năm 1965. Từ một thuộc địa bị từ bỏ trở thành một quốc gia giàu có nhất nhì thế giới, Singapore ngày nay lớn mạnh, trở thành “con rồng châu Á” là nhờ vào những chính sách và các chương trình cải cách của ông Lý Quang Diệu.

3. Những giấc mơ từ cha tôi là tự truyện được Barack Obama viết năm 1995, rất lâu trước khi ông trở thành Tổng thống thứ 44 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, được biết đến rộng rãi và được dịch ra hơn 25 thứ tiếng trên thế giới, sau khi ông trở thành Tổng thống. Cuốn sách kể về hành trình đi tìm sự thật của gia đình Obama và cộng đồng người Mỹ gốc Phi kể từ khi cha ông qua đời trong một tai nạn xe hơi… Cuốn sách cũng cho thấy gương mặt nước Mỹ với những vấn đề nội tại của quốc gia này.

4. Đời tôi - cuốn tự truyện của Marcel Reich-Ranicki là cuốn đem đến một sự thật xác tín về các biến cố lịch sử quan trọng nửa đầu thế kỷ 20, ghi dấu những đau thương khủng khiếp đã khiến khoảng 6 triệu người gốc Do Thái ở châu Âu phải bỏ mình trong các trại tập trung thời Thế chiến II; đồng thời là một hướng dẫn quan trọng để độc giả tiếp cận văn hóa Đức đương đại, khắc họa chân dung nhiều nhân vật mang tầm ảnh hưởng lớn như Günter Grass và Heinrich Böll.

5. Tôi là Malala được xuất bản năm 2013, là cuốn sách mà tất cả các trường học tư tại Pakistan cấm học sinh đọc bởi những vấn đề liên quan đến đạo Hồi nhưng họ không thể cản được sức lan tỏa của cuốn sách đến với hàng triệu người trên thế giới. Malala Yousafzai là nhà hoạt động xã hội người Pakistan, nhân vật trẻ nhất giành giải Nobel Hòa bình. I am Malala kể câu chuyện của cô gái trẻ Malala sống tại vùng đất nơi chính quyền Tabilan nắm quyền và thực hiện chính sách hà khắc cấm nữ giới đi học. Malala (15 tuổi) đã bị bắn vào đầu khi hai tên súng chặn xe bus trên đường đến trường của cô bé. Chúng bắn cô vì cô đã nói trước đám đông về quyền được đến trường của trẻ em, đặc biệt là các em gái từ những năm 2008, 2009. Malala đã thoát chết trong gang tấc và trở thành biểu tượng toàn cầu khi cô truyền cảm hứng cho những con người vẫn đang sống dưới ách thống trị tàn bạo.

6. Tro tàn của Angela được viết bởi Frank McCourt - một giáo viên, nhà văn người Mỹ gốc Ireland và tác giả của 4 cuốn sách, trong đó Tro tàn của Angela là thành tựu lớn nhất của ông. Cuốn sách viết về thời thơ ấu nghèo khổ của gia đình tác giả khi cha ông là một người nghiện rượu nặng, mẹ ông phải làm việc cực khổ để nuôi sống gia đình. Frank bắt đầu hành trình đi tìm hạnh phúc, thành công của mình khi đi qua khắp các thành phố lớn của Mỹ. Cuốn sách kết thúc khi chàng thanh niên 19 tuổi Frank chuyển đến Poughkeepsie tại New York và bắt đầu một cuộc sống mới.

Ở nước ta gần đây cũng có trào lưu viết hồi ký - tự truyện. Những nhà văn: Tô Hoài, Nguyên Hồng, Bùi Ngọc Tấn đã ra mắt người đọc những cuốn hồi ký - tự truyện vừa có giá trị văn học vừa có giá trị cung cấp một sự thật (mà ít ai nhắc tới). Có những việc/ sự kiện/ câu nói… trong sách của các ông rất có ý nghĩa với từng cá nhân và với cả cộng đồng chỉ tìm được trong các hồi ký tự truyện đó. Nhân cách và trình thức của các ông là bảo chứng cho điều các ông viết.

Lê Vân - Yêu và Sống cũng là cuốn tự truyện được chú ý, sau đó là hồi ký Thương Tín - Một đời giông bão, hồi ký Sơn Nam... Tâm thành với lộc đời của NSƯT Thành Lộc, Đằng sau những nụ cười của ca sĩ Khánh Ly, Chuyện tình không tên của nhạc sĩ Vũ Thành An, Cung đàn số phận của NS Lộc Vàng cùng các hồi ký của GS. Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phạm Duy... Gần đây, các nghệ sĩ trẻ cũng viết tự truyện - hồi ký như Hương Giang Idol với Tôi vẽ chân dung tôi, Đức Phúc với I believe i can fly, Sơn Tùng MTP với Chạm tới giấc mơ, Hoàng Thùy Linh với Vàng Anh và Phượng Hoàng hay gần đây nhất là cuốn tự truyện Phút 89 của cầu thủ Công Vinh.

Ai đọc?

Tự truyện (hay hồi ký) của những người nổi tiếng luôn được người đọc quan tâm, bởi sự bộc lộ tâm tư, tình cảm, phát ngôn và những góc khuất của nhân vật chính (người tự truyện). Nó giống như bức tranh đồng hiện, người xem thấy được những nhân vật khác sống cùng sự kiện, hoàn cảnh, bối cảnh, không gian, thời gian xảy ra với nhân vật chính. Những tên tuổi càng lớn thì sự quan tâm của xã hội càng lớn, không chỉ những người tò mò chuyện riêng tư, cả những người quan tâm đến đời sống văn hóa xã hội cũng thích đọc. Người đọc muốn thấy một quá khứ sống động thông qua góc nhìn (chủ quan) của tác giả. Người đọc thích thú bởi tự truyện không hư cấu, sự thật là điều quan trọng nhất, được công khai, được phơi bày dù sự thật đó được sắp xếp qua tư duy của người viết - nhân vật chính (người tự truyện) và xem suy nghĩ của nhân vật chính là thế nào trước sự thật đó.

Cũng có người cho rằng việc có người viết tự truyện để rao bán quá khứ. Tôi cho rằng rao bán quá khứ là chuyện tồi tệ nhất (rẻ tiền nhất) trong việc viết tự truyện. Không phải quá khứ của ai cũng có thể rao bán và bán được. Loại quá khứ với những scandal rẻ tiền thì sớm muộn cuốn tự truyện cũng bị rơi vào quên lãng. Nhưng cũng không ít người có quá khứ đáng để người khác biết đến. Và tự truyện của họ đem đến những điều bổ ích cho cuộc sống.

Với tôi, một cuốn tự truyện có giá trị, được người đọc tìm kiếm, lưu giữ, bàn luận… chỉ khi nó thông qua sự thật, thông qua góc nhìn nhân văn, có trình độ của người viết tự truyện. Từ đó, người đọc có được một cái nhìn thú vị về cái đã qua, cái đang có và cái có thể sẽ xảy ra.

Nhà văn Trần Thị Trường

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/tu-truyen-ai-viet-ai-doc-n145453.html