Từ trường phái phê bình sinh thái đến phê bình môi trường

Trong tác phẩm 'Tương lai của phê bình môi trường: Nguy cơ môi trường và tưởng tượng văn học', nhà phê bình sinh thái Lawrence Buell cho rằng, 'môi trường' thể hiện rõ hơn 'sinh thái' trong việc nắm bắt các tụ điểm nghiên cứu văn học-môi trường.

Theo ông, phê bình sinh thái trong quá trình phát triển đã xuất hiện những giới hạn về cách thức phê bình và nhận thức, trong khi đó phê bình môi trường đã len lỏi vào cội nguồn của sự tưởng tượng trong văn hóa xã hội, chú trọng hơn vào xây dựng kết cấu lý luận, coi trọng hơn vào khai thác giá trị và công dụng của chính nghĩa xã hội. Quan niệm trung tâm của nó là khai thác giá trị tiềm ẩn của sự tưởng tượng trong văn học.

Điểm hạn chế của phê bình sinh thái và sự cần thiết của phê bình môi trường

Hòa nhập vào trào lưu tư tưởng sinh thái trên thế giới và nguy cơ môi trường ngày càng trầm trọng, phê bình môi trường với cội nguồn văn hóa tư tưởng sâu rộng đã được chú trọng trong nghiên cứu văn học.

Các nhà phê bình sinh thái trong quá khứ thường chú trọng đến tính tự nhiên trong sáng tác, phản đối kịch liệt lý luận về tính hiện đại của văn bản, nhưng cùng với sự phát triển của phê bình sinh thái, khuynh hướng “phản lý luận” này đã xuất hiện những giới hạn nhất định, từ đó nảy sinh ra phê bình môi trường. Đương nhiên, phê bình môi trường cần kiến tạo hệ thống lý luận để gạt bỏ đi những định kiến cố hữu, từ đó đi vào trào lưu phê bình chủ yếu trong văn học. Không chỉ có thế, phê bình môi trường cần tập trung để các quan niệm sản sinh ra hiệu ứng xã hội, Lawrence Buell cho rằng: “Nhiệm vụ của phê bình môi trường không chỉ ở chỗ khích lệ bạn đọc tiếp cận thế giới tự nhiên, mà cần truyền bá ý thức môi trường, làm cho người đọc hiểu rằng con người cũng chỉ là một loại sinh vật sinh sống trong sinh quyển, từ đó người đọc nhận thức rằng, các hoạt động tư duy của con người đã để lại dấu ấn trong tác phẩm văn học”. Đối với cùng một vật thể trong tự nhiên thì những người ở các thời đại khác nhau cũng như ở các khu vực khác nhau sẽ có biểu lộ tình cảm khác nhau, trong khi các văn bản văn học lại ghi lại hoạt động tư duy của con người. Ý thức về môi trường chính là những gì hiện hữu trong văn bản văn học, đồng thời chỉ ra những gì vượt khỏi tầm của văn bản. Do đó, khai thác các nội hàm văn hóa của thế giới cần chú trọng kiến tạo mối liên hệ giữa văn bản và thế giới bên ngoài, điều này có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển lĩnh vực phê bình môi trường. Bản thân văn bản lấy thể tài nhất định tái hiện lại môi trường lịch sử xã hội, điều này đòi hỏi chúng ta không những phải coi trọng nội hàm văn hóa của văn bản cũng như ý thức môi trường mà còn cần coi trọng hình thức của văn bản.

Thơ môi trường, kịch môi trường cũng như tiểu thuyết khoa học giả tưởng thường bị xem nhẹ, nhưng thực ra những văn bản này lại bao hàm nhiều ý nghĩa môi trường và ý nghĩa văn hóa. Nhà nghiên cứu A.Fletcher (Đại học Stanford) cho rằng, thơ không những thể hiện hoặc ám chỉ môi trường là một bộ phận mang ý nghĩa chủ thể, mà còn đưa độc giả đến một ý cảnh nhất định. Lúc này, độc giả không chỉ cảm nhận thế giới trong văn bản mà còn cảm nhận được thế giới mà nhà thơ kiến tạo ra, thơ của Milton và Whitman cũng vậy, đã truyền bá tình yêu thế giới tự nhiên cho độc giả một cách xuất sắc.

Sự tưởng tượng địa phương và ý thức môi trường

Văn hóa bắt nguồn từ các địa phương, sự tưởng tượng trong văn học môi trường cũng bắt đầu từ địa phương cho đến toàn cầu hóa, bởi vì ý thức địa phương có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hình thành ý thức sinh thái và tưởng tượng môi trường. Edward Said nói: “Tất cả các loại văn hóa đều có mối liên hệ với nhau, không có văn hóa nào là thuần túy; tất cả văn hóa đều là sự tổng hợp, không thống nhất”. Từ đây chúng ta có thể thấy rằng, cần phân tích sự thay đổi của địa phương, trong đó bao gồm ý thức địa phương và văn hóa địa vực.

Địa phương mang theo nội hàm của xã hội và văn hóa, sự tưởng tượng của ý thức môi trường ở một mức độ nào đó quyết định ý thức môi trường. Nhà thơ sinh thái Wendell Berry cho rằng, không có sự hiểu biết đối với nơi mình sinh sống thì địa phương sẽ bị hủy diệt trong tác phẩm.

Đối với cá thể, ý thức địa phương là một loạt sự tích lũy của trải nghiệm địa phương, còn đối với cả xã hội thì nó chính là sự hội tụ của ý thức nhân loại. Sự thay đổi này được hội tụ trong văn bản văn học, do đó sự khai thác tưởng tượng địa phương trong tác phẩm văn học là điều hết sức cần thiết. Nhà văn đã ghi lại sự phát triển và suy vong của các địa phương, đã khơi gợi lại ý thức môi trường và lương tri xã hội, có lợi cho việc bồi dưỡng ý thức trách nhiệm trong công chúng.

Sự hưng thịnh của chính nghĩa môi trường và sự xét lại của giá trị văn học

Phê bình môi trường coi trọng sự kiến tạo lại ý thức địa phương và sự liên hệ giữa hiện thực và tưởng tượng. Dựa trên cơ sở xem xét lại lý luận sinh thái, phê bình môi trường đã mở rộng tầm nhìn đến các lĩnh vực như giới tính, chủng tộc, luân lý, điều này sẽ xúc tiến sự khai thác và tìm hiểu tính nhân văn và tự sự lịch sử trong tác phẩm văn học, góp phần giải quyết các vấn đề môi trường. Chủ nghĩa sinh thái trung tâm xuất hiện với tư cách là mặt đối diện của chủ nghĩa con người trung tâm, nó nhấn mạnh việc con người bằng mọi giá phải bảo vệ môi trường, duy trì cân bằng sinh thái. Đây có lẽ đã trở thành nguyên tắc căn bản nhất để giải quyết các vấn đề sinh thái, nhưng thực chất nó tồn tại rất nhiều vấn đề, bản thân của lý luận còn nhiều điều mâu thuẫn. Nó từ bỏ tính trung tâm của con người, theo đuổi sự phủ nhận của tính tự do độc lập của con người, tuy nhiên loại bỏ hoàn toàn tác động của con người sẽ không có lợi cho việc cứu vãn các nguy cơ. Chủ nghĩa sinh thái trung tâm là một nghịch lý, vì quyết định sự phát triển thuận lợi của sinh thái chính là con người, mặt khác theo nguyên tắc thì con người mới là “người giám sát và người lãnh đạo”, ý định muốn vượt qua chủ nghĩa con người trung tâm có thể sẽ tạo ra một hình thức văn học mới.

Tất cả các cá thể đều có quyền lợi được bảo vệ khỏi sự xâm hại của môi trường, đồng thời có nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Trong lịch sử và văn học hiện đại xuất hiện nhiều cảnh dân tộc thiểu số hoặc nhóm người yếu thế bị xâm hại, ví dụ như tác phẩm “Địa ngục của thiếu nữ” của Herman Melville, hay tác phẩm văn học Ấn Độ về “Những kẻ lưu vong sinh thái” đều thể hiện ý nghĩa chính nghĩa của môi trường. Điều này cần chúng ta điều chỉnh sự mất cân bằng trong phê bình văn học, đặc biệt là điều chỉnh sáng tác đối với thế giới thứ ba, nơi sáng tác chưa được quan tâm một cách đúng mức.

CHU CHẤN VŨ (Trung Quốc), PHẠM HUY QUỲNH (dịch)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tu-truong-phai-phe-binh-sinh-thai-den-phe-binh-moi-truong-540818