Tự trọng sau bàn phím

Chuyện nam người mẫu Q.Đ (thuộc thế hệ 9X) liên tục bị cộng đồng mạng tố đạo nhái status, copy văn chương của người khác, có lẽ không phải là câu chuyện mới để trở thành đề tài gây tranh cãi sôi nổi. Bởi có một thực tế, mạng xã hội hiện nay nhan nhản những câu nói 'chân ái', những status chia sẻ sâu sắc về cảm nhận cuộc sống, tình bạn, tình yêu… nhưng tác giả thực sự thì như một ẩn số.

Chuyện copy, đạo nhái status để chứng tỏ bản thân mình sâu sắc, am hiểu cũng như để “sống ảo”, “câu like”… gần như là câu chuyện thường thấy mỗi ngày trên mạng xã hội. Quá sa đà vào những lượt like vô thưởng, vô phạt hay “câu like” có mục đích là chuyện riêng của mỗi người. Nhưng trong thế giới phẳng đó, nhiều bạn trẻ gần như đánh mất lòng tự trọng sau bàn phím, để có được những câu nói hay, những chia sẻ cảm động… nhưng không phải do bản thân mình viết ra.

Cùng với sự lên ngôi của mạng xã hội, những công việc kiếm tiền của người trẻ hiện nay cũng đa dạng hơn, nhất là kiếm tiền qua mạng xã hội. Mỗi status, hình ảnh, video… đều được chia sẻ một cách có chủ đích hơn, chuyện kiếm tiền từ đây cũng dựa vào những lượt like và view. Càng thu hút nhiều lượt like, view, theo dõi từ người dùng mạng xã hội thì nghiễm nhiên trở thành Facebooker, YouTuber, Streamer… và bắt đầu kiếm tiền từ việc quảng cáo sản phẩm, bán hàng online.

Để xây dựng trang cá nhân thật thu hút, ngoài việc trau chuốt hình ảnh, video thì những dòng chia sẻ cũng quan trọng không kém. Sau khi copy nguyên văn status của người khác về trang cá nhân với nội dung chia sẻ về chuyện chọn “người ngủ hay thức cùng” - một đề tài khá nhạy cảm, dù không mới nhưng sức hút vẫn không ngừng, lượt like tăng lên hơn 3.000 lượt; liền sau đó, tài khoản Facebook L.L đăng tiếp bài viết giới thiệu về các sản phẩm nhân sâm và đông trùng hạ thảo, từ cách dùng, giá cả… để khách hàng có nhu cầu mua tiện liên lạc.

Sau khi chính tác giả bài viết, chị Đặng Thiên Nga (30 tuổi, quận 1) vào bình luận để nhắc nhở về chuyện sao chép nội dung cần ghi nguồn, tài khoản L.L lập tức xóa bình luận và chỉnh sửa lại phần cuối bài viết là lấy ý tưởng chứ không phải copy của chị Đặng Thiên Nga.

Không chỉ giải thích vòng vèo, để biến câu chữ của người khác thành của mình, không ít tài khoản sau khi sao chép, đã thẳng tay chặn chủ nhân của các status để tránh rắc rối. Một nữ MC tên N.Q (ngụ tại TPHCM), cũng không ít lần “bóc phốt” chuyện bị đạo status, tệ hơn là người này sau khi bị chị N.Q chỉ điểm đã chặn luôn tin nhắn của chị N.Q.

Phải chăng vì mong muốn thể hiện bản thân quá mức, hay “câu like” với mục đích cá nhân, mà nhiều bạn trẻ dần đánh mất lòng tự trọng của mình đằng sau bàn phím. Có thể câu chuyện đạo nhái hay sao chép status trên mạng xã hội chỉ là câu chuyện vô thưởng vô phạt, khó để có thể truy cứu trách nhiệm hay kiện tụng; tác giả đôi khi cũng không thể kiểm soát và biết được những ai đang đạo nhái hay sao chép status của mình; nhưng dù biết hay không thì hành động tự ý sao chép chưa được phép của tác giả vẫn là hành vi ăn cắp câu chữ cần lên án. Hơn hết, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, sẽ trở thành một thói quen xấu khó bỏ.

KIM LOAN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tu-trong-sau-ban-phim-621499.html