'Tứ Trấn Thăng Long'- Đền Kim Liên: Dấu ấn Tâm Linh Việt

Sáng ngày 1/5/2018 (ngày 16 tháng 3 âm lịch) là ngày chính hội của Đền - Đình Kim Liên (hay còn gọi là đền Cao Sơn) là trấn phía Nam trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long (phường Phương Liên, quận Đống Đa). Đền vốn được lập nên để thờ Cao Sơn Đại Vương (theo tín ngưỡng dân gian, thì đây là một người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ), năm nay lễ hội đã thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách thập phương đến thăm quan và tham dự.

Ông Nguyễn Tiến Lộc - Chủ tịch UBND phường Phương Liên đọc tuyên chúc văn tại buổi lễ

Ông Nguyễn Tiến Lộc - Chủ tịch UBND phường Phương Liên đọc tuyên chúc văn tại buổi lễ

Đền Cao Sơn trở thành là một hiện tượng đặc biệt về Hà Nội xưa. Đền vừa đánh dấu mốc giới phía nam Kinh thành thời cổ, đồng thời tượng trưng cho sự canh giữ, bảo vệ cho Kinh thành. Cùng với thần Long Đỗ, ở đền Bạch Mã, thần Trấn Vũ, ở đền Quán Thánh, thần Linh Lang, ở đền Thủ Lệ họp thành “Thăng Long tứ trấn”. Đền Kim Liên là ngôi đền linh thiêng trấn giữ ở phía Nam, nơi thờ thần Cao Sơn Đại Vương. Tương truyền thần là con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, là một trong 50 người con theo mẹ lên núi, đã cùng Sơn Tinh chống lại Thủy Tinh mang lại bình yên cho nhân dân. Sau đó ngài xin vua cha về vùng đất hoang vu lập nghiệp (vùng đất nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội). Để ghi nhớ công ơn ngài, sau khi ngài mất dân đã lập đền để thờ ngài. Theo tài liệu lưu giữ tại đền, đền Kim Liên được vua Lý Thái Tổ cho xây dựng ngay sau khi lập kinh đô Thăng Long (1010) nhằm mục đích bảo vệ kinh thành mới ở hướng Nam.

Nhắc đến làng Kim Liên dân làng còn có câu ca: “Kim Liên xanh vỏ, đỏ lòng/ Đàn ông cắt tóc, đàn bà hái rau”. Theo các cụ trong làng truyền lại, nghề cắt tóc bắt đầu từ ngày hội làng, có thầy địa lý Tả Ao đến dự. Lý trưởng đã nhờ thầy “xem” cho làng làm thêm nghề. Ông Tả Ao thấy làng có một số người làm nghề cắt tóc liền khuyên mọi người nên phát huy nghề này. Từ đó, làng cắt tóc Kim Liên trở nên nổi tiếng. Các tay kéo, tay dao trai làng Kim Liên rất tài hoa và điêu nghệ, họ từng có tiếng là “Thăng Long đệ nhất kéo,” cắt tóc như múa trên đầu người.Trước Cách mạnh Tháng Tám 1945, những tay kéo điệu nghệ của làng Kim Liên đi hành nghề khắp phố phường Hà Nội.

Ông Nguyễn Tiến Lộc-Chủ tịch UBND Phường Phương Liên cho biết: “Riêng năm nay phần rước kiệu ông Tả Ao để tưởng nhớ công ơn ông đã yểm cho dân làng Kim Liên nghề “cắt tóc” để mưu sinh suốt nhiều thế kỷ qua thì vào dịp hội làng nhằm ngày 16/3 âm lịch hàng năm Liên hiệp các CLB ngành Tóc phía Bắc, các tổ chức của các tỉnh, thành phố trong cả nước hội tụ về đây cùng với dân làng Kim Liên để tưởng nhớ và tìm về cội nguồn ngành nghề cắt tóc của nghiệp tổ”

Quan khách đến tham dự lễ hội Đình đền Kim Liên – Nam phương trấn

Ông Lộc cũng cho biết thêm: “năm nay ngoài nghi thức Lễ tế “Thần Cao Sơn Đại Vương” truyền thống của địa phương như: trình diễn múa Tứ Linh, dàn trống khai hội, lễ dâng hương chính hội, lễ rước kiệu Long đình, kiệu bát công, kiệu bà, kiệu võng, rước kiệu ông Tả Ao (theo dân gian là nhân vật làm nghề địa lý phong thủy nổi tiếng ở Việt Nam). Người đã yểm mạch cho dân làng Kim Liên nghề “ cắt tóc Kim Liên” hay còn gọi tên dân gian là nghề “vít đầu thiên hạ” đã có lịch sử hàng nghàn năm tuổi và được lưu truyền nhiều đời nay” Theo PCT quận Đống Đa ông Phan Hồng Việt cho biết: “Quận đã xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng chống ùn tắc tại khu vực xung quanh khu vực Lễ hội truyền thống Đình – Đền Kim Liên cho nhân dân và khách thập phương về dự lễ. Đồng thời, tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ trước, trong và sau Lễ hội. Xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức trông giữ xe tự phát thu tiền gửi xe không đúng quy định và các trường hợp tổ chức cờ bạc, mê tín dị đoan”
Đền được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng danh mục di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 9/1/1990. Hàng năm vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, người dân làng Kim Liên lại tổ chức mở hội truyền thống, nghe lễ tế để báo đáp ơn thần.

Lưu Huy – Đức Long

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tu-tran-thang-long--den-kim-lien--dau-an-tam-linh-viet-d73342.html