Từ trái tim đến trái tim

Trong nhiều bài viết trước đây, chúng tôi đã nhắc tới một nhân vật khá đặc biệt, một người bạn đến với Hỏa Lò từ nửa bên kia trái đất và giờ đây ông đã trở thành 'người nhà' thân thiết của Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, ông chính là Thomas Eugene Wilber, con trai của cựu phi công Hoa Kỳ Walter Eugene Wilber. Ngày 29.11 tới đây, chuyên đề 'Tìm lại ký ức' sẽ được giới thiệu tới công chúng tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, ở đó sẽ có những câu chuyện thú vị được những người trong cuộc kể lại, trong đó có câu chuyện của cha, con nhà Wilber.

Địa điểm đầu tiên Thomas Eugene Wilber đã lựa chọn khi đến Việt Nam vào năm 2014 đó chính là Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, nơi mà cha ông đã từng sống ở đó gần 5 năm với biết bao kỷ niệm vui, buồn.

“... Tôi đã bất ngờ và sửng sốt khi thấy những bức ảnh của cha tôi trong khu di tích. Đặc biệt, tôi đã rất kinh ngạc và xúc động khi nhìn vào bức ảnh cha tôi đang mở gói quà mà gia đình gửi sang, món quà mà tôi đã giúp mẹ đóng gói để gửi cho cha. Và rồi tôi cảm thấy một mối liên hệ vô hình với Hỏa Lò và cảm kích khi cha tôi đã được chăm sóc để trở về thật khỏe mạnh và vui vẻ.

Bảy tháng sau, cha tôi bị bệnh và qua đời. Nhưng trước khi ông mất, tôi đã gọi điện cho ông khi đang đứng tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, cùng chia sẻ những kỷ niệm với ông”.

Phi công Walter Eugene Wilber (ngồi giữa) đang mở gói quà của gia đình gửi sang

Đó chính là chia sẻ của ông Thomas Eugene Wilber, con trai cựu phi công Walter Eugene Wilber. Cảm xúc đó chợt ùa đến khi ông đứng trước bức ảnh chụp cha đang giở gói bưu phẩn do chính ông, khi đó còn là một cậu bé, đã đóng gói những món quà cùng tình yêu thương gửi sang Việt Nam cho cha, khoảnh khắc ấy đã được ống kính của các phóng viên Việt Nam ghi lại.

Tờ giấy bọc của gói bưu phẩm ấy đã được cha Thomas giữ gìn cẩn thận, cất trong hành trang mang trở về Mỹ. Giờ đây, trong ký ức của Thomas, những món quà trong gói bưu phẩm gửi cho cha vẫn còn nguyên vẹn: một ít kẹo cao su (thứ kẹo mà cha ông rất yêu thích), một bộ quần áo ấm để giúp cha đỡ lạnh hơn vào những ngày đông giá, đặc biệt trong đó còn có một số tấm ảnh gia đình, với mong muốn giúp cha vơi bớt nỗi nhớ người thân.

Bao diêm, phi công Wilber được các cán bộ quản giáo trại giam tặng trước ngày được trao trả về nước

Trong nhiều lần quay trở lại Việt Nam sau đó, Thomas luôn lưu lại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, giờ đây Thomas coi nơi này như ngôi nhà thứ 2 của mình, coi những cán bộ công tác tại đây như những người thân trong gia đình. Ông sẵn sàng dành thời gian để chia sẻ những thông tin có liên quan tới những cựu phi công Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, đồng thời cùng là người nhiệt tình kết nối giữa Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò với các cựu phi công Hoa Kỳ như: Edison Miller; Robert P. Chenoweth… Cũng nhờ có sự kết nối đó mà Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã được nhận những kỷ vật của chính những cựu phi công Mỹ và gia đình họ trao tặng.

Thomas đã quyết định giành tặng di tích những kỷ vật gắn với khoảng thời gian gần 5 năm sống tại Trại giam Hỏa Lò của cha mình

Hơn ai hết Thomas và cha mình là những người cảm nhận được rõ nhất, sâu sắc nhất những tình cảm chân thành, sự đối xử nhân văn từ những người Việt Nam mà hai cha con đã từng gặp. Từ việc Thomas tìm đến được gia đình người phi công Việt Nam đã bắn rơi máy bay do cha ông điều khiển, được ông bà Đinh Tôn đón tiếp nồng hậu và “còn gửi quà về Mỹ tặng mẹ tôi nữa” (Lời Thomas). Đến việc tìm về Nghệ An, gặp lại Ông Bùi Bác Văn, ông Nguyễn Văn Thu, là những người đã cứu sống phi công Walter khi máy bay của ông bị bắn rơi. Rồi việc gặp được người kết nối nhiệt tình - Đại tá Nguyễn Công Thành - Giám đốc Bảo tàng Quân khu IV cũng là một cơ duyên đối với Thomas.

Thomas và Đại tá Nguyễn Công Thành - Giám đốc Bảo tàng Quân khu IV

Đặc biệt hơn, sau khi tiếp xúc, làm quen và trở thành người bạn thân thiết của Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã đưa Thomas đến một quyết định mà ông luôn tin rằng nếu biết được chắc chắn cha ông cũng sẽ hài lòng: Trao tặng số kỷ vật của Cha mình cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò lưu giữ lâu dài để khai thác và phát huy giá trị.

Chiến tranh đã lùi xa sau 45 năm, mất mát, đau thương của những người dân sống trên dải đất hình chữ S đã được phần nào xoa dịu bởi những cố gắng, việc làm xuất phát từ trái tim của chính những người từng mang bom đạn rải xuống mảnh đất này cùng người thân của họ. Nhiều cuộc gặp gỡ giữa những người từng là “đối thủ” đã diễn ra trong ấm áp, yêu thương. Chuyên đề “Tìm lại ký ức” một lần nữa giúp cho những người Mỹ hôm nay tiếp tục cảm nhận: người Việt Nam luôn thân thiện và bao dung; giúp những người trẻ Việt Nam càng thêm hiểu: việc làm xuất phát từ trái tim sẽ nhận lại được những món quà từ trái tim.

Nguyễn Thị Khánh Hồng - Phòng Giáo dục, Truyền thông

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tu-trai-tim-den-trai-tim-58052