'Tự tình' - Đừng để nạn nhân câm lặng

Vừa qua, Tổ chức Giáo dục giới tính Việt Nam – ViSEO đã tổ chức buổi giao lưu giữa các chuyên gia cùng các bạn trẻ với tựa đề 'Tự tình' đừng để nạn nhân câm lặng. Buổi giao lưu được tổ chức tại Làng Văn hóa Đông Tây, 99 Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội.

Buổi giao lưu được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ để xã hội cùng thấu cảm với những câu chuyện xót xa do chính nạn nhân của nạn xâm hại tình dục, bạo lực và kỳ thị giới chia sẻ. Tại đây, những thông điệp và mục đích nhân văn cũng được các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giới truyền đạt tới các bạn trẻ để từ đó các bạn trẻ có thể tập cho mình thói quen lắng nghe và thấu hiểu.

Đông đảo bạn trẻ tới tham dự buổi giao lưu "Tự tình" - Đừng để nạn nhân câm lặng.

Đông đảo bạn trẻ tới tham dự buổi giao lưu "Tự tình" - Đừng để nạn nhân câm lặng.

Chia sẻ về ý tưởng tổ chức buổi giao lưu "Tự tình" - Đừng để nạn nhân câm lặng, Trưởng ban tổ chức sự kiện Tô Trung Kiên cho biết: “Thông điệp của buổi giao lưu là để cho mọi người tự mình lắng nghe những câu chuyện của người bị hại dựa. Ngoài lắng nghe câu chuyện của nạn nhân, mọi người tới đây cũng sẽ được chạm vào những đồ vật của nạn nhân. Khi vừa lắng nghe câu chuyện của nạn nhân vừa được chạm vào đồ vật của họ thì chúng ta sẽ không còn những tư duy kỳ thị. Cùng đó, những chia sẻ hữu ích của chuyên gia sẽ giúp những người trẻ có được nhận thức đúng đắng về vấn đề này, trong tương lai, nếu gặp tình huống tương tự họ sẽ có cách đối đầu với chính những tình huống đó.”

Trước hàng loạt những vụ việc xâm hại, quấy rối tình dục đối với trẻ em, phụ nữ và cả nam giới trong thời gian gần đây đã khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. Thế nhưng, thay vì lên tiếng thì đa phần các nạn nhân bị xâm hại đều lựa chọn cách im lặng để giải quyết vấn đề.

Chia sẻ về vấn đề trên, Thạc sĩ Ngô Thị Thu Hà - Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ cho rằng: “Chúng ta nên đặt lại cách tiếp cận làm như thế nào để phòng tránh nạn xâm hại tình dục. Nhiều người không nghĩ rằng những hành vi như đụng chạm, sờ soạng là xâm hại tình dục, họ cho rằng đó là cách mà người ta thể hiện sự quý mến nhau. Thế nhưng chúng ta cần đề phòng, nhiều trường hợp bị xâm hại có thể là xuất phát từ một ánh nhìn, một cái ôm, cố tình sờ soạng hay đụng chạm thì hoàn toàn có thể dẫn đến cấp độ cao nhất là xâm hại.”

Tới tham dự buổi giao lưu, bạn Nguyễn Thị Trà My (quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội) cho hay: “Mình biết tới sự kiện này qua lời giới thiệu của một người bạn, khi đến đây thì mình được nghe chia sẻ của các chuyên gia cũng như được nghe những câu chuyện có thật thông qua lời kể của chính nhân vật trong câu chuyện của họ. Khi nghe xong thì mình có thể cảm nhận được những đau khổ mà nạn nhân phải trải qua. Cùng đó, mình cũng được các chuyên gia giới thiệu quy tắc 5 ngón tay dành cho trẻ em, mình thấy khá bổ ích với không chỉ mình mà còn đối với mọi người.”

Cùng chung ý kiến với Trà My, bạn Trần Ngọc Mai (quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội) chia sẻ: “Để thực sự thấu hiểu được các câu chuyện của nạn nhân thì không phải ai cũng có thể nghe được tiếng nói, suy nghĩ của chính những người cuộc. Bởi vậy, lý do chính đưa mình đến với sự kiện lần này là mong muốn được nghe tiếng nói của nạn nhân và có thể thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ những nỗi đau của họ.”

Buổi giao lưu “Tự tình” – Đừng để nạn nhân câm lặng đã diễn ra sôi nổi với những chia sẻ hữu ích từ các chuyên gia gửi tới thế hệ trẻ để từ đó những người trẻ sẽ bảo vệ được chính mình khỏi những "Yêu râu xanh". Hơn ai hết, những người trẻ sẽ là những người khơi dậy làn sóng mới để cùng chung tay bảo vệ người thân và cộng đồng khỏi nạn xâm hại tình dục đã và đang để lại nhiều hệ lụy trong xã hội.

Lương Hằng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tu-tinh-dung-de-nan-nhan-cam-lang-95601.html