Tự tin và khiêm nhường

Tôi có dịp trò chuyện với một thầy giáo có mấy mươi năm kinh nghiệm trong nghề, đã dạy nhiều thế hệ học sinh. Thầy bảo: 'Học sinh nay khác với học sinh trước đây nhiều lắm'.

Tôi nói: “Mỗi năm một khác là điều đương nhiên bởi cuộc sống đổi thay, điều kiện sinh hoạt của từng gia đình được nâng lên, trường lớp được đầu tư cơ sở vật chất mới, chương trình giáo dục đổi mới, phương pháp dạy học cải tiến nhiều, vì thế nhận thức, trình độ của học sinh chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi. Không biết thầy muốn nói đến khác ở đây là điều gì ạ?”. Nghe tôi trao đổi như vậy, thầy bày tỏ: “Khác về lối sống và cách ứng xử. Học sinh thời nay tự tin hơn nhưng dường như bớt đi sự khiêm nhường”. Thấy tôi chưa hiểu rõ, thầy chia sẻ thêm: “Các em bây giờ tự tin, năng động hơn mình nghĩ, phương pháp học nhanh nhạy, sáng tạo, giao tiếp ứng xử linh hoạt, tác phong cởi mở, phóng khoáng. Nhưng bên cạnh ưu điểm ấy, tôi vẫn thấy nhiều học sinh có vẻ tự tin thái quá nên dễ sinh kiêu ngạo. Đó là biểu hiện của sự thiếu khiêm nhường”.

Thầy dẫn ra ví dụ, có cậu học sinh đạt thành tích cao trong học tập, được bạn bè ngưỡng mộ nên sinh ra tự kiêu, coi mình tài giỏi hơn bạn bè cùng trang lứa, đến lớp học thì thiếu tập trung vì cho rằng nội dung quá đơn giản so với lực học của mình. Vì kiêu ngạo nên cậu học sinh hay chê bai, so sánh người này, người nọ và dần dần tự tách mình ra khỏi tập thể. Cũng chỉ vì “không biết mình là ai” dẫn đến chủ quan, thế nên kỳ thi năm cuối cấp, cậu học trò đó đạt kết quả không như mong muốn. Lại có trường hợp một nữ sinh quá tự tin về ngoại hình của mình. Vốn gia đình khá giả nên em chịu khó chăm chút cho bản thân; đầu tóc, mặt mày, trang phục được đầu tư nên trông khá ưa nhìn. Có một chút nhan sắc nên em tự coi mình là đẹp nhất lớp, ăn mặc “sang chảnh”, thái độ thiếu tôn trọng người khác theo kiểu “mình đẹp thì mình có quyền”. Thế nhưng sự ảo tưởng về hình thức bên ngoài không che đậy được cái sơ sài bên trong. Học hành của nữ sinh này chểnh mảng, ứng xử lại không đúng mực. Tự tin thái quá về hình thức mà thiếu sự khiêm nhường khiến em trở thành một con người ưa chải chuốt, bóng bẩy, không thực tế theo kiểu “thùng rỗng kêu to”.

Tự tin là thái độ sống tích cực để mỗi người vững bước trong cuộc sống. Với mỗi học sinh, tự tin để học tập tốt hơn, tích cực sáng tạo, phát huy khả năng sở trường và thể hiện giá trị bản thân. Thế nhưng, tự tin cũng sẽ dễ trở thành tự kiêu, tự phụ khi mỗi người không tự nhận thức và điều chỉnh hành vi đúng mực. Do đó, tự tin đi cùng với khiêm nhường sẽ giúp học sinh nhận thức được việc làm của mình để có cách ứng xử phù hợp. Khiêm nhường để nhìn nhận bản thân, điều chỉnh hành vi trong các mối quan hệ. Khiêm nhường để nhận ra khuyết điểm bản thân và tự sửa chữa, không gục ngã trước khó khăn, thách thức. Khiêm nhường để “thắng không kiêu, bại không nản”. Một học sinh năng động sáng tạo, tự tin, chủ động nhưng lại giản dị, khiêm nhường, hòa nhã, biết lắng nghe chắc chắn sẽ thành công, được mọi người yêu mến. Vậy nên giáo dục các em học sinh ý thức làm chủ bản thân với những đức tính tốt đẹp là việc nên làm, rất cần sự góp sức của thầy cô giáo và các bậc phụ huynh.

VŨ DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/tu-tin-va-khiem-nhuong-642673