Tự tin sử dụng vốn ưu đãi

Việc sử dụng vốn tín dụng chính sách đã làm chuyển biến về nhận thức, giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.

Các chính sách đối với hộ đồng bào DTTS luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, trong đó chính sách cho vay từ nguồn vốn của NHCSXH đã giúp nhân dân các dân tộc đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển, vươn lên trong cuộc sống. Đó là nội dung đã được toát lên trong chuyến khảo sát việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội dành cho đồng bào DTTS tại xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh do Ủy ban Dân tộc và NHCSXH tổ chức.

Ông Đỗ Văn Chiến – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại buổi làm việc với
lãnh đạo, tổ chức đoàn thể của xã Thuận Hòa

Đến xã Thuận Hòa, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đã chứng kiến sự thay đổi lớn về mặt nhận thức trong việc vay vốn sản xuất, kinh doanh của nhiều hộ đồng bào DTTS.

Điển hình như hộ gia đình anh Thạch Hoài Phong, chị Lê Thị Ngọc Rạng, ở ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa. Tâm sự về quãng thời gian vươn lên thoát nghèo với Đoàn khảo sát, anh Phong bùi ngùi nhớ lại: “Tôi lập gia đình từ năm 1999 và tách hộ ra ở riêng, tài sản duy nhất mà ba mẹ cho là 500 mét vuông đất vườn. Nhất là khi thêm đứa con đầu lòng mà vừa mừng vừa lo vì thêm miệng ăn. Lúc đó, tôi phải đi lái máy gặt thuê để kiếm thêm thu nhập cho gia đình”.

Tưởng chừng cái đói, cái nghèo cứ theo gia đình anh Phong thì thật may qua các tổ chức hội đoàn thể và Tổ TK&VV vợ chồng anh biết đến NHCSXH. Với mức vay ban đầu chỉ 4 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo và qua vài lần vay vốn ngân hàng để có tiền thuê đất trồng màu, niềm vui liên tiếp đến với gia đình anh Phong.

Nếu như năm 2015 đã sửa chữa lại căn nhà thì năm 2017 gia đình anh đã mua được 5.000 mét vuông đất, cuộc sống từ đó “thay da đổi thịt” không còn khốn khó. Gia đình anh Phong đã mua được máy gặt lúa, trừ chi phí vụ thu được khoảng 30 triệu đồng.

“Có được như ngày hôm nay tôi luôn nhớ ơn tới sự quan tâm của các cấp lãnh đạo địa phương, các hội đoàn thể và NHCSXH đã tạo điều kiện cho gia đình tôi và nhiều gia đình đồng bào DTTS được vay vốn ưu đãi”, anh Phong chia sẻ.

Được đánh giá là một trong những xã điển hình về hiệu quả tín dụng chính sách, báo cáo thêm với Đoàn khảo sát, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa cho biết, đến ngày 30/6/2018, xã đang thực hiện 11 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi với tổng dư nợ 25 tỷ đồng, thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội thành lập 25 tổ TK&VV với 1.090 thành viên, trong đó có 825 hộ gia đình DTTS đang dư nợ 12.532 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 76%/số hộ đang vay vốn. Nợ quá hạn là 27 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,1%, nợ khoanh là 75 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,3%. Số dư tiền gửi tiết kiệm qua tổ đạt 958 triệu đồng.

Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã giúp hộ đồng bào DTTS làm quen với việc vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập, qua đó nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh và quản lý vốn. Thông qua sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động làm chuyển biến về nhận thức, giúp đồng bào DTTS tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.

Thời gian tới, ông Hùng kiến nghị, NHCSXH tăng cường thêm nguồn vốn cho xã để nhiều người dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, mong muốn các cấp, các ngành cần có chương trình hỗ trợ chính sách dạy nghề gắn với hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Hướng dẫn cách làm ăn và tạo cơ hội làm việc cho các hộ đồng bào DTTS.

Gia đình anh Thạch Hoài Phong, chị Lê Thị Ngọc Rạng ở ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay của NHCSXH

Chia sẻ với bà con vùng đồng bào DTTS, Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác triển khai các chương trình tín dụng của xã Thuận Hòa, trong đó nhiều hộ DTTS được hưởng vốn ưu đãi. Trong tổng số hơn 25 tỷ đồng dư nợ của toàn xã, có 12,5 tỷ đồng là dư nợ của đồng bào DTTS, với 825 hộ đang còn dư nợ, chiếm 50% tổng dư nợ.

Đặc biệt, các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo có dư nợ 5,65 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 34,4%/tổng dư nợ, trong đó hộ vay thuộc diện DTTS là 284 hộ, dư nợ 4,6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 81,9%.

“Những con số trên cùng với việc Đoàn khảo sát đến thăm một số hộ vay của xã tại ấp Sóc Chùa đã minh chứng rằng việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội của Thuận Hòa rất hiệu quả. Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, chính quyền địa phương thì một lần nữa khẳng định, người dân nào có ý thức vươn lên cùng với đồng vốn NHCSXH và mạnh dạn làm ăn, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả”, Tổng giám đốc NHCSXH đánh giá.

Trước kiến nghị của xã Thuận Hòa với mong muốn cần thêm nguồn vốn, ông Dương Quyết Thắng công bố tại buổi làm việc, ngay trong tháng 7 này NHCSXH sẽ bổ sung cho xã 1 tỷ đồng để cho vay hộ đồng bào DTTS và 3 tỷ đồng cho vay các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo.

“Tuy nhiên, khi có nguồn vốn của NHCSXH, rất mong lãnh đạo chính quyền, hội đoàn thể địa phương tuyên truyền, hướng dẫn bà con vay vốn sử dụng sản xuất, kinh doanh hiệu quả, qua đó có thêm nhiều hộ thoát nghèo và khá giả”, ông Dương Quyết Thắng nhắn nhủ.

Chia sẻ với những thành quả của xã Thuận Hòa, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng, khi trực tiếp đến thăm 2 hộ ở ấp Sóc Chùa càng minh chứng cho sự hiệu quả của công tác tín dụng chính sách xã hội. Theo ông Đỗ Văn Chiến, qua những chuyến đi khảo sát tại địa phương sẽ giúp Ủy ban Dân tộc có cái nhìn toàn diện để thời gian tới hoạch định chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2026 được hoàn thiện, thiết thực hơn.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Dân tộc và NHCSXH đã có buổi làm việc với Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban ngành chủ chốt của tỉnh Trà Vinh.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm cho biết, Trà Vinh có 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa với dân số 1,1 triệu người với 274.425 hộ, trong đó hộ dân tộc Khmer 88.289 hộ, chiếm tỷ lệ trên 32%.

Về tình hình hoạt động của NHCSXH, đến 30/6/2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 2.198 tỷ đồng, tăng 115 tỷ đồng, tăng 5,52% so với năm 2017, hoàn thành 94% kế hoạch năm với 126.865 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Dư nợ bình quân 17 triệu đồng/hộ.

Nợ quá hạn ở mức thấp, khoảng 6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,27% tổng dư nợ, là tỉnh có nợ quá hạn thấp trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm kiến nghị với Đoàn khảo sát, trong đó mong muốn NHCSXH bố trí thêm nguồn vốn cho địa phương trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn…

Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết, NHCSXH sẽ cố gắng cân đối nguồn vốn để giải quyết những kiến nghị của địa phương tốt nhất trong điều kiện cho phép. Tuy nhiên, NHCSXH cũng mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa của Lãnh đạo chính quyền địa phương đối với hoạt động NHCSXH. Cùng với đó, toàn thể cán bộ, nhân viên NHCSXH tỉnh Trà Vinh trong năm 2018 phải không ngừng nỗ lực, cố gắng để đơn vị đạt danh hiệu xuất sắc nhiệm vụ trong khu vực.

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, thời gian tới Ủy ban Dân tộc của tỉnh sẽ tiếp tục kiện toàn bộ máy để giúp công tác dân tộc thiểu số đạt được kết quả tốt hơn.

Về nguồn vốn hỗ trợ đất ở, nước sạch, phát triển sản xuất, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến vui mừng khi biết thông tin NHCSXH sẽ bố trí thêm 40 tỷ đồng để Trà Vinh giải ngân cho các hộ vay, qua đó giúp nhiều người dân tiếp cận vốn vay, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bài và ảnh Đức Nghiêm

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tu-tin-su-dung-von-uu-dai-78129.html